Theo Bloomberg, giá Bitcoin có thời điểm giảm còn 42.505 USD/đồng vào đầu phiên giao dịch ngày 6/1. Đây là mức thấp nhất kể từ khi nó chạm đáy 42.296 USD trong một đợt mất giá diễn ra nhanh chóng vào đầu tháng 12 năm ngoái.
Trao đổi với Zing, Natasha Che, chuyên gia kinh tế, nhà sáng lập Tascha Labs cho rằng chính sách quản lý kinh tế sẽ khiến cho thị trường tiền mã hóa khó có thể bùng nổ trong tương lai gần.
“Để Bitcoin tăng đáng kể, bạn cần có nguồn tiền mới đổ vào thị trường mã hóa với tốc độ ngày càng tăng. Điều này luôn xảy ra, nhưng tôi không nhìn thấy sự tăng tốc nào trong vòng 3-6 tháng tới. Các điều kiện tiền tệ và tính thanh khoản sẽ thắt chặt hơn trong năm nay, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tìm cách tăng lãi suất”, bà nhận định.
Giá Bitcoin xuống mức thấp nhất kể từ đợt sụt giảm kỷ lục đầu tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Euro News. |
Bitcoin hiện là đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới, tính theo giá trị thị trường. Nó đã tăng khoảng 500% kể từ cuối năm 2019 sau khi xảy ra hàng loạt biến động thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và một số yếu tố khác.
Cùng với Bitcoin, các loại tiền mã hóa khác cũng giảm theo. Ethereum xuống mức thấp nhất kể từ ngày 13/10 năm rồi. Trong khi Binance Coin cũng giảm xuống mức cách đây khoảng 3 tháng.
Theo Sean Farrell và Will McEvoy, 2 chuyên gia về tài sản kỹ thuật số của hãng nghiên cứu thị trường Fundstrat, với bối cảnh hiện tại, tác động của Bitcoin và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tiền mã hóa, Ethereum và các nền tảng hợp đồng thông minh khác sẽ chịu nhiều áp lực.
“Chúng tôi không đặt cược ngắn hạn vào Bitcoin, nhưng về lâu dài có nhiều cơ hội thông qua các chiến lược phái sinh”, các chuyên gia này nhận định.
Sự biến động gần đây của tiền mã hóa diễn ra trong thời điểm thị trường tài chính có nhiều xáo trộn. Lạm phát tăng cao đang buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ, đe dọa làm giảm luồng gió thanh khoản, vốn đã giúp tăng giá trị hàng loạt tài sản số.
Chứng khoán Mỹ giảm sâu sau vài phút khi Cục Dự trữ Liên bang nước này có dấu hiệu sẽ tăng lãi suất sớm hơn, nhanh hơn so với kế hoạch. Chỉ số S&P 500 giảm 1,9%, dẫn đầu là cổ phiếu bất động sản, trong khi Nasdaq-100 chuyên về công nghệ giảm 3,1%. Sáng 6/1, tình hình mất giá cổ phiếu tiếp tục lan sang thị trường châu Á.