Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LPBank muốn chuyển trụ sở chính, mua tối đa 5% vốn FPT

Bên cạnh kế hoạch miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, tăng vốn, ban lãnh đạo LPBank đã đề xuất cổ đông thông qua việc chuyển trụ sở chính và đầu tư cổ phiếu FPT.

Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank. Ảnh: LPB.

Chiều 16/11, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam - LPBank (HoSE: LPB) đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường.

Tại phiên họp, HĐQT ngân hàng bổ sung một số tờ trình liên quan việc chuyển trụ sở chính, miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT, thay đổi danh sách ứng viên bầu mới và phương án đầu tư cổ phiếu FPT...

Xin chuyển trụ sở chính

Cụ thể, LPBank đã trình cổ đông về việc chuyển địa điểm đặt trụ sở chính từ tòa LPB Tower, số 210 đường Trần Quang (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đến địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam.

Địa điểm mới chưa được ngân hàng chốt cụ thể, tuy nhiên lãnh đạo LPBank cho biết sẽ phù hợp với định hướng phát triển ngân hàng trong ngắn, trung và dài hạn.

HĐQT LPBank đề xuất được toàn quyền quyết định các nội dung liên quan việc chuyển trụ sở chính bao gồm vị trí cụ thể và các hoạt động liên quan.

Chia sẻ về đề xuất này, ông Bùi Thái Hà, Phó chủ tịch HĐQT LPBank cho biết hiện nay cả nước đang tích cực và nỗ lực xây dựng quy hoạch tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn, chính sách hỗ trợ/ưu đãi đối với các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại địa phương và khu vực.

Để phát triển kinh tế kết hợp cải thiện đời sống người dân, các địa phương đang có nhu cầu vốn lớn để phục vụ đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này rất cần các ngân hàng có uy tín chuyển trụ sở chính về đặt tại địa phương để từng bước hình thành trung tâm tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ đầu tư phát triển.

Qua khảo sát nhanh, tại trung tâm các tỉnh, thành phố đều có hệ thống giao thông thông thoáng, rất thuận tiện cho hoạt động kinh doanh và mở rộng mạng lưới ngân hàng. Việc chuyển trụ sở chính sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng thị trường, đặc biệt gia tăng sự hiện diện tại các khu vực nông thôn, đô thị loại 2.

chu tich lpbank anh 1

Ban chủ tọa phiên họp cổ đông bất thường của LPBank. Ảnh: LPB.

Cũng tại phiên họp, LPBank đã bổ sung tờ trình về việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT gồm ông Lê Hồng Phong và ông Lê Minh Tâm. Đồng thời, ngân hàng trình danh sách 2 ứng viên độc lập HĐQT là bà Vương Thị Huyền và ông Phạm Phú Khôi.

Trong đó, bà Huyền sinh năm 1974, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và công tác tại Ngân hàng ANZ, Credit Agricole, VietinBank, VIB... Hiện tại, bà Huyền đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Giải pháp Fast Capital.

Ông Phạm Phú Khôi sinh năm 1963, cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông từng công tác tại Vietnam Airlines, Ngân hàng Đầu tư Barclays - London (Hong Kong), Standard Chartered Singapore, America Merrill Lynch (Singapore), ACBS, VPBank và VPBankS.

Hiện ông Khôi đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam và Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán LPBank.

So với tờ trình lần đầu, LPBank đã thay đổi đề xuất 1 ứng viên. Trước đó, 2 ứng viên dự kiến bầu bổ sung thành viên HĐQT được ngân hàng này công bố là bà Vương Thị Huyền và ông Yew Teong Soon Alan. Trong đó, ông Yew Teong Soon Alan là Thành viên độc lập HĐQT CTCP Chứng khoán LPBank.

Chi gần 10.000 tỷ đồng đầu tư vào FPT

Về phương án góp vốn mua cổ phần, LPBank đề xuất cổ đông cho phép đầu tư tối đa 5% vốn điều lệ CTCP FPT.

Lãnh đạo LPBank cho biết cổ phiếu FPT thuộc danh mục VN30, có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản của ngân hàng.

Trong đó, FPT là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, có nền tảng kinh doanh bền vững với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong thời gian dài. Tập đoàn này ngày càng dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị công nghệ nhờ tập trung vào AI, Cloud, Big Data và những lĩnh vực chuyên ngành nhiều tiềm năng phát triển...

Do đó, việc đầu tư vào cổ phiếu hiệu quả sẽ giúp LPBank tối ưu hóa vốn góp của cổ đông. Lãnh đạo LPBank cũng cho biết tổng giá trị mua cổ phiếu FPT sẽ không vượt quá tỷ lệ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thời gian thực hiện đầu tư dự kiến trong năm 2024-2025 và/hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tình hình thực tế.

Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu FPT có giá xấp xỉ 134.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính với mức giá này, 5% vốn cổ phần của FPT (tương đương 73 triệu cổ phiếu) có giá trị gần 10.000 tỷ đồng.

Về phương án tăng vốn, HĐQT LPBank đã trình cổ đông việc tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 29.873 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,8%.

Cập nhật về kết quả kinh doanh, ông Bùi Thái Hà, Phó chủ tịch HĐQT LPBank, cho biết tính đến cuối tháng 10, tổng tài sản của ngân hàng đã đạt trên 460.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm cũng đạt gần 18%, gần hết hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao.

Qua đó, LPBank ghi nhận hơn 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 10 tháng. “Với tiến độ này, HĐQT tự tin kết quả lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ vượt kế hoạch 10.500 tỷ đồng cổ đông giao”, ông Hà nhấn mạnh.

Về tỷ lệ cổ tức hàng năm, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank, cho biết theo kế hoạch trình cổ đông, tỷ lệ chia cổ tức năm nay là 16,8%. Trong năm 2025, nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến đạt trên 20%.

“Trong các năm tiếp theo nữa, ngân hàng đặt mục tiêu chia cổ tức dao động trên dưới 20%/năm”, ông Thụy chia sẻ.

Vị chủ tịch cũng cho biết LPBank đã ký hợp đồng tư vấn chiến lược cùng đối tác McKinsey, trong đó đặt ra mục tiêu 3-5 năm tới sẽ trở thành ngân hàng top 1 ở các đô thị loại 2 và khu vực nông thôn.

“Định hướng phát triển này là để tận dụng lợi thế mạng lưới của LPBank, cũng như đạt mục tiêu đẩy lùi và xóa tín dụng đen theo định hướng của Chính phủ”, ông Thụy nhấn mạnh.

Ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận quý III

Trong quý gần nhất, LPBank lãi trước thuế 2.900 tỷ đồng. Kết quả này giúp nhà băng lãi trước thuế 8.818 tỷ đồng sau 9 tháng và hoàn thành 84% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

LPBank bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc

Trước khi ngồi ghế quyền Tổng giám đốc LPBank, ông Vũ Quốc Khánh đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc từ năm 2011 khi mới tròn 30 tuổi.

Lộ diện 2 ứng viên tham gia HĐQT LPBank

Hai ứng viên trong danh sách bổ nhiệm đợt này có bà Vương Thị Huyền và ông Yew Teong Soon Alan, đều có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những doanh nhân, tỷ phú, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng. Vì vậy, sách trở thành phương thức hiệu quả để người đọc tiếp cận, tìm hiểu về câu chuyện kinh doanh, cuộc đời, kinh nghiệm của các doanh nhân, tỷ phú này.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách doanh nhân - là những cuốn sách, câu chuyện về cuộc đời và kinh nghiệm của các tỷ phú, nhà quản lý nổi tiếng. Tủ sách không chỉ bao gồm các cuốn sách, câu chuyện từ tác giả độc lập mà còn bao gồm những cuốn sách do chính các tỷ phú viết về cuộc đời mình.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm