Ngày 9/3, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã ghi nhận ngày giảm thứ 3 liên tiếp. Những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã lấn át sự sụt giảm bất ngờ trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ và kỳ vọng về đà phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc.
Nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy lãi suất điều hành lên cao hơn dự kiến vẫn đang đè nặng lên giá dầu và các tài sản rủi ro khác. Bởi lãi suất tăng cao có thể tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế và nhu cầu toàn cầu.
Giá dầu thô Brent đã giảm 0,34 USD/thùng, tương đương 0,4%, xuống 82,32 USD/thùng. Còn giá dầu WTI chuẩn Mỹ giảm 0,11 USD/thùng còn 76,55 USD/thùng. Trong 2 ngày trước đó, giá của 2 loại hàng hóa này đều giảm 4-5%.
Giá dầu thế giới trượt dài sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Trading Economics. |
Lo ngại gia tăng
"Những lo ngại về suy thoái kinh tế đã gia tăng rõ rệt", ông Tamas Varga tại công ty dầu PVM nhận định. Ngày 7/3, giá dầu ghi nhận mức giảm ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 1 sau những bình luận diều hâu của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
"Thị trường dầu vẫn chịu ảnh hưởng từ giọng điệu diều hâu của ông Powell", Reuters dẫn lời ông Suvro Sarkar - chuyên gia phân tích năng lượng hàng đầu tại Ngân hàng DBS - nhận định. Ông chỉ ra khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, thay vì 0,25 điểm phần trăm như dự báo trước đó.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế đã gia tăng rõ rệt
Ông Tamas Varga tại công ty dầu PVM
Lực bán vẫn lấn át trên thị trường dầu bất chấp những tin tức hỗ trợ giá dầu. Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 8/3, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 1,7 triệu thùng vào tuần trước, kết thúc chuỗi tăng kéo dài 7 tuần.
Trước đó, các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo rằng dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ tăng 400.000 thùng trong tuần. Nguồn cung bị thu hẹp đáng lẽ có thể hỗ trợ giá dầu, nhất là trong bối cảnh nhu cầu dầu thô tại Trung Quốc được kỳ vọng tăng lên.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu trong tháng 2 là dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang phục hồi tại đất nước 1,4 tỷ dân, sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ những biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 gắt gao.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa nhu cầu tăng trưởng dầu trong năm nay, sau khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Đảo ngược đà tăng
Theo IEA, cùng với việc OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) hạn chế sản xuất, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra vào nửa cuối năm nay.
Hơn nữa, kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu một cách mạnh tay của Nga - nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây - cũng được cho là sẽ đẩy giá dầu lên cao.
Giá dầu đã vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần trước phiên điều trần của chủ tịch Fed tại Đồi Capitol. Giới đầu tư kỳ vọng rằng ông Powell sẽ tìm cách thiết kế một cú "tiếp đất nhẹ nhàng" cho nền kinh tế Mỹ. Điều này có thể hỗ trợ giá dầu.
Nhưng những bình luận diều hâu của ông Powell đã khiến thị trường dầu chao đảo. Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ chỉ ra dữ liệu kể từ đầu năm cho thấy lạm phát đã đảo ngược đà giảm tốc vào cuối năm 2022. Ông cảnh báo rằng lãi suất điều hành có thể tăng vượt dự kiến của các nhà hoạch định chính sách.
Nói với CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng Steven Blitz của TS Lombard tin rằng Fed sẽ không chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất cho tới khi nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái.
"Không có lối thoát nào cho tới khi Chủ tịch Jerome Powell tạo ra một cuộc suy thoái. Chỉ đến lúc tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, lãi suất của Fed mới ngừng tăng", ông Biltx nhấn mạnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.