Thị trường vàng thế giới đang chứng kiến những diễn biến lịch sử khi giá liên tục tăng cao. Kim loại quý đã tăng gần 60 USD chỉ trong một ngày để chạm ngưỡng 2.132 USD/ounce trong phiên giao dịch diễn ra vào tối 5/3 theo giờ Việt Nam. Đây là ngưỡng cao nhất từ trước đến nay của giá vàng giao ngay. Đỉnh trước đó được lập vào đầu tháng 12/2023 với giá 2.110 USD/ounce.
Nguyên nhân khiến giá vàng tăng dựng đứng
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, xu hướng tăng của giá vàng thế giới đã diễn ra liên tục từ tháng 12/2023 cho đến thời điểm hiện tại. Đà tăng mạnh này cũng đã được dự báo từ trước với 3 lý do chính.
Trong đó, lý do lớn nhất đến từ chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cơ quan này tuyên bố trong năm 2024 sẽ giảm lãi suất ít nhất 3 lần với mỗi lần giảm 0,5 điểm %; tương đương mức giảm 1,5 điểm % trong năm nay dù thời điểm giảm còn chưa được công bố.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong tháng 3 này. Tuy nhiên, chính sự do dự của Fed khiến kịch bản giảm lãi suất được dịch chuyển theo hướng lâu hơn, có thể kéo dài tới đầu tháng 6 mới áp dụng. Và khi Fed giảm lãi suất, giá trị của đồng USD sẽ giảm theo, cũng là điều kiện để giá vàng tăng lên.
Lý do thứ hai tới từ tình hình địa chính trị leo thang tại nhiều điểm nóng gây căng thẳng và ảnh hưởng tới giá dầu, cũng như kinh tế thế giới. Khi bất ổn chính trị xảy ra, tài sản của nhà đầu tư luôn chảy về nơi trú ẩn an toàn là vàng.
Cùng với đó, việc các ngân hàng trung ương lớn như của Mỹ, Trung Quốc... liên tục tích trữ vàng trong 2 năm trở lại đây với tổng khối lượng lên tới cả nghìn tấn càng khiến người dân coi đây là kênh đầu tư hấp dẫn.
Giá vàng thế giới đang chạm ngưỡng lịch sử. Ảnh: SCMP. |
Các chuyên gia quốc tế cũng nhận định rằng chính dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự báo đã đẩy giá vàng tăng “điên cuồng".
"Dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự báo công bố vào tuần trước đã kéo lãi suất thực của Mỹ xuống. Đây là nguyên nhân kích hoạt đợt tăng giá của vàng", chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của Ngân hàng UBS nói.
Trong tuần trước, giá vàng đã tăng khoảng 50 USD lên sát mức 2.100 USD/ounce khi các báo cáo kinh tế cho thấy chi tiêu xây dựng và sản xuất tại Mỹ ảm đạm.
Giá vàng còn tăng đến đâu?
Theo Jesse Felder, người sáng lập công ty tài chính Felder Report, kim loại quý có triển vọng tăng mạnh mẽ trong ngắn hạn, bởi ông không kỳ vọng Fed có thể đưa lạm phát trở lại mức 2% mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Felder nói thêm rằng lạm phát ở mức cao trong thời gian dài có thể khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào Fed, làm suy yếu đồng bạc xanh và khiến vàng trở thành loại tài sản hấp dẫn. Đồng thời, nền kinh tế suy yếu sẽ buộc Fed phải áp dụng lại biện pháp nới lỏng khi trước đó cơ quan này đã duy trì chính sách “diều hâu" trong khoảng thời gian dài.
“Việc hạ cánh mềm sẽ diễn ra nếu kịch bản lạm phát giảm xuống và Fed có thể hạ lãi suất mà không xảy ra suy thoái. Nhưng nếu lạm phát không giảm và Fed không hạ lãi suất thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế", Felder nhận định.
Đồng thời, người sáng lập Felder Report lưu ý các điều kiện tín dụng trên thị trường tài chính toàn cầu đang tiếp tục xấu đi. Vì thế, sớm hay muộn Fed sẽ phải bơm thêm thanh khoản vào thị trường.
Từ các nhận định trên, Felder rất lạc quan về triển vọng bứt phá của giá vàng. Trong ngắn hạn, giá vàng có thể tăng thêm vài trăm USD. Còn về dài hạn 1-2 năm tới, mức giá có thể chạm 2.700-2.800 USD/ounce.
Kịch bản giá vàng thế giới tăng thêm trong thời gian tới cũng là dự báo cho đợt tăng tiếp theo của giá vàng trong nước.
Bởi theo ông Huỳnh Trung Khánh, Việt Nam hiện không sản xuất, khai thác vàng. Lượng vàng lưu thông trong nước chủ yếu tới từ nguồn nhập khẩu và vì thế, nếu giá vàng thế giới tăng cao thì giá vàng trong nước cũng phải tăng theo.
Tuy nhiên, việc tăng bao nhiêu còn phụ thuộc thêm vào yếu tố nguồn cung, khi thị trường vàng trong nước đang gặp tình trạng hạn chế.
“Nguồn cung hạn chế có thể dẫn đến trường hợp giá vàng thế giới tăng ít nhưng giá vàng trong nước tăng gấp đôi hoặc gấp 4 lần. Hoặc thậm chí kịch bản giá vàng thế giới không tăng nhưng trong nước vẫn tăng cũng có thể xảy ra chỉ vì cầu nhiều hơn cung. Do đó, rất khó đoán trước", ông Khánh nhấn mạnh.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.