Tokenomics được hiểu là cơ chế kiểm soát nguồn cung của mỗi dự án tiền mã hóa. Khi có cơ chế tốt, dự án có thể phân bố token theo từng giai đoạn, giúp duy trì lâu dài hơn và hạn chế tình trạng các nhà đầu tư ban đầu xả token.
Tuy nhiên, do các dự án tiền mã hóa thường vận hành trên hợp đồng thông minh, việc khóa token cũng có thể bị lợi dụng nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ.
Cơ chế kiểm soát nguồn cung
Tokenomics là từ kết hợp giữa token và economic (kinh tế học). Đây được hiểu là bản chất kinh tế học của các loại tài sản hoạt động trên blockchain. Nói một cách dễ hiểu, tokenomics là cơ chế kiểm soát nguồn cung của tiền số.
Cơ chế phân bổ nguồn cung của CryptoBike. |
Giống như các loại tài sản khác, giá trị của tiền mã hóa cũng phụ thuộc vào hai yếu tố cung - cầu. Nếu nguồn cung trên thị trường quá nhiều trong một thời điểm, như trường hợp nhà đầu tư sớm được trả toàn bộ lượng token cam kết, mức giá có thể tụt nhanh chóng.
Do đó, các dự án tiền mã hóa hiện đại đều có yếu tố tokenomics, là cơ chế phân bổ token theo từng giai đoạn của lộ trình phát triển. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư chọn lựa dự án.
Ví dụ sớm nhất của tokenomics trong lĩnh vực tiền mã hóa là cách phân bổ Bitcoin. Người tạo ra đồng tiền này, lập trình viên bí ẩn Satoshi Nakamoto đã thiết kế để lượng Bitcoin thưởng cho những "thợ đào" ở mức đều đặn 50 BTC sau khi hoàn thành mỗi block kéo dài 10 phút. Cơ chế halving (chia nửa) cũng khiến lượng Bitcoin thưởng bị chia đôi sau mỗi 10.000 block.
Nhờ cơ chế ban đầu này, lượng Bitcoin được đưa vào lưu hành không bị tăng đột biến, thậm chí còn giảm dần. Phải tới năm 2140, đồng Bitcoin cuối cùng mới được đào.
Trong thế giới blockchain, tiền mã hoá có lộ trình phát hành coin/token dựa trên thuật toán, được thiết lập sẵn trong hợp đồng thông minh. Thông tin này cũng thường được đăng tải trong sách trắng (whitepaper) của dự án. Do đó, nhà đầu tư có thể dự tính trước số lượng hay ngày mở khóa nguồn cung của một dự án tiền số nhất định.
Tokenomics không phải là cam kết vĩnh viễn
"Hiện tại, các sàn giao dịch phi tập trung phát triển, người dùng hoàn toàn có thể kiểm soát lượng token của mình. Do đó, hầu hết cơ chế đều thể hiện trong smart contract, những ai có kiến thức về code hoàn toàn có thể đọc được. Tuy nhiên có nhiều dự án phần code của họ không được công khai nên sẽ gây khó khăn khi kiểm chứng", ông Trần Dinh, CEO công ty đầu tư lĩnh vực tiền mã hóa AlphaTrue chia sẻ với Zing.
Theo CoinMarketCap, nhà phát triển của dự án có thể thay đổi lịch trình mở khóa coin/token. Trước khi thay đổi lịch trình phát hành, đội ngũ dự án cần thông qua ý kiến của nhà đầu tư. CoinMarketCap cho rằng điều này sẽ mang lại sự thoải mái và giúp bảo vệ nhà đầu tư khỏi những đợt lạm phát.
Phần lớn các vụ rút thảm đều xuất phát từ cơ chế nguồn cung. |
Theo ông Dinh, khi một dự án đã được phát hành, tokenomics vẫn có thể thay đổi. Việc dễ dàng mở khóa nguồn cung là một trong những kẽ hở, giúp đội ngũ phát triển có thể rug pull, thu lợi cho cá nhân.
“Việc thay đổi nguồn cung tùy thuộc vào mỗi dự án. Nhiều dự án đã chạy được một thời gian hoàn toàn có thể thay đổi lại tokenomics cho phù hợp với thị trường tại thời điểm đó. Tuy nhiên, việc này không được khuyến khích. Thông thường, tokenomics khi thiết kế cần phải được tư vấn bởi các chuyên gia hoặc đội ngũ có kinh nghiệm”, ông Dinh chia sẻ. Nhà đầu tư này cũng cho biết những người muốn bỏ tiền vào các dự án cần tự trang bị kiến thức về blockchain, smart contract để theo sát khoản tiền mình bỏ ra.
CryptoBike không có cơ chế nguồn cung minh bạch
Hôm 1/1, CryptoBike (CB), một trò chơi NFT vừa ra mắt không lâu đã bị xả lượng lớn token, khiến giá đồng tiền số này giảm mạnh. Các nhà đầu tư cho rằng đợt bán tháo này do nhà phát hành thao túng.
Theo nhà đầu tư N. T., việc không khóa token sau các vòng gọi vốn đầu tiên là một kẽ hở, khiến đội ngũ phát triển có thể "rút thảm" bất kỳ lúc nào. Sau khi truy theo nguồn gốc của địa chỉ ví bán tháo, một số nhà đầu tư phát hiện ra tài khoản này có liên quan đến đội phát triển.
"Qua kiểm tra trên BSCScan, tính từ thời điểm đồng CB được niêm yết, số token trong quỹ thưởng chưa được khóa. Đội ngũ phát triển đã chia nhỏ các ví để nhận thưởng và xả, thu về số tiền 700.000 USD", ông T. chia sẻ trong bài đăng trên một nhóm về đầu tư tiền mã hóa.
CryptoBike là game kiểu click-to-earn, không có giá trị gì trừ việc mua bán các NFT. Ảnh: Crypto Opinion. |
Một số nhà đầu tư khác còn cho rằng địa chỉ ví này đã nhận 0,2 BNB để làm phí giao dịch nhằm xả lượng lớn đồng CB. Solidproof, đơn vị kiểm toán của dự án công bố danh tính người phát triển sau khi CryptoBike có dấu hiệu lừa đảo.
Theo đó, người đứng sau xây dựng CryptoBike là một lập trình viên Việt Nam, không phải người Mỹ như dự án công bố. Ngoài ra, website chính thức của tựa game hiện không thể truy cập.
Trên Twitter, đội ngũ phát triển CryptoBike thông báo dự án bị hack. 6 triệu CB bị bán tháo là từ quỹ thưởng cho người chơi CryptoBike. Số token này tương đương 60% tổng cung dự án.
Giá đồng CB giảm mạnh sau vụ rug pull. |
Đồng thời, đội ngũ phát triển đưa ra quy định về thời gian rút token về ví. Cụ thể, nếu người chơi rút sớm sẽ bị phạt chiết khấu. Khi giữ đủ 6 ngày, người dùng có thể chuyển token đi mà không bị thâm hụt. Theo ông Đỗ Phát, một nhà đầu tư tham gia dự án, tâm lý chung của người chơi là đợi đủ thời gian để rút tiền, không mất khoản phí này.
Tuy nhiên đến ngày 1/1, trùng thời điểm được phép rút tiền miễn phí lần đầu, một lệnh “xả” 6 triệu CB (token dự án CryptoBike) được đưa ra, khiến giá đồng tiền số này giảm mạnh từ mốc 0,82 USD xuống còn 0,046 USD, chia hơn 17 lần.