Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Lượng xe phình to, lỗi ở địa phương'

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, các địa phương có trách nhiệm quản lý doanh nghiệp vận tải trên địa bàn về số lượng, cách thức hoạt động…

Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Mới đây nhất, Hiệp hội taxi Hà Nội và Sở GTVT TP.HCM kiến nghị dừng khẩn cấp  đề án thí điểm vì có nhiều bất cập. Xung quanh câu chuyện này, Zing.vn đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả bước đầu trong thực hiện đề án thí điểm?

- Nó mang lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng. Doanh nghiệp thí điểm ứng dụng công nghệ cũng là tác động kích thích cho những hãng vận tải, taxi truyền thống phải xem xét lại mình. Các hãng phải ứng dụng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản lý mới để có thể cạnh tranh với phương thức khác.

Theo tôi biết, khoảng 10 doanh nghiệp taxi cũng đã ứng dụng công nghệ trong việc kinh doanh vận tải. Thậm chí một số doanh nghiệp taxi truyền thống có còn có ứng dụng hay hơn cả Uber, Grab.

quan diem cua bo giao thong ve de xuat dung uber grab anh 1
Đồ họa: Phượng Nguyễn.


- Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, Bộ GTVT đã không giới hạn số lượng phương tiện tham gia đề án thí điểm, dù UBND TP. Hà Nội và TP.HCM kiên quyết phản đối. Theo đó, xe hoạt động như taxi tăng vọt gây ra ùn tắc giao thông. Vậy trách nhiệm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào thưa Thứ trưởng?

- Trong thời buổi công nghệ này, việc đưa ứng dụng công nghệ vào kết nối và quản lý vận tải là xu thế tất yếu. Chúng ta đã nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng cho phép thí điểm. Sau đó Bộ GTVT đã soạn thảo Quyết định số 24. Các địa phương là đơn vị quản lý trực tiếp về phần cấp phép và tổ chức hoạt động. Do vậy, việc phình to số lượng phương tiện là do các cấp chính quyền quản lý trên địa bàn.

Tôi xin nhấn mạnh, trong bất cứ phương thức vận tải nào đều phải có người quản lý. Việc quan trọng nhất là quản lý như thế nào. Vậy ai là người quản lý?

Chúng tôi vẫn xác định vai trò của chính quyền địa phương. Họ là người cấp phép và quản lý về số lượng phương tiện. Nếu có gian lận, vi phạm phải có thanh tra, kiểm tra, nếu sai phải có cưỡng chế.

Bộ GTVT đã xây dựng quy định rất rõ trong đề án rằng xe phải có phù hiệu, hợp đồng, thực hiện nghĩa vụ về thuế… khi tổ chức kinh doanh. Việc đơn vị kinh doanh đăng ký thế này, thực hiện thế kia thì địa phương phải thực hiện thanh tra, kiểm tra, nếu sai phải chấn chỉnh, xử phạt, hoặc có thể là rút giấy phép.

Bộ chỉ tạo sân chơi

- Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng số lượng xe tham gia thí điểm đề án đã tăng vọt, phá vỡ quy hoạch taxi, khiến tình hình giao thông ngày càng phức tạp. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?

- Tôi xin nhắc lại các địa phương phải có xem xét vấn đề này. Bất kỳ đô thị nào đều có quy hoạch về giao thông, trong đó có số lượng phương tiện, ví dụ số lượng taxi là bao nhiêu, xe bus là tuyến nào. Trên cơ sở hạ tầng, các địa phương quyết định số lượng đăng ký. Vì vậy, chính các địa phương phải biết số lượng phương tiện là bao nhiêu. Bộ GTVT không phải đi nắm từng con số đó.

Chúng tôi xây dựng hành lang pháp lý, quy định để tạo sân chơi, chứ số lượng bao nhiêu, quản lý thế nào thì phải hỏi các địa phương. Tôi lấy ví dụ, Bộ giờ không cấp phép xe đường dài liên tỉnh mà là các địa phương.

Khi Hiệp hội đưa ra con số trên, tôi khuyến cáo các địa phương cần xem xét. Con số do địa phương quản lý, các địa phương có trách nhiệm phản biện, Bộ GTVT không nắm được.

Con số phương tiện cũng cần xác minh chính xác, cần có cơ quan chức năng điều tra. Hiện tại nhiều doanh nghiệp taxi cũng áp dụng ứng dụng trong đặt xe bằng công nghệ, do vậy không chỉ có Uber và Grab.

quan diem cua bo giao thong ve de xuat dung uber grab anh 2
Quy hoạch và hiện trạng xe taxi, xe hợp đồng giống như taxi tại Hà Nội và TP.HCM. Nguồn: Hiệp hội taxi Hà Nội. Đồ họa: Hiếu Công.

- Ông có lo ngại với đà này, số lượng phương tiện tham gia thí điểm đề án tăng vọt dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho giao thông tại các thành phố lớn hay không?

- Thực ra nếu nhìn ở bình diện việc phát triển vận tải, tôi thấy hình thức mới mẻ có tác động rất tích cực và kích thích các đơn vị truyền thống thay đổi. Hiện tại Uber, Grab đang cạnh tranh hết sức quyết liệt với các doanh nghiệp vận tải khác, cũng sử dụng công nghệ.

Ta nói chỉ nói Uber, Grab là không phải, mà có cả các hãng taxi cũng đã tham gia ứng dụng công nghệ.

Vấn đề quan trọng nhất là phải tuân thủ pháp luật. Anh phải có đăng ký, biển hiệu, hợp đồng với khách hàng, đóng thuế…. Cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương phải có thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế nếu sai phạm. Công an có thể phạt nặng phương tiện vi phạm cơ mà. Thậm chí chúng ta có thể thu hồi giấy phép kinh doanh.

Không thể cấm

- Nhiều người lo ngại các doanh nghiệp như Uber, Grab không công khai minh bạch trong việc đóng thuế gây thất thu Ngân sách. Thậm chí có trường hợp kê sai thuế, thiếu thuế. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này thế nào?

- Cơ quan thuế là nhiệm vụ tổ chức thu thuế. Nếu ai không nộp thuế thì bị phạt. Cơ quan thuế sẽ rất vui khi các doanh nghiệp nộp thuế đều đặn.

Tất nhiên vẫn có vấn đề trốn thuế này kia nhưng việc nộp thuế của các doanh nghiệp này là cơ bản, theo đánh giá của cơ quan thuế là đầy đủ và tuân thủ.

quan diem cua bo giao thong ve de xuat dung uber grab anh 3
Các khoản thuế Uber bị truy thu tại TP,HCM. Đồ họa: Hiếu Công.

- Hiệp hội taxi Hà Nội vừa đề xuất Uber, Grab phải đặt máy chủ vật lý tại Việt Nam, sử dụng tên miền Internet Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT và các Sở GTVT. Có người còn lo ngại thông tin cá nhân của các tài khoản không an toàn khi máy chủ ở nước ngoài. Quan điểm của Thứ trưởng về đề xuất này như thế nào?

- Hiện tại tôi chưa nghe được thông tin này. Tuy nhiên, việc quản lý công nghệ thông tin ngày nay là rất hiện đại. Tôi lấy ví dụ thông tin của người dùng iPhone lưu tại tài khoản iCloud. Nhưng máy chủ của iCloud thì không đặt tại Việt Nam. Đơn vị cung cấp dịch vụ họ đặt ở đâu mà thuận lợi, đạt hiệu quả kinh doanh thì họ làm. Chúng ta không quy định nhất nhất chỗ này chỗ kia.

Nó không khác gì bạn đang dùng Internet, lưu dữ liệu trên điện toán đám mây, nó không ở bất kỳ ô nào, ngăn nào trên đất nước này.

quan diem cua bo giao thong ve de xuat dung uber grab anh 4
Đồ họa: Phượng Nguyễn.

- Ông nghĩ sao khi một số hãng taxi truyền thống đề xuất Uber, Grab phải có logo, biển hiệu để tạo sự cạnh tranh công bằng trong kinh doanh?

- Có chứ, quy định trong Quyết định 24 là phải có. Tuy nhiên việc kiểm tra, cưỡng chế phát hiện vẫn chưa làm tốt.

Chúng tôi đang xem xét, nghiên cứu đưa vào Nghị định 86 sửa đổi và trình Chính phủ trong thời gian tới. Nghị định sửa đổi sẽ có chương riêng quy định về sử dụng công nghệ thông tin trong kết nối và khai thác kinh doanh vận tải. Chúng tôi sẽ quy định rõ hơn các chủ thể, trách nhiệm của họ khi tham gia các loại hình vận tải.

- Hãng taxi Mai Linh mới tuyên bố lấn sân sang lĩnh vực xe ôm công nghệ. Một hãng xe ôm công nghệ của Indonesia cũng tuyên bố vào Việt Nam trong thời gian sắp tới. Ông có lo ngại thị trường xe ôm công nghệ tại Việt Nam sẽ bùng nổ và khó quản lý hơn trong tương lai?

- Tôi nhấn mạnh chúng ta không thể cấm được. Trong kinh tế thị trường phải có cung và có cầu. Người dân đang có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tuân theo quy định của pháp luật. Khi đã đúng luật, các hãng có thể xin cấp phép, hoạt động và cạnh tranh.

Uber đóng thuế tại Việt Nam như thế nào? Giống như nhiều doanh nghiệp khác, Uber có cách "lách" thuế vô cùng lắt léo, chạy qua nhiều quốc gia để tối thiểu lượng thuế phải nộp.

Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016

Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách được áp dụng tại 5 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Một số đơn vị được cấp phép thí điểm gồm: Công ty TNHH GrabTaxi, các doanh nghiệp vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm.

Sau đó bổ sung thêm các doanh nghiệp như: Uber, LiveTaxi, iMove, EasyTaxi...

 Thời gian thí điểm trong 2 năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018)

Điều 20: Cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (Nghị định 86/2014/NĐ-CP)

8. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 32: Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh (Nghị định 86/2014/NĐ-CP)

Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Uber, Grab và taxi tranh giành thị trường Việt như thế nào? Vào Việt Nam năm 2014, Uber, Grab đã đẩy cuộc đua tranh thị phần vận tải trở nên khốc liệt, kịch tính, và lợi thế dường như đang thuộc về người đến sau.

Hiếu Công (Thực hiện)

Bạn có thể quan tâm