Trong bối cảnh nền chính trị trở nên bất ổn sau khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 4/12 đã lật đổ chính quyền Thủ tướng Michel Barnier, nước Pháp được dự đoán trải qua giai đoạn khó khăn và một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang có dấu hiệu lao dốc, New York Times nhận định.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp ở Pháp đã chật vật trong nhiều tháng. Các nghiệp đoàn cảnh báo về việc sa thải hàng loạt. Hàng nghìn công chức đang lên kế hoạch xuống đường biểu tình trên toàn nước Pháp vào ngày 5/12.
Nền kinh tế Pháp vốn dĩ đã gặp nhiều khó khăn ngay cả trước khi chính quyền Thủ tướng Barnier bị lật đổ. Giờ đây, khi không có chính phủ và thiếu đi nguồn ngân sách quốc gia cho năm 2025, nền kinh tế Pháp có thể rơi vào viễn cảnh còn tồi tệ hơn trong tương lai gần.
Chính trị bất ổn
Trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 3/12, ông Barnier cảnh báo trước Quốc hội rằng việc chính phủ sụp đổ "sẽ khiến mọi thứ nghiêm trọng và khó khăn hơn" cho nước Pháp.
"Đây quả là một tin xấu giữa bối cảnh sự tăng trưởng kinh tế ở Pháp đang chậm lại rõ rệt", Charlotte de Montpellier, chuyên gia kinh tế của tập đoàn ING, nhận xét.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Pháp trong hai năm qua gần như chững lại hoàn toàn, phần lớn là do chi phí năng lượng và lãi suất cho vay tăng trong khi niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, cộng dồn với sự suy thoái của các ngành công nghiệp nội địa.
Sự bất ổn về mặt chính trị kể từ khi Tổng thống Macron giải thể Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm hồi giữa năm đã khiến các doanh nghiệp ngưng đầu tư và lưỡng lự trong việc tuyển dụng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng trước quyết định khó khăn trong việc bổ nhiệm thủ tướng mới. Ảnh: New York Times. |
Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp nhận định rằng sự sụp đổ của chính phủ Pháp hôm 3/12 có nguy cơ mở ra "một giai đoạn bất ổn mới".
"Một nước Pháp thiếu đi ngân sách chính phủ có thể rơi vào khủng hoảng nợ công và sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế", Liên đoàn nói trong một tuyên bố.
Sự hỗn loạn hiện tại báo hiệu một chương kế ảm đạm cho nước Pháp, vốn là một trong những trụ cột của nền kinh tế châu Âu.
Cùng với Đức, Pháp từ lâu đã là động cơ tăng trưởng của liên minh kinh tế EU. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm 2021 cộng với lãi suất cho vay cao đã biến hai quốc gia này từ vị thế lãnh đạo của khối thành những nền kinh tế có phần bị tụt lại.
Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng
Trong những tháng gần đây, các vấn đề tài chính đã trầm trọng hóa những rắc rối của Pháp. Đất nước hình lục lăng đã chật vật trước khoản nợ và mức thâm hụt kinh tế khổng lồ, vốn là kết quả từ việc chi tiêu không kiểm soát của chính quyền ông Macron kể từ sau giai đoạn đóng cửa do đại dịch Covid-19.
Tình trạng nói trên đã khiến các nhà đầu tư hoài nghi về tiềm lực kinh tế của Pháp, khiến mức lãi suất cho vay tăng vọt.
Những dấu hiệu khủng hoảng đã xuất hiện trước cả khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra với một loạt thông báo sa thải quét qua khắp nền kinh tế Pháp.
Vào tháng 11, những doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành công nghiệp năng lượng, bao gồm cả những "ông lớn" trên trường quốc tế như Michelin hay Vencorex, thông báo sẽ hạn chế việc sản xuất và cắt giảm nhân sự.
Cũng trong tháng 11, chuỗi siêu thị bán lẻ Auchan công bố một trong những kế hoạch cắt giảm lớn nhất trong lịch sử tập đoàn này.
Nexity, một trong những công ty xây dựng lớn nhất nước Pháp, hồi đầu năm nói rằng họ sẽ sa thải khoảng 1.000 nhân viên sau khi ngành bất động sản chịu tác động của mức lãi suất cho vay cao.
Thị trường lao động bất ổn kết hợp với chi phí sinh hoạt cao đã thúc đẩy người dân Pháp tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu. Điều này đã giáng thêm một đòn chí mạng vào nền kinh tế của đất nước hình lục lăng.
Số doanh nghiệp phá sản cũng tăng vọt sau khi nguồn ngân sách hỗ trợ 150 tỷ USD từ chính phủ được sử dụng hết. Điều này kéo theo sự việc tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 7,1% lên 7,3% trong chưa đầy một năm.
Marc Ferracci, Bộ trưởng phụ trách Công nghiệp thuộc Bộ Kinh tế, Tài chính và Phục hồi Pháp, nói rằng hàng nghìn việc làm có thể bị cắt giảm trong vài tháng tới.
Marc Ferracci, Bộ trưởng phụ trách Công nghiệp thuộc Bộ Kinh tế, Tài chính và Phục hồi Pháp. Ảnh: Reuters. |
Những thách thức bủa vây nền kinh tế Pháp đang ngày càng hiển lộ hơn. Với mức thâm hụt trên tổng sản lượng kinh tế tăng từ 5,5% lên 6,1% kể từ năm 2023, tình trạng tài chính của Pháp hiện còn tệ hơn cả Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy. Nợ công của Pháp hiện cũng ở ngưỡng báo động với khoản nợ lên đến 3.370 tỷ USD.
Vào tháng 2, trong một nỗ lực cải thiện những vấn đề hiện hữu, giới chức Pháp đã thông báo cắt giảm 10,5 tỷ USD trong các khoản chi của chính phủ. 6 tháng sau, Pháp tiếp tục công bố kế hoạch cắt giảm thứ hai trong năm.
Cùng lúc đó, các khoản thu từ thuế của chính phủ Pháp giảm mạnh hơn mức dự kiến sau khi Tổng thống Macron nhượng bộ trước các chủ doanh nghiệp và giới siêu giàu, theo New York Times.
Vào tháng 10, Thủ tướng Barnier trình một kế hoạch ngân sách chi tiết với mục tiêu tiết kiệm 63 tỷ USD trong năm 2025, một phần thông qua việc tăng thuế tạm thời đối với các doanh nghiệp và những cá nhân có tài sản ròng lớn.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier sẽ từ chức trong ngày 5/12. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền chính trị và tài chính của Pháp đang ở thế lấp lửng, các nhà kinh tế dự đoán rằng sự suy thoái trầm trọng hơn là chuyện khó tránh.
Vào tháng 11, Ủy ban châu Âu (EC) dự đoán mức tăng trưởng của Pháp sẽ chậm lại xuống mức 0,8% trong năm 2025. Một số chuyên gia cho rằng dự đoán này vẫn còn là quá lạc quan.
"Những công ty cần chuẩn bị kế hoạch ngân sách cho năm 2025 bây giờ thậm chí còn không biết mức thuế doanh nghiệp sắp tới sẽ là bao nhiêu", chuyên gia kinh tế Bruno Cavalier thuộc tập đoàn Oddo Securities nói với New York Times. "Cho nên, ai cũng ngưng đầu tư, ai cũng án binh bất động".
Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu”. Là hồi ký về cuộc đời nhà văn Stefan Zweig, cuốn sách đưa độc giả đi qua thời kỳ hoàng kim của thế kỷ XIX, tiếp đến sự tàn phá kinh hoàng của Thế chiến I và thời kỳ trỗi dậy của Đức quốc xã.
Cuốn hồi ký sẽ giúp bạn đọc biết châu Âu trong những ngày tháng đó ra sao: Chân thực và thô ráp.