Trao đổi với Zing, đại diện Grab chia sẻ doanh nghiệp ghi nhận số lượng đơn hàng tăng mạnh trên dịch vụ GrabMart. "Đội ngũ đối tác tài xế cũng tích cực hoạt động để đảm bảo nhu cầu giao nhận hàng hoá thiết yếu cho người dân", vị này cho biết.
Còn theo Baemin, số lượng đơn hàng của dịch vụ Baemin Đi Chợ có tăng nhiều hơn trong đợt giãn cách, tuy nhiên không đột biến vì các điểm cửa hàng, siêu thị bị quá tải. Những mặt hàng phổ biến nhất được người dùng Baemin đặt chuyển dịch sang dần các nguyên liệu nấu nướng.
Ứng dụng be cũng ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục với dịch vụ đi chợ hộ, không chỉ khi áp dụng Chỉ thị 16 mà còn từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay. Cụ thể, dịch vụ đi chợ hộ beĐichợ trong quý II tăng trưởng gấp đôi so với quý I.
Các ứng dụng có dịch vụ đi chợ hộ đều ghi nhận lượng đơn hàng tăng mạnh tại TP.HCM, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm. Ảnh: Thanh Phúc. |
Riêng vào đầu tuần này, nhu cầu đi chợ hộ tăng trưởng đột biến khi nhiều người dân lo lắng tình trạng thiếu hàng hóa, thực phẩm. “Đầu tuần này, dịch vụ beĐichợ tăng trưởng gấp đôi, tương đương 200% so với tuần trước", đại diện be chia sẻ.
Theo thống kê, nhóm hàng được chọn mua nhiều nhất trên ứng dụng này là thực phẩm, nước giải khát, thuốc men và nhu yếu phẩm. Đại diện ứng dụng be cũng cho biết sẽ tung thêm nhiều ưu đãi cho dịch vụ beĐichợ để khách hàng tiếp cận được dịch vụ một cách thuận tiện trong 2 tuần áp dụng Chỉ thị 16 kể từ ngày 9/7, với chi phí hợp lý nhất.
Chia sẻ với Zing, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết doanh nghiệp cũng đang ghi nhận tăng trưởng mạnh số lượng đơn hàng online. "Bách Hóa Xanh ghi nhận tăng trưởng lượng đơn hàng 5-6 lần so với thấp điểm, lượng đơn đạt tới 8.000-9.000 đơn mỗi ngày", vị này cho hay.
Cũng theo các đơn vị cung ứng dịch vụ đi chợ hộ, dù lượng đơn hàng tăng cao nhưng người dùng vẫn gặp không ít khó khăn do các điểm bán hàng gặp tình trạng quá tải, hết hàng trước nhu cầu mua tích trữ tăng cao đột biến của người dân TP.HCM. Tình trạng này dự kiến sẽ được khắc phục trong vài ngày tới khi lượng hàng hóa bổ sung dồi dào hơn.
Theo ghi nhận của UBND TP.HCM, thực tế có một bộ phận người dân gặp khó khăn từ việc tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày từ 0h ngày 9/7.
Do đó, TP giao Sở Công Thương yêu cầu các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm thiết yếu tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy, kệ với chủng loại đa dạng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp bán lẻ phối hợp hệ thống giao hàng online và các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt các khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.