Ngày 24/12, trên mạng xuất hiện hình ảnh người đàn ông mặc đồng phục Grab ngồi bật khóc, nội dung ghi rằng đây là shipper bị lừa giao tai nghe giả, người nhận không lấy hàng nên phải chịu thiệt hại 1,5 triệu tiền ứng COD.
Chia sẻ với Zing, anh Đ.B.C. cho biết mình là nạn nhân trong vụ việc trên. Chiều 22/12, anh nhận giao hàng trên GrabExpress từ một căn nhà trên đường 19/5, quận Hà Đông, Hà Nội đến một quán cà phê tại quận Thanh Xuân, sản phẩm được giao là tai nghe không dây AirPods.
Hình ảnh chiếc tai nghe mà C. nhận giao, bên trong chỉ có cáp sạc và 3 cục pin. Ảnh: NVCC. |
Khi đến lấy hàng, tài xế ứng trước cho người gửi 1,5 triệu đồng. Lúc giao hàng, người nhận kiểm tra thì thấy trong hộp chỉ có 3 cục pin và cáp Lightning, không có tai nghe nên từ chối lấy.
“Tôi gọi nhiều cuộc, bên người gửi có đổ chuông nhưng báo máy bận”, anh C. cho biết khi quay lại địa chỉ lấy hàng, chủ căn nhà nói đó là người vào nhà để hỏi đường. Khi anh C. lấy hàng, người ấy bước ra từ trong nhà để đánh lừa.
Đơn giao hàng trên GrabExpress của C. lấy hàng từ một căn nhà tại quận Hà Đông. Kẻ lừa đảo đã dùng thủ đoạn tinh vi để gài bẫy. Ảnh: NVCC. |
Theo chính sách, các đơn hàng GrabExpress sử dụng hình thức tạm ứng (COD) sẽ được shipper ứng tối đa 2 triệu đồng cho người gửi. Khi giao hàng, người nhận sẽ trả lại khoản tiền mà shipper đã ứng.
Trong trường hợp của C., sau khi ứng tiền cho người gửi và người nhận không lấy do hàng giả, shipper này đã mất khoản tiền ứng là 1,5 triệu đồng.
Tài xế C. cho biết anh chưa liên hệ với Grab, nhưng cho rằng hãng có thể không hỗ trợ bởi sản phẩm được C. giao thuộc loại hàng điện tử.
Theo chính sách của Grab, sản phẩm điện tử chỉ được chấp nhận giao bởi dịch vụ GrabExpress Siêu tốc Premium, trong khi kẻ lừa anh C. giao 3 cục pin sử dụng dịch vụ GrabExpress Siêu tốc.
“Thông thường nếu xác định đúng tài xế, đúng thông tin đơn hàng mà gặp trường hợp này, đội ngũ sẽ hướng dẫn tài xế làm thủ tục để nhận lại tiền bồi hoàn từ Grab. Trong khi đó, tài khoản của khách (kẻ lừa đảo - PV) có thể bị tạm khóa để chờ điều tra”, đại diện Grab chia sẻ với Zing.
Trên Internet, sự việc của C. thu hút nhiều sự chú ý. Trong khi nhiều người bức xúc với hành động lừa tiền, một số khác cho rằng đã bất cẩn do không kiểm tra hàng nhưng đã ứng trước với số tiền lớn. Một số tài khoản còn kêu gọi đóng góp ủng hộ cho nạn nhân.
Đây không phải lần đầu các tài xế xe ôm công nghệ hoặc shipper bị lừa giao hàng. Năm 2018, một shipper giao hàng tại TP.HCM đã bị lừa khi ứng tiền trước, tuy nhiên đến khi gọi người nhận hàng không bắt máy, mở hộp ra thấy toàn giấy lộn.