Thông cáo của Hạm đội 7 khẳng định tàu khu trục USS Russell "thực thi các quyền và quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế". Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, trong đó có một số thực thể bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân đạo phi pháp.
Sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải (FONOP) được tiến hành không lâu sau khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, Theodore Roosevelt (CSG 9) và Nimitz (CSG 11), trập trận trên Biển Đông.
Trong tháng 2, Mỹ cũng cho một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tuần tra tại vùng biển gần Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Thủy thủ đoàn trên tàu khu trục USS Russell trong đợt tuần tra tự do hàng hải ở Trường Sa vào ngày 17/2. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
"Các lực lượng Mỹ hoạt động trên Biển Đông mỗi ngày và điều này đã diễn ra suốt hơn một thế kỷ qua. Các lực lượng hoạt động thường xuyên, có phối hợp cùng những đồng minh và đối tác chung chí hướng với cam kết gìn giữ một trật tự quốc tế tự do và mở, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng", thông cáo ngày 17/2 của Hạm đội 7 nhấn mạnh.
"Mọi hoạt động của chúng tôi đều được thiết kế diễn ra một cách chuyên nghiệp và phù hợp với luật pháp quốc tế, cho thấy Mỹ sẵn sàng hoạt động và di chuyển trên vùng trời, vùng biển ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", thông cáo nhấn mạnh.
Theo Reuters, những hoạt động hải quân vừa qua cho thấy chính phủ của Tổng thống Joe Biden sẽ không giảm mức độ thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong vùng biển khu vực.
Chính sách tăng cường hiện diện trong vấn đề Biển Đông đã được đẩy mạnh từ nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, tiêu biểu là những lệnh trừng phạt nhắm vào hàng loạt công ty Trung Quốc tham gia cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể trong vùng biển.
Tàu chiến Mỹ cũng thường xuyên tổ chức tuần tra FONOP và tập trận ở khu vực trong những năm qua.