Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 nước nắm giữ nhiều vàng nhất của nhân loại

Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Mỹ hiện là quốc gia sở hữu lượng vàng lớn nhất thế giới, gần bằng tổng lượng dự trữ của Pháp, Itally và Đức cộng lại.

Mỹ vẫn đang là quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới. Ảnh:  Bloomberg.

Mỹ vẫn đang là quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới. Ảnh:  Bloomberg.

Dự trữ vàng là lượng vàng mà ngân hàng trung ương hoặc chính phủ một quốc gia nắm giữ như một tài sản tài chính. Dự trữ vàng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định kinh tế của một quốc gia, là lá chắn bảo vệ trước những biến động tiền tệ và khủng hoảng tài chính, đồng thời tạo niềm tin cho thị trường quốc tế.

Trước đây, hệ thống tiền tệ toàn cầu từng gắn liền với vàng, khi giá trị của đồng tiền được neo vào một lượng vàng cố định. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải tích trữ một lượng vàng lớn để hỗ trợ nguồn cung tiền tệ.

Mỹ là quốc gia sở hữu lượng vàng dự trữ lớn nhất thế giới, với 8.133,46 tấn vàng, nhiều hơn gấp đôi so với Đức - quốc gia đứng thứ hai. Số vàng này chiếm gần 4% tổng lượng vàng đang lưu hành trên toàn cầu.

Mỹ - 8.133,5 tấn

Theo báo cáo quý IV/2024 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tính đến ngày 31/12/2024, Mỹ vẫn là quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất với 8.133,5 tấn, trị giá khoảng 682,3 tỷ USD.

Hơn một nửa dự trữ vàng của Mỹ nằm trong hầm của căn cứ quân sự cũ ở Fort Knox, Kentucky. Ngoài ra, một phần dự trữ được giữ trong hầm Mint ở West Point, New York; tại Denver Mint ở Colorado; và tại kho của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York.

du tru vang anh 1

Tòa nhà Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York - kho vàng lớn nhất thế giới - tại Manhattan, New York (Mỹ). Ảnh: Reuters.

Lịch sử tích lũy vàng của Mỹ bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, nhưng bước ngoặt quan trọng diễn ra vào năm 1934 khi chính phủ ban hành Đạo luật Dự trữ vàng, yêu cầu chuyển toàn bộ vàng cá nhân về Bộ Tài chính.

Toàn bộ vàng thuộc sở hữu cá nhân đã được chuyển giao cho Bộ Tài chính Mỹ, giúp tăng đáng kể lượng dự trữ quốc gia.

Việc sở hữu khối lượng vàng khổng lồ này xuất phát từ lịch sử kinh tế và tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, khi vàng từng là nền tảng ổn định tài chính trong hệ thống Bretton Woods sau Thế chiến II. Dù hiện nay đã chuyển sang hệ thống tiền tệ pháp định, Mỹ vẫn duy trì lượng vàng khổng lồ này như một biện pháp phòng ngừa suy thoái kinh tế.

Đức - 3.351,5 tấn

Với 3.351,53 tấn vàng, trị giá 281,1 tỷ USD, Đức đứng thứ hai trong danh sách. Lượng dự trữ này thể hiện cam kết của Đức đối với an ninh và ổn định tài chính, một bài học rút ra sau cuộc khủng hoảng siêu lạm phát vào những năm 1920. Phần lớn lượng vàng này được lưu trữ tại New York, London và Frankfurt nhằm đảm bảo an toàn và tính thanh khoản.

Đa dạng hóa về mặt địa lý này giúp tăng cường an ninh và thanh khoản, đảm bảo khả năng tiếp cận ngay lập tức trong các cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, dưới áp lực của dư luận, từ năm 2013, Đức đã dần chuyển vàng về nước, và đến năm 2017, hơn 50% dự trữ vàng của nước này được giữ tại Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức).

du tru vang anh 2

Bundesbank - Ngân hàng Trung ương Đức. Ảnh: centrebanking.com.

Theo báo cáo thường niên của Bundesbank về trữ lượng vàng, tính đến năm 2023, chi nhánh Fed tại New York vẫn nắm giữ 36,6% dự trữ vàng của Đức và Ngân hàng Trung ương Anh ở London nắm giữ 12,8%.

Kinh tế công nghiệp mạnh mẽ và chính sách tài chính thận trọng giúp Đức duy trì kho dự trữ vàng lớn, phản ánh tư duy tiền tệ bảo thủ và di sản tài chính vững chắc của nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Italy - 2.451,8 tấn

Italy đứng thứ 3 với 2.451,8 tấn vàng, trị giá 205,7 tỷ USD. Phần lớn số vàng này tồn tại dưới dạng thỏi và một phần nhỏ tiền vàng, tương đương 4,1 tấn, và được quản lý bởi Banca d'Italia - Ngân hàng Trung ương Italy. Các kho vàng chủ yếu đặt tại Rome và một số địa điểm quốc tế có độ bảo mật cao.

du tru vang anh 3

Ngân hàng Trung ương Italy - Banca d'Italia - tại Milan (Italy). Ảnh: Reuters.

Italy bắt đầu tích trữ vàng từ sau Thế chiến II, coi đây là "mỏ neo" tài chính để chống đỡ những biến động kinh tế. Trong bối cảnh nợ công cao, vàng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lòng tin của thị trường tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế nước này.

Ngày nay, các khoản dự trữ này tượng trưng cho sự đáng tin cậy trên thị trường tài chính toàn cầu, tạo ra vùng đệm chống lạm phát và hỗ trợ các cam kết của quốc gia với Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Pháp - 2.437 tấn

Pháp giữ vị trí thứ 4 toàn cầu với 2.437 tấn vàng, trị giá 204,4 tỷ USD, làm nổi bật sự phụ thuộc của quốc gia này vào vàng để ổn định tiền tệ.

Banque de France - Ngân hàng Trung ương Pháp, có trụ sở chính tại Paris - là đơn vị quản lý các khoản dự trữ này. Việc tích trữ vàng của Pháp bắt đầu từ thời kỳ thuộc địa và tăng tốc sau Thế chiến II.

du tru vang anh 4

Ngân hàng Trung ương Pháp - Banque de France - trụ sở tại Paris (Pháp). Ảnh: Reuters.

Quy mô dự trữ vàng của Pháp không thay đổi kể từ năm 2009, khi Pháp lần cuối bán một phần vàng của mình. Nước này không có kế hoạch tăng hoặc giảm lượng dự trữ vàng trong những năm tới.

Trong những năm gần đây, vàng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế tài chính của Pháp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, đóng vai trò là hàng rào chống lại những biến động kinh tế toàn cầu và duy trì danh tiếng là một cường quốc kinh tế ổn định.

Trung Quốc - 2.279,6 tấn

Ở vị trí thứ 5 là Trung Quốc, nắm giữ 2.279,6 tấn vàng. Lượng vàng dự trữ của Trung Quốc đã tăng hơn 5 lần kể từ đầu những năm 2000, từ khoảng 400 tấn năm 2001 lên hơn 2.279 tấn tính đến quý IV/2024. Trung Quốc cũng là nơi khai thác vàng lớn nhất thế giới.

du tru vang anh 5

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã liên tục tăng lượng vàng dự trữ trong thập kỷ qua như một phần của chiến lược đa dạng hóa tài sản và giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ nước ngoài như USD.

Vàng được xem là thành phần thiết yếu trong việc tăng cường tính linh hoạt của chính sách tiền tệ Trung Quốc và hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.

Chính phủ Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy tiêu thụ vàng trong nước đồng thời tích lũy dự trữ quốc tế một cách chiến lược để tăng cường an ninh quốc gia và khả năng phục hồi kinh tế.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Bài liên quan

Giá vàng thế giới tăng sát đỉnh

Giá vàng thế giới tăng sát đỉnh

Nhu cầu trú ẩn an toàn tăng mạnh trước lo ngại về bất ổn địa chính trị toàn cầu, đẩy giá vàng thế giới lên 2.934 USD/ounce, tiến sát mức kỷ lục của tuần trước.

Vì sao 8.000 thỏi vàng rời Anh qua Mỹ

Vì sao 8.000 thỏi vàng rời Anh qua Mỹ

Những tháng gần đây, khoảng 8.000 thỏi vàng đã được chuyển ra khỏi kho lưu trữ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), chiếm khoảng 2% tổng lượng vàng mà ngân hàng này đang nắm giữ.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm