Trước khi AUKUS - liên minh mới giữa Mỹ, Anh, Australia - được công bố, bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang ưu tiên an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không mấy rõ nét, theo Nikkei Asia.
Mỹ trên thực tế đã đề cập khá nhiều về lo ngại đối với Trung Quốc, nhưng các quan chức chính quyền Biden tỏ ra không mấy khẩn trương về sự cạnh tranh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực mà Trung Quốc cố gắng tìm kiếm lợi thế.
Lầu Năm Góc ban đầu tìm cách giải tán Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (Pacific Deterrence Initiative - PDI), một chương trình nhằm tài trợ cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ để thực hiện các nhu cầu cấp bách của khu vực. Thay vào đó, khoản tài trợ đó sẽ được dùng để hiện đại hóa quân sự.
Australia, Mỹ và Anh ngày 15/9 công bố liên minh an ninh AUKUS. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, việc thành lập AUKUS cho thấy Mỹ đã thay đổi mức độ quan tâm đối với an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với việc Washington bất ngờ hỗ trợ cho Australia - một đồng minh quan trọng trong khu vực.
Mỹ cam kết chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân - công nghệ mà họ mới chỉ chia sẻ một lần trước đây - cho Australia, trong bối cảnh căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc vẫn không thuyên giảm.
Bên cạnh đó, việc bất ngờ công bố liên minh này còn được xem là một tín hiệu răn đe mạnh mẽ đối với Trung Quốc.
Bước đầu để cân bằng quyền lực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Sự ra mắt của AUKUS được các nhà nghiên cứu của Chương trình Quốc phòng và Chính sách Đối ngoại tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney, nhận định là động thái đầu tiên của ông Biden tỏ rõ quan điểm về tầm quan trọng của môi trường chiến lược đang xấu đi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với Mỹ.
Tại hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ vào cuối tháng 9, bốn nhà lãnh đạo của Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, cũng đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ về khả năng Washington triệu tập một liên minh các nước trong khu vực nhằm cam kết cân bằng Trung Quốc.
Chương trình nghị sự của Bộ Tứ dự đoán rằng các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu và cơ sở hạ tầng khu vực sẽ mất nhiều năm để cân bằng quyền lực trong khu vực. Tuy nhiên, bốn nước hứa hẹn sẽ trở thành liên minh thiết thực và quan trọng cho chiến lược khu vực của Mỹ.
Một chiến lược như vậy cần phải định vị Mỹ để cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khu vực trong thời bình, đồng thời ngăn chặn các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc. Để làm như vậy, Washington đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng sẽ cam kết trao quyền cho các đồng minh trong khu vực và đảm bảo sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong thời gian tới.
(Từ trái sang) Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chuẩn bị họp tại Nhà Trắng, ngày 24/9. Ảnh: AP. |
Những sáng kiến mới về thế trận của các lực lượng Australia - Mỹ bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận trên không, đường bộ và đường thủy của quân đội Mỹ tới các căn cứ và cơ sở ở Australia. Họ có khả năng sẽ luân phiên tăng cường tàu ngầm, tàu chiến và máy bay ném bom trong khu vực.
Nhờ liên minh này, bao gồm các thỏa thuận quân sự, Canberra có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực.
Mỹ cũng lạc quan về việc củng cố sự hiện diện quân sự của mình ở Philippines sau khi gia hạn Hiệp định Lực lượng Viếng thăm (Visiting Forces Agreement - VFA).
Các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đã tán thành một chiến lược nhằm tránh khả năng gây hấn nhanh chóng của Trung Quốc đối với Philippines. Quốc hội Mỹ đã sẵn sàng bổ sung 25 tỷ USD vào ngân sách quốc phòng năm 2022, chủ yếu để duy trì năng lực quân sự trong ngắn hạn.
Thách thức của Mỹ
Vẫn còn quá sớm để đoán được liệu các sáng kiến của Mỹ có diễn ra đủ nhanh để cân bằng được ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không.
Việc thực hiện các sáng kiến về thế trận trong khu vực tốn nhiều thời gian, và Lầu Năm Góc đã đạt được rất ít tiến bộ trong khu vực trong 20 năm. Vì vậy, việc thúc đẩy tiến độ là rất quan trọng để đáp ứng những thách thức quân sự do Trung Quốc gây ra trong thập kỷ 2020.
Các đồng minh của Mỹ sẽ theo dõi kết quả của cuộc đánh giá thế trận lực lượng toàn cầu và chiến lược quốc phòng mới của nước này, qua đó tìm hiểu cách Washington dự định thực hiện các hành động răn đe cả ngắn hạn và dài hạn đối với Trung Quốc.
Tàu chiến Mỹ ở vùng biển gần Australia. Ảnh: AP. |
Ở Đông Nam Á, một số nước không hài lòng về việc Mỹ cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.
Indonesia và Malaysia đã đưa ra tuyên bố quan ngại về AUKUS, cho thấy sự lo lắng của họ về những căng thẳng và bất ổn ngày càng gia tăng trong khu vực - điều mà họ cho là do cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc cũng như những động thái từ Bắc Kinh gây ra.
Tuyên bố của Bộ Tứ có đề cập đến vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng điều đó dường như chưa đủ để lấn át đi hình dung của các nước Đông Nam Á rằng họ ngày càng giống người ngoài cuộc trong vấn đề an ninh của chính khu vực mình.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng việc Mỹ đang thiếu một nước đi về mặt kinh tế trong khu vực, và đây có thể trở thành một trong những nhược điểm của Mỹ trong cạnh tranh với Trung Quốc.
Trong khi đó, đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Trung Quốc nếu được chấp thuận, Mỹ có lẽ sẽ phải suy nghĩ lại về các chiến lược hợp tác thương mại trong khu vực này.