Ngày 1/11, giá của tiền mã hóa Squid Game (mã giao dịch SQUID) có lúc đạt hơn 2.800 USD. Tuy nhiên, chỉ 5 phút sau, giá đồng tiền này giảm xuống còn 0,0008 USD, tức là giảm hơn 3 triệu lần, theo số liệu từ Coinmarketcap.
Mất tất cả chỉ trong 5 phút
Giá của đồng SQUID tăng vọt trong ngày 1/11. Vào lúc 13h, giá ở mốc 38 USD. Sau đó, cứ mỗi giờ mức giá lại tăng vài lần, và đến 16h đã đạt mức 523 USD.
Sau đó 35 phút, mức giá đạt đỉnh ở 2.861,8 USD, tức là tăng 75 lần chỉ trong hơn 3 giờ. Theo Coinmarketcap, đây là mức tăng trưởng chưa từng có trong thị trường tiền mã hóa.
Giá của đồng SQUID "sập" chỉ trong 5 phút. Ảnh: ETH Trader. |
Tuy nhiên, những nhà đầu tư của SQUID không thể bán khi giá tăng. Cơ chế "chống xả hàng" được nhà phát triển đặt vào ban đầu khiến cho những người nắm giữ không thể bán ngay.
Chỉ 5 phút sau khi đạt đỉnh, giá SQUID sập mạnh. Từ mức đỉnh hơn 2.800 USD, giá đồng tiền này hạ xuống 0,0007926 USD, tức là gần như mất tất cả.
Do lượng giao dịch trong toàn bộ quá trình đó vẫn giữ đều ở mức 11 triệu, không có cơ sở cho thấy có thêm lực mua từ nhà đầu tư để đẩy giá lên. Nói cách khác, đây hoàn toàn là chiêu trò của nhà phát triển.
Theo tài khoản chính thức của công ty ví tiền mã hóa Trust Wallet, đây là một ví dụ điển hình cho "rug pull", hình thức mà nhà phát triển thu lợi nhuận khi thổi giá đồng coin do chính mình tạo ra. Cú rug pull này được ghi lại trực tiếp trong video, khi Bagsy, nhà đầu tư tiền mã hóa có hơn 180.000 người theo dõi đang xem giá của SQUID.
Trong thế giới tiền mã hóa, rug pull chỉ việc những người phát triển một đồng tiền bỏ dự án đột ngột và mang theo tiền của nhà đầu tư. Đây là hình thức lừa đảo khá phổ biến trong giới tiền mã hóa, nhất là với những dự án tài chính phi tập trung (DeFi), khi mà toàn bộ các giao dịch được tiến hành bằng những đoạn code chứ không có một tổ chức nào quản lý.
"Giá tăng nhanh khó hiểu, và tôi chỉ có thể nhìn màn hình khi đồng SQUID mất sạch giá trị trong vài phút. Chẳng có cách nào cứu vãn số tiền của tôi", một nạn nhân nói với Coinmarketcap.
Đáng ngờ ngay từ đầu
Tiền mã hóa SQUID mới được giới thiệu vào tuần trước trên sàn giao dịch PancakeSwap. Tuy nhiên, theo Gizmodo thì có rất nhiều dấu hiệu đáng ngờ của dự án này. Website giới thiệu dự án có nhiều lỗi chính tả, các kênh giao tiếp thường gặp như Telegram hay Twitter đều chặn hoặc lọc bình luận của người ngoài. Theo nguồn kiểm tra lừa đảo Scamadviser, trang web chính thức của token Squid Game chỉ có điểm tin cậy là 45/100.
Một tài khoản Twitter có tên Crypto Tyrion cho biết những nhà sáng lập của token SQUID thậm chí không thuộc mạng lưới chuyên nghiệp của LinkedIn. Đồng thời, tài khoản này nhấn mạnh rằng nhóm sáng lập của SQUID cũng chặn các bình luận của người dùng trên Twitter.
Giao diện website giới thiệu token SQUID. Website này cùng các kênh liên lạc khác của đồng token đều đã biến mất sau cú rug pull. Ảnh: Gizmodo. |
Dấu hiệu đáng ngờ nhất là việc nhà đầu tư không thể bán đồng tiền này dù giá của nó tăng mạnh. Trên sàn PancakeSwap, nhiều người cho biết không thể đặt lệnh bán SQUID. Coinmarketcap cũng đưa ra cảnh báo trên website của mình sau khi nhận được nhiều phản hồi tương tự.
Nhà phát triển SQUID tuyên bố trong sách trắng “cơ chế chống bán phá giá” nhằm ngăn các nhà đầu tư giao dịch đồng tiền của họ theo cách tương tự của một số coin lớn đang triển khai. Cụ thể, người dùng phải nắm giữ token “Marbles” để bán một lượng SQUID nhất định.
Sách trắng của SQUID cũng cho biết Marbles chỉ được thu thập khi người giữ SQUID tham gia vào 6 game online để nhận thưởng, tương tự như cách trong bộ phim mà nó ăn theo.
“Nếu bạn nắm giữ một số 'Marbles', bạn có thể bán số lượng SQUID nhất định bất kỳ lúc nào trên PancakeSwap. Sau khi bán, những 'Marbles' đó trong ví của bạn sẽ tự động bị tiêu hủy”, sách trắng của SQUID viết.
Nhà đầu tư thiếu cảnh giác đã bị chính nhà phát triển đồng SQUID lừa. Ảnh: Coinmarketcap. |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy token này đã gặp hiện tượng rug pull, một trong những trò lừa đảo quen thuộc nhất trong thế giới tài chính phi tập trung.
Để tham gia trò chơi con mực của SQUID, người dùng phải sở hữu 456 SQUID. Khi giá tăng lên 10 USD, con số đó tương đương mức phí 4.560 USD để có cơ hội bán đồng tiền này ra về sau. Phần lớn nhà đầu tư không sở hữu Marbles, nên không thể bán.
Một nạn nhân của trò lừa cho biết họ mua SQUID vì thấy website đẹp, có vẻ đáng tin. Tuy nhiên, tới khi mua xong người này mới tìm hiểu "cơ chế chống xả hàng", mà trong thực tế là cơ chế khiến họ không thể bán khi giá tăng mạnh trước cú sập.
Đây không phải là loại tiền mã hóa đầu tiên ăn theo các show hoặc phim truyền hình. Đầu năm nay, tiền mã hóa Mando, sử dụng hình ảnh từ show truyền hình Mandalorian của Disney+ cũng bị tố lừa đảo.