Adidas đưa ra dự báo bi quan về kết quả kinh doanh của năm nay. Ảnh: Reuters. |
CNBC đưa tin hôm 8/3, Adidas công bố khoản lỗ lớn trong quý IV/2022 và tuyên bố cắt giảm cổ tức sau khi chấm dứt hợp tác với thương hiệu Yeezy của Kanye West vào tháng 10/2022.
Cụ thể, gã khổng lồ đồ thể thao của Đức đã phải gánh lỗ hoạt động 724 triệu euro (tương đương 763 triệu USD) trong quý cuối năm 2022. Lỗ ròng từ hoạt động kinh doanh liên tục là 482 triệu euro (508 triệu USD).
Công ty đề xuất giảm cổ tức từ 3,3 euro/cổ phiếu vào năm 2021 xuống 0,7 euro/cổ phiếu tại cuộc họp thường niên ngày 11/5/2022.
Triển vọng bi quan
Công ty cho biết doanh thu quý IV đã lao dốc 1% do dừng hợp tác với Yeezy. Adidas dự báo doanh thu của hãng có thể sụt giảm với tốc độ cao nhưng dưới 10% trong năm 2023.
Hãng dự đoán lỗ hoạt động cả năm 2023 là 700 triệu euro (khoảng 738 triệu USD), đánh dấu khoản lỗ năm đầu tiên trong vòng 31 năm. Các ước tính được đưa ra dựa trên khoảng 500 triệu euro (527 triệu USD) thiệt hại liên quan tới hàng tồn kho của Yeezy và 200 triệu euro (211 triệu USD) chi phí một lần.
Hãng thời trang Đức đã chấm dứt quan hệ đối tác với nam rapper kiêm nhà thiết kế thời trang Kanye West do anh này có nhiều phát ngôn phản cảm. Adidas tuyên bố những phát ngôn và hành động của Ye (Kanye West) là "không thể chấp nhận được".
Mối quan hệ hợp tác sinh lời cao giữa Adidas và nam rapper Kanye West đã tan vỡ vào tháng 10/2022. Điều này mang lại tổn thất lớn cho hãng sản xuất đồ thể thao Đức. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, công ty đã cảnh báo về tác động tiêu cực đối với doanh thu, nếu hãng không thể xử lý lượng giày Yezzy tồn kho khổng lồ.
Công ty cho biết lợi nhuận hoạt động cơ bản sẽ "ở quanh ngưỡng hòa vốn", phản ánh thiệt hại 1,2 tỷ euro (1,27 tỷ USD) doanh thu tiềm năng từ lượng hàng Yeezy tồn kho.
Trong một tuyên bố hôm 8/3, ông Bjørn Gulden - CEO mới của Adidas - cho biết 2023 là năm chuyển giao. Công ty sẽ tìm cách xử lý lượng hàng tồn kho và giảm chiết khấu để có lãi vào năm 2024.
"Adidas có mọi yếu tố để thành công, nhưng chúng tôi cần tập trung vào phần cốt lõi của mình. Đó là sản phẩm, người tiêu dùng, các đối tác bán lẻ và vận động viên", vị CEO nhấn mạnh.
Trả giá đắt
Trong năm 2022, doanh thu trung lập tiền tệ (currency-neutral revenue) của Adidas đã tăng 1%. Ngoại trừ Trung Quốc, hãng này ghi nhận tăng trưởng doanh thu ở mọi thị trường. Tốc độ tăng lên tới 2 chữ số ở Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.
Lợi nhuận hoạt động đạt 669 triệu euro (705 triệu USD), còn lãi ròng từ hoạt động kinh doanh liên tục là 254 triệu euro (268 triệu USD).
Việc xử lý hàng tồn kho và chi phí một lần do chấm dứt quan hệ đối tác với Yeezy vào tháng 10 đã khiến Adidas phải trả giá đắt
Bà Victoria Scholar - Trưởng bộ phận đầu tư tại Interactive Investor
“Việc xử lý hàng tồn kho và chi phí một lần do chấm dứt quan hệ đối tác với Yeezy vào tháng 10 đã khiến Adidas phải trả giá đắt", bà Victoria Scholar - Trưởng bộ phận đầu tư tại Interactive Investor - nhận định.
Bà cho rằng đây là nguyên nhân khiến hãng thời trang thể thao này thua lỗ hoạt động trong quý IV/2022 và ghi nhận doanh số bán hàng sụt giảm.
"Nhưng trên hết, doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã giảm mạnh vào năm ngoái do các biện pháp chống dịch gắt gao", vị chuyên gia nói thêm.
"Hơn nữa, Adidas đã phải đối phó với tình trạng chi phí gia tăng hậu đại dịch. Sức mạnh chi tiêu tiêu dùng cũng suy yếu vì bối cảnh kinh tế vĩ mô, khiến hãng phải giảm giá để thu hút khách hàng", bà Scholar lập luận.
Giá cổ phiếu Adidas đã giảm 1,7% trong phiên sáng tại châu Âu, nhưng vẫn tăng hơn 11% kể từ đầu năm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.