Theo Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, tàu USS John S. McCain, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, đã di chuyển như thường lệ qua vùng biển ngăn cách đại lục Trung Quốc và Đài Loan.
Các tàu chiến của Mỹ định kỳ di chuyển qua eo biển Đài Loan và thường dẫn đến phản ứng giận dữ từ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố hòn đảo ly khai là một tỉnh của mình, cũng như không loại trừ khả năng thu hồi bằng vũ lực.
Tàu khu trục USS John S. McCain. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Bắc Kinh cho rằng bất kỳ tàu nào đi qua eo biển về cơ bản là vi phạm chủ quyền của họ, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia khác coi tuyến đường này là vùng biển quốc tế mở cho tất cả.
Hải trình của tàu USS John S. McCain "thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở", tuyên bố của Hạm đội 7 nêu.
"Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển trên trời, dưới biển và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép".
Cơ quan phòng vệ của Đài Loan xác nhận hành trình nhưng không nêu danh tính con tàu.
Lần gần nhất một tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan là vào ngày 31/12/2020, theo Stars & Stripes. Năm 2020 cũng chứng kiến Hải quân Mỹ 13 lần điều tàu qua vùng biển nhạy cảm này, phá kỷ lục 12 lần/năm được thiết lập năm 2016.
Hoạt động di chuyển của tàu John S. McCain diễn ra sau khi hai máy bay trinh sát và một máy bay tiếp dầu của Mỹ bay gần không phận Đài Loan hôm 1/2, theo cơ quan phòng vệ Đài Loan.
Trung Quốc đã gia tăng sức ép quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên nắm quyền tại hòn đảo năm 2016. Bà không chấp nhận lập trường của Bắc Kinh rằng hòn đảo này là một bộ phận của "Một Trung Quốc".
Năm ngoái, máy bay quân sự của Trung Quốc thực hiện kỷ lục 380 lần xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng căng thẳng giữa hai bên đã ở mức cao nhất kể từ giữa những năm 1990.