Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lưới tên lửa Mỹ đối trọng Trung Quốc dần lộ diện

Bộ Quốc phòng Mỹ muốn tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc bằng cách thiết lập một mạng lưới tên lửa có độ chính xác cao nằm trên chuỗi đảo thứ nhất.

Luoi ten lua My doi trong Trung Quoc anh 1

Theo Nikkei Asia, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã đề xuất chi 27,4 tỷ USD để tăng cường năng lực hoạt động tại khu vực trong vòng 6 năm tới.

Kế hoạch được đặt tên là Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương, với nòng cốt là mạng lưới tên lửa có độ chính xác cao trên chuỗi đảo thứ nhất. Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã gửi bản thảo đề xuất cho Hạ viện Mỹ xem xét.

"Mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai nước Mỹ tiếp tục là sự xói mòn năng lực răn đe quy ước (sử dụng vũ khí thông thường, phi hạt nhân - PV)", bản thảo đề xuất viết. "Không có răn đe quy ước hữu hiệu và đủ sức thuyết phục, Trung Quốc sẽ hành động táo bạo hơn ở khu vực lẫn quốc tế và thay thế các lợi ích của Mỹ".

Luoi ten lua My doi trong Trung Quoc anh 2

Tên lửa được phóng từ tàu USS Gabrielle Giffords trong cuộc tập trận của hải quân Mỹ trên biển Philippines. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trận địa tên lửa Mỹ trong tương lai

Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương lập luận rằng "cân bằng quân sự" khu vực đang ngày một bất lợi và gia tăng rủi ro đối với Mỹ. Tình hình này có thể thúc đẩy những nước đối thủ "đơn phương nỗ lực thay đổi nguyên trạng".

Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kêu gọi triển khai một lực lượng liên binh chủng, gồm mạng lưới tên lửa mang độ chính xác cao. Mạng lưới nằm "ở phía tây Đường Đổi ngày Quốc tế, dọc theo chuỗi đảo thứ nhất".

Đường Đổi ngày Quốc tế được xem là đường ranh giới để chuyển giao giữa múi giờ sớm nhất (UTC+14) với múi giờ trễ nhất (UTC-12) và nằm trên Thái Bình Dương.

Mạng lưới tên lửa này sẽ "tích hợp cùng lưới phòng thủ tên lửa trên chuỗi đảo thứ hai". Kèm theo các mạng lưới trên là một lực lượng hiện diện ở nhiều nơi, đảm bảo năng lực gìn giữ ổn định, có khả năng phân tán khi cần và duy trì hoạt động tác chiến trong thời gian dài.

Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm các đảo dọc theo khu vực Đông Á và Đông Nam Á, gồm Đài Loan, Okinawa và quần đảo Philippines. Trong học thuyết quân sự của Trung Quốc, đây là tuyến phòng thủ đầu tiên cho đại lục.

Đối với năm tài khóa 2022, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đề nghị mức chi ngân sách 4,7 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương. Mức đầu tư phòng vệ cho khu vực trong năm tài khóa 2021 chỉ là 2,2 tỷ USD. Con số cập nhật cũng gần mức chi ngân sách 5 tỷ USD đối phó Nga.

Đề xuất của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho 6 năm tới đã tăng khoảng 36% so với dự kiến trong cùng giai đoạn, được nêu trong năm tài khóa 2020. Điều này phản ánh mức độ lo ngại ngày một lớn từ Washington trước những hoạt động của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông.

Luoi ten lua My doi trong Trung Quoc anh 3

Trực thăng AH-1W của thủy quân lục chiến Mỹ hoạt động gần căn cứ không quân Clark, Philippines. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Khắc chế ưu thế tên lửa của Trung Quốc

Với chiến lược A2/AD (chống tiếp cận, chống xâm nhập) theo đuổi nhiều năm qua, quân đội Trung Quốc đặt mục tiêu đẩy lực lượng Mỹ khỏi hai vùng biển cận lục địa là Hoa Đông và Biển Đông. Cả hai biển đều nằm trong chuỗi đảo thứ nhất.

Quân đội Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí nhằm ngăn chặn lực lượng Mỹ tiếp cận chuỗi đảo thứ hai trên Tây Thái Bình Dương, gồm các đảo từ phía đông nam Nhật Bản đến Guam và phía nam Indonesia.

Vài năm qua, Trung Quốc đầu tư rất nhiều cho kho tên lửa mặt đất tầm trung để chặn quân đội Mỹ tiến vào chuỗi đảo thứ hai. Chiến lược tiếp cận dựa vào hải quân và không quân của Lầu Năm Góc trở nên thiếu hiệu quả hơn trước, Nikkei Asia nhận định.

Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, đối thủ bên kia Thái Bình Dương đang sở hữu khoảng 1.250 tên lửa mặt đất tầm trung. Mỹ để cho Trung Quốc vượt mặt vì những ràng buộc trong Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Thỏa thuận ký từ thời Liên Xô ngăn Mỹ phát triển tên lửa mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Phải đến năm 2019, thỏa thuận này mới hết hiệu lực.

Phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ngày 4/3, đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhận định 6 năm tới là giai đoạn Trung Quốc có khả năng tìm cách thay đổi nguyên trạng khu vực, đặc biệt là vấn đề Đài Loan. Ông lo ngại nguyên trạng mới sẽ tồn tại dài hạn.

Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương sẽ "tập trung nguồn lực vào những năng lực quân sự then chốt" nhằm răn đe Trung Quốc.

"Báo cáo này được thiết kế đặc biệt để thuyết phục các đối thủ tiềm năng rằng: Mọi động thái quân sự phủ đầu đều phải trả quá đắt và có khả năng thất bại", Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lập luận, đồng thời nhấn mạnh Mỹ cần thể hiện được sức mạnh tác chiến và đáng tin cậy trong thời điểm khủng hoảng.

Theo Nikkei Asia, mạng lưới tên lửa có độ chính xác cao và có khả năng chống chọi cao trước các đợt tấn công dọc theo chuỗi đảo thứ nhất được xem là yếu tố trung tâm bản kế hoạch. Qua đó, lực lượng Mỹ ở Tây Thái Bình Dương cần mở rộng phạm vi sử dụng các bệ phóng mặt đất và tên lửa quy ước.

Luoi ten lua My doi trong Trung Quoc anh 4

Tàu khu trục USS Chafee của Mỹ khai hỏa tên lửa Tomahawk Block V trên Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Mảnh ghép Nhật Bản

Theo Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Risch, việc phát triển tên lửa tầm trung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "ngày càng quan trọng và cần thiết đối với Mỹ lẫn Nhật Bản". Một quan chức chính phủ Nhật Bản cũng tán thành ý tưởng này, cho rằng lưới tên lửa đối trọng Trung Quốc là "điểm cộng cho Nhật Bản".

Dù đang có khoảng 55.000 quân đồn trú ở Nhật Bản, Mỹ không triển khai tên lửa trên chuỗi đảo đủ khả năng đặt Trung Quốc vào tầm ngắm. Bộ Quốc phòng Nhật Bản tự phát triển năng lực tên lửa tầm xa ở quần đảo Nansei, trong đó có đảo Okinawa mà Mỹ đóng quân.

Tuy nhiên, triển vọng đặt tên lửa Mỹ trên đất Nhật Bản ẩn chứa nhiều thách thức. Chiến lược này sẽ tác động đến sự tách biệt vai trò giữa quân Mỹ đồn trú và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Nếu theo đuổi phương án đó, Tokyo và Washington cần thảo luận chi tiết mọi đề xuất, từ vị trí đến tầm bắn tên lửa.

Quan chức ngoại giao Nhật Bản nhận định các bên có thể bắt đầu thảo luận về vấn đề này từ năm tài khóa 2022.

Ý tưởng tên lửa Mỹ xuất hiện sát vách "sân nhà" có thể chọc giận Bắc Kinh và gây phức tạp quan hệ Nhật - Trung. Tokyo còn đối diện phản đối quyết liệt từ người dân, đặc biệt ở Okinawa.

Tiền nong cũng là gánh nặng lớn với nền kinh tế Nhật Bản. Cũng không loại trừ viễn cảnh Washington đề nghị Tokyo san sẻ bảo dưỡng và các chi phí liên quan một khi đưa tên lửa đến Nhật Bản.

Tàu khu trục Mỹ tuần tra ở Trường Sa

Hạm đội 7 của hải quân Mỹ xác nhận tàu khu trục USS Russell đã tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong ngày 17/2.

Hai tàu sân bay Mỹ cùng tập trận trên Biển Đông

Hải quân Mỹ ngày 9/2 xác nhận 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này đang cùng hoạt động trên Biển Đông, bao gồm nhiều cuộc diễn tập hiệp đồng khí tài, chỉ huy và kiểm soát.

Tàu chiến Mỹ lần đầu đi qua eo biển Đài Loan trong thời TT Biden

Hải quân Mỹ cho biết một tàu chiến của lực lượng này đã đi qua eo biển Đài Loan hôm 4/2, đánh dấu hải trình đầu tiên qua khu vực này kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Thanh Danh

Theo Nikkei Asia

Bạn có thể quan tâm