Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Châu Á vươn lên trong cuộc đua tiêm ngừa Covid-19

Dù khởi đầu chậm, một số nước châu Á đã hoặc đang trên đà vượt Mỹ và châu Âu về tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ cho người dân, mang đến hy vọng lớn về cuộc sống bình thường mới.

tiem ngua Covid o chau A anh 1

Chỉ cách đây vài tháng, khi Mỹ và châu Âu đang đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng Covid-19 của họ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải vật lộn để kiểm soát các đợt bùng dịch mới trong khi tốc độ tiêm chủng chậm chạp do thiếu nguồn cung.

Giờ đây, một số quốc gia từng tụt hậu trong vấn đề tiêm chủng lại đang tăng tốc mạnh mẽ, vượt mặt nhiều nước giàu, tạo ra hy vọng lớn hơn về việc sớm đưa đất nước tiến đến cuộc sống bình thường mới, theo New York Times.

Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các nước châu Á trong việc giải quyết vấn đề nguồn cung và những khó khăn khác trong các chương trình tiêm chủng, cũng như cho thấy sự thành công trong việc đẩy lùi những ngờ vực và phản đối vaccine - điều mà Mỹ và một số nước châu Âu đang phải đối phó.

Niềm tin vào vaccine

Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia thậm chí đã vượt qua Mỹ về số liều vaccine được tiêm trên mỗi 100 người. Một số nước vượt Mỹ về tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ, hoặc đang trên đà đó.

Ở Đông Nam Á, việc triển khai vaccine nhìn chung còn chậm và không đồng đều. Tuy nhiên, phần lớn khu vực đang chứng kiến sự thay đổi ấn tượng.

tiem ngua Covid o chau A anh 2

Tiêm ngừa Covid-19 trong một trung tâm trò chơi ở Osaka, Nhật Bản, trong tháng 9. Ảnh: AFP.

Trái ngược với Mỹ, vaccine chưa bao giờ là một vấn đề phân cực ở châu Á - Thái Bình Dương.

Dù mỗi quốc gia thuộc khu vực này đều có một bộ phận người e ngại về vaccine, nhóm này chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chưa bao giờ trở thành một vấn đề nghiêm trọng hay phát tán thông tin sai lệch trên phạm vi rộng.

Nhìn chung, hầu hết người châu Á đều tin tưởng chính phủ và họ sẵn sàng đặt nhu cầu của cộng đồng lên trên quyền tự do cá nhân.

Reuben Ng, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore, đã nghiên cứu về tình trạng do dự trong việc tiêm vaccine trên toàn cầu trong thập kỷ qua. Ông cho biết rằng trước Covid-19, ở châu Á cũng có một số người hoài nghi về tính an toàn của vaccine.

Tuy nhiên hiện nay, khu vực này có quan điểm khá tích cực về vaccine. Phần lớn người châu Á tin rằng vaccine là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch.

Đơn cử, trong tháng 9, rất nhiều người trẻ tuổi xếp hàng dài, qua nhiều dãy nhà, từ sáng sớm để chờ được tiêm vaccine tại một điểm chủng ngừa ở Tokyo, Nhật Bản.

Ở Hàn Quốc, khi chính quyền mở đăng ký tiêm chủng cho những người trong độ tuổi 50-59, khoảng 10 triệu người đồng thời truy cập vào một trang web của chính phủ để đăng ký tiêm.

Ở một số quốc gia khác, các đợt hạn chế và phong tỏa nghiêm ngặt, kéo dài khiến người dân mong chờ được sớm tiêm chủng.

Indonesia và Philippines là nơi sinh sống của hàng nghìn công nhân làm công ăn lương hàng ngày, họ không thể dựa vào trợ cấp thất nghiệp để tồn tại.

tiem ngua Covid o chau A anh 3

Một lô vaccine ngừa Covid-19 đến Hàn Quốc hồi tháng 7. Ảnh: AP.

Arisman (35 tuổi), một người chạy xe ôm ở Jakarta, Indonesia, cho biết anh đã tiêm liều vaccine thứ hai vào tháng 7. “Nếu tôi bị ốm, tôi sẽ không có tiền”, Arisman nói, giống như nhiều lao động khác ở Indonesia.

Tikki Pangestu, đồng chủ tịch của Liên minh Tiêm chủng châu Á - Thái Bình Dương, một nhóm đánh giá khả năng sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19, nói rằng việc thiếu mạng lưới an sinh xã hội ở nhiều nước châu Á đã thúc đẩy các chính phủ nhanh chóng triển khai vaccine. “Nếu họ không làm điều đó, xã hội sẽ rơi vào tình trạng bất ổn”, ông nói thêm.

Xoay chuyển tình thế

Khi Mỹ và các quốc gia châu Âu đang gấp rút tiêm vaccine cho người dân của họ vào cuối năm ngoái, nhiều nước châu Á khá chần chừ trong việc chủng ngừa vì đã kiểm soát được các đợt bùng Covid-19 nhờ khẩu trang, xét nghiệm, và phong tỏa. Một số nước muốn đợi cho đến khi vaccine hoàn thành thử nghiệm lâm sàng rồi mới đặt hàng.

Thế nhưng, biến chủng Delta đã làm đảo lộn mọi thứ. Dù đã hạn chế hoặc phong tỏa nghiêm ngặt, virus vẫn nhanh chóng lan rộng. Vào mùa hè, Hàn Quốc phải đối mặt với làn sóng virus tồi tệ nhất. Các bệnh viện ở Indonesia vỡ trận vì thiếu oxy và giường. Còn tại Thái Lan, một số nơi thậm chí phải từ chối bệnh nhân vì quá tải.

Số ca bệnh gia tăng khiến các nước phải nhanh chóng thay đổi kế hoạch tiêm chủng.

Sydney (Australia) đã thông báo phong tỏa từ tháng 6 vì bùng dịch. Đến tháng 7, Thủ tướng Scott Morrison - người trước đây từng nói rằng tiêm chủng "không phải là một cuộc đua" - đã nỗ lực kêu gọi người dân đi tiêm, đồng thời có những bước đi nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine.

Khi biến chủng Delta gây ra đợt bùng phát mới, chưa đầy 25% người Australia trên 16 tuổi được tiêm một liều.

Tuy nhiên hiện nay, ở bang New South Wales, 86% dân số trưởng thành đã được tiêm liều đầu tiên, và 62% người lớn được tiêm chủng đầy đủ. Quốc gia này dự kiến tiêm chủng đầy đủ cho 80% người trên 16 tuổi vào đầu tháng 11.

tiem ngua Covid o chau A anh 4

Bệnh viện ở Surabaya, Indonesia, hồi tháng 7 bị quá tải. Ảnh: AP.

Greg Dore, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học New South Wales, cho biết: “Lãnh đạo từ khắp các khu vực đã đứng ra ủng hộ việc tiêm chủng. Điều này thực sự giúp chúng tôi xoay chuyển được vấn đề tiêm chủng”.

Nhiều chính phủ sử dụng các biện pháp khuyến khích để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng.

Tại Hàn Quốc, nhà chức trách đã nới lỏng các hạn chế vào tháng 8, cho phép người đã tiêm chủng đầy đủ được tụ tập.

Singapore - quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ cho 82% dân số - trước đó công bố những biện pháp tương tự.

Các nhà nghiên cứu ở Singapore cũng phân tích đặc điểm của những nhóm người từ chối tiêm chủng để đưa ra biện pháp thuyết phục phù hợp.

Tiến sĩ Reuben Ng từ Đại học Quốc gia Singapore và nhóm của ông gần đây phát hiện ra rằng người cao niên sống một mình thường tỏ ra lo lắng về tác dụng phụ của vaccine. Họ sợ có thể qua đời ở nhà mà không ai hay biết nếu phản ứng xấu với vaccine.

Các tình nguyện viên đã thuyết phục những người này bằng cách hứa đến thăm sau khi họ tiêm chủng. Chiến lược này đã tỏ ra hiệu quả.

“Cách tiếp cận có mục tiêu này thực sự tạo ra sự khác biệt”, tiến sĩ Reuben Ng nói.

Chính phủ Nhật Bản điều động quân đội để điều hành các trung tâm tiêm chủng ở Tokyo và Osaka, đồng thời ủy quyền cho các công ty tự tổ chức tiêm phòng cho nhân viên của họ. Chính quyền địa phương đề nghị thuê bác sĩ và y tá trong những ngày họ nghỉ để tiêm chủng cho người dân.

Tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ ở Nhật Bản tính đến ngày 29/9 đã đạt 59,4%, vượt Mỹ - với 56,2%. Ở một số vùng nông thôn, tỷ lệ tiêm chủng ít nhất một liều vaccine đã đạt gần 100%.

Hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 đổ về châu Á

Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Á phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 mới, nỗ lực cung ứng vaccine từ khắp nơi trên thế giới đã được được đẩy nhanh.

WHO trì hoãn phê duyệt vaccine Covaxin

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một lần nữa trì hoãn việc cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho Covaxin, vaccine Covid-19 được phát triển ở Ấn Độ.

Hồng Ngọc (Theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm