“Câu trả lời là… vụng về, chuyện ấy đã không được xử lý một cách khéo léo”, ông Biden nói trong cuộc gặp ngày 29/10 với người đồng cấp Pháp tại Rome, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này, Guardian đưa tin.
Đây là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Mỹ, Anh và Australia hồi tháng 9 công bố quan hệ đối tác ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS.
Thỏa thuận này khiến Australia rút khỏi hợp đồng mua tàu ngầm thông thường trị giá 66 tỷ USD từ Pháp để theo đuổi 8 tàu ngầm nguyên tử từ Mỹ.
Ông Biden và Macron có cuộc trao đổi trực tiếp lần đầu tiên vào ngày 29/10 tại Rome kể từ sau khi liên minh AUKUS được công bố hồi tháng 9. Ảnh: Guardian. |
“Tôi tưởng rằng Pháp đã được (Australia) thông báo trước từ lâu về việc thỏa thuận ấy sẽ không được thực hiện”, ông Biden nói.
Hai nhà lãnh đạo có cuộc trao đổi kéo dài gần 1 tiếng 30 phút tại Biệt thự Bonaparte - Đại sứ quán Pháp tại Vatican. Hơn nửa thời gian ấy, ông Macron và ông Biden nói chuyện một mình, theo một quan chức cấp cao Mỹ.
Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung với độ dài bất thường để nhấn mạnh một số phương diện hai bên có tiếng nói chung.
Theo đó, ông Biden cam kết Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ hoạt động chống khủng bố do Pháp dẫn dắt tại vùng Sahel của châu Phi. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thành lập quan hệ đối tác song phương về năng lượng sạch trước cuối năm, đồng thời khẳng định niềm tin vào NATO cũng như vào sự hợp tác “vững mạnh” tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trả lời báo chí, ông Macron cho biết cuộc gặp rất hữu ích với việc Mỹ có cam kết “mạnh mẽ” đối với phòng ngự châu Âu, nhưng những gì xảy ra tiếp theo mới quan trọng.
“Niềm tin như tình yêu vậy: Tuyên bố miệng cũng tốt, nhưng bằng chứng thì tốt hơn”, ông Macron nói.
Pháp từng phản ứng mạnh mẽ sau khi bị Mỹ, Anh và Australia "cho ra rìa" trước khi ba nước này công bố thỏa thuận AUKUS. Ngoại trưởng Pháp từng gọi thỏa thuận này là "cú đâm sau lưng".