Theo CNBC, bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell chỉ kéo dài vài phút. Nhưng nó đã thay đổi mọi thứ.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ đã đưa ra một cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống lạm phát. Đó là sẵn sàng tăng lãi suất lên mức cao hơn và duy trì nó trong một khoảng thời gian dài hơn dự kiến.
Vốn trông đợi vào việc Fed sẽ nhẹ tay hơn trong cuộc đua lãi suất, các thị trường đã bị giáng đòn nặng. Giới đầu tư buộc phải điều chỉnh lại kỳ vọng để phù hợp với lập trường của Fed hơn.
Thị trường rúng động
"Trong 2 tuần qua, một loạt tuyên bố của các quan chức Fed đã nói lên điều đó. Và với bài phát biểu ngắn gọn của mình, ông Powell khiến kịch bản 'diều hâu' càng trở nên chắc chắn hơn", CNBC dẫn lời ông Art Hogan - Giám đốc chiến lược thị trường của B. Riley Wealth Management - nhận định.
Trước bài phát biểu của ông Powell, các thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào cuối tháng này, sau đó tăng tiếp 2 lần nữa rồi dừng hẳn. Trong kịch bản đó, lãi suất cực đại ở cuối chu kỳ tăng là 5,25%.
Nhưng mọi hy vọng đã tiêu tan sau bài phát biểu của ông Powell. Trong đó, ông cảnh báo rằng nếu dữ liệu vẫn còn nóng, lãi suất cực đại sẽ vượt dự báo trước đó và bước nhảy lãi suất mỗi đợt cũng cao hơn 0,25 điểm phần trăm.
"Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần tăng cường thắt chặt chính sách, chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất", ông Powell nhấn mạnh trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn cho 2 cuộc điều trần tuần này tại Đồi Capitol.
Đến nay, các thị trường tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 3. Còn lãi suất cực đại có thể vọt lên gần 5,75%.
Điều gì đã thay đổi?
Điều gì đã thay đổi sau cuộc họp gần nhất của Fed? Đó là hàng loạt dữ liệu của tháng 1 chỉ ra lạm phát vẫn còn rất nóng, thậm chí đã tăng trở lại.
Vài tuần trước, ông Powell còn cho rằng quá trình thiểu phát đã bước vào giai đoạn đầu. Nhưng giờ, ông lại một lần nữa thể hiện sự cứng rắn trong các chính sách tiền tệ.
"Ông ấy buộc phải điều chỉnh dựa trên các dữ liệu mới. Đó là điều nên làm", ông Hogan nhận định.
"Nếu dữ liệu tháng 2 và tháng 3 nói lên câu chuyện khác, ông Powell có thể linh hoạt hơn. Trong kịch bản đó, Fed sẽ không cần phải đẩy lãi suất lên cao tới mức hủy hoại nền kinh tế", vị chuyên gia nói thêm.
Ông Powell khẳng định sẽ theo dõi một loạt dữ liệu quan trọng sắp tới. Báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ sắp được công bố hôm 10/3 (giờ Mỹ). Theo sau đó là chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất tháng 2.
Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo về việc Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới. Nhưng họ thừa nhận rằng xác suất của bước nhảy lãi suất 25 điểm phân trăm và 50 điểm phần trăm cũng suýt soát nhau.
Nếu Fed nghiêng về mức tăng 50 điểm cơ bản, Goldman Sachs cảnh báo rằng thị trường sẽ bị tác động mạnh. Đà bán tháo đối với cổ phiếu lan rộng, các thị trường hàng hóa lao đao và đồng USD mạnh lên.
"Điều phải làm"
Ông Powell đã đối mặt với những câu hỏi về chiến lược chống lạm phát của Fed. Một số quan chức, bao gồm Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và thành viên Hạ viện Mỹ Ayanna Pressley, chỉ trích rằng các đợt tăng lãi suất có thể khiến 2 triệu người bị sa thải, gây tổn hại tới các hộ gia đình một cách không đồng đều.
Ông Powell phản bác rằng lạm phát cũng đang đè nặng lên những người dễ tổn thương nhất.
"Đó là những gì ông ấy phải làm", ông Joseph Brusuelas - chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM - bình luận về lập trường của ông Powell. Vị chuyên gia cho biết người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ đang làm rất tốt và được mọi người đánh giá cao.
Ông ấy buộc phải điều chỉnh dựa trên các dữ liệu mới. Đó là điều nên làm
Ông Art Hogan - Giám đốc chiến lược thị trường của B. Riley Wealth Management
Ông Brusuelas nằm trong số những người cho rằng Fed nên quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát, đẩy bước nhảy lãi suất lên 50 điểm cơ bản.
Nhưng nếu báo cáo việc làm cho thấy thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt, và chỉ số giá tiêu dùng chỉ ra lạm phát đã được kìm hãm phần nào, các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc lại.
Theo Dow Jones, các nhà kinh tế được khảo sát dự báo thị trường lao động Mỹ sẽ có thêm 225.000 việc làm trong tháng 2. Mức tăng 517.000 việc làm trong tháng 1 cũng được điều chỉnh giảm so với ước tính.
"Nền kinh tế vẫn chống chịu quá tốt. Để hạ nhiệt, chúng ta cần tạo ra đủ cung lao động dư thừa", ông Brusuelas nhận xét.
Theo khảo sát JOLTS của Bộ Lao động Mỹ, các đợt sa thải đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm vào tháng 1. Dữ liệu về số lượng việc làm bị cắt giảm trong năm ngoái cũng được sửa đổi lên cao hơn ước tính.
Nhưng thị trường việc làm vẫn còn mạnh mẽ. Mỗi người thất nghiệp có tới 1,9 cơ hội việc làm.
Số lượng vị trí trống - một thước đo nhu cầu tuyển dụng - giảm 410.000 việc làm còn 10,8 triệu việc làm vào ngày cuối cùng của tháng 1, nhưng vẫn vượt dự báo của giới quan sát. Dữ liệu của tháng 12 năm ngoái được điều chỉnh cao hơn, từ 11 triệu việc làm như báo cáo trước đó lên 11,2 triệu việc làm.
Fed bị đẩy vào thế khó. Ảnh: Bloomberg. |
Các nhà kinh tế của Nomura cảnh báo rằng với những dữ liệu này, Fed có thể phải thắt chặt hơn nữa. Công ty tài chính Nhật Bản cũng đang điều chỉnh danh mục đầu tư theo những phán đoán về các bước đi tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ.
Đến thời điểm hiện tại, ngày càng nhiều nhà giao dịch đặt cược vào kịch bản Fed diều hâu hơn, ngay cả khi ông Powell khẳng định FOMC vẫn chưa có bất cứ quyết định nào về động thái trong cuộc họp tiếp theo.
Chuyên gia kinh tế trưởng Steven Blitz của TS Lombard thậm chí còn cho rằng Fed sẽ buộc phải đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.
"Hoặc là một cuộc suy thoái sẽ xảy ra vào giữa năm với lãi suất đạt 5,5% ở cuối chu kỳ tăng; hoặc những dữ liệu trong tháng 1 phản ánh đúng xu hướng, Fed buộc phải mạnh tay hơn và đẩy lãi suất lên 6,5%, trước khi mọi thứ thực sự chậm lại", ông nói.
"Vì vậy, câu hỏi không phải là có một cuộc suy thoái hay không, mà là thời điểm sẽ xảy ra suy thoái. Chúng ta càng mất nhiều thời gian để đi tới thời điểm đó, lãi suất sẽ càng cao", ông Blitz lập luận.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.