Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Châu Âu bấp bênh giữa lúc kỷ nguyên Trump 2.0 sắp bắt đầu

Đấu đá chính trị nội bộ, cùng với làn sóng bất mãn của công chúng trước lạm phát, nhập cư và giới cầm quyền, đang làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

donald trump dac cu anh 1

Với việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, châu Âu có thể phải đối mặt với một giai đoạn đầy thách thức và nguy hiểm, đặc biệt khi khu vực này vốn đang sa lầy vào tình trạng kinh tế trì trệ và bất ổn do xung đột ở ngưỡng cửa phía đông.

New York Times nhận định đây chính là thời điểm các nhà lãnh đạo châu Âu đồng thuận cần có sự lãnh đạo mới và mạnh mẽ từ hai nền kinh tế lớn nhất lục địa. Song Pháp và Đức đang phải vật lộn để đáp ứng lời kêu gọi này.

Giống với Mỹ, giới cầm quyền ở châu Âu đối mặt với phản ứng dữ dội vì giá tiêu dùng tăng nhanh, nhập cư gia tăng và sự xói mòn lòng tin của công chúng vào giới tinh hoa chính trị. Các đảng phái chính trị chính thống dần mất đi sự ủng hộ, trong khi những người theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc tăng mạnh.

Khoảng trống quyền lực tại lục địa già

Đức trải qua nhiều tháng tranh cãi nội bộ về thuế, chi tiêu và cách tốt nhất để khôi phục nền kinh tế. Vào tuần trước, Thủ tướng Olaf Scholz đã phá vỡ liên minh cầm quyền bằng cách sa thải bộ trưởng tài chính. Đức đang hướng tới một cuộc bầu cử sớm, với khả năng ông Scholz sẽ bị lật đổ.

Một đảng cực hữu và một đảng dân túy mới đã giành được nhiều sự ủng hộ trong các đợt bầu cử địa phương. Chiến thắng gần đây của ông Trump có thể thúc đẩy thêm uy tín của hai đảng này trước các đảng chính thống của Đức trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron chứng kiến ​​quyền lực suy yếu sau quyết định tai hại: Kêu gọi bầu cử sớm trong năm nay. Pháp mất nhiều tháng để thành lập chính phủ sau đó, khiến Hạ viện gần như bế tắc và tạo ra một liên minh mong manh bám lấy quyền lực chống lại phe cực hữu và cánh tả.

Sự bất ổn từ Paris đến Berlin đã tạo ra khoảng trống quyền lực trên toàn lục địa. Điều này có thể làm suy yếu khả năng ứng phó của châu Âu trong cuộc chiến thương mại toàn cầu nếu ông Trump nhanh chóng áp thuế cao với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, nỗ lực xây dựng chính sách chung bảo vệ các ngành công nghiệp khỏi làn sóng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc gặp khó khăn đáng kể.

Đặc biệt, nhiệm vụ chính trị khó nhằn - tăng chi tiêu cho quân đội - cũng trở nên phức tạp, đặc biệt càng cấp bách khi ông Trump liên tục đe dọa sẽ rút khỏi NATO hoặc rút lại các đảm bảo an ninh của Mỹ cho đồng minh châu Âu.

donald trump dac cu anh 2

Người dân tại Place de la République ở Paris phản ứng với kết quả vòng hai của cuộc bầu cử hồi tháng 7. Ảnh: New York Times.

Tại châu Âu, có một số nhà lãnh đạo khác có thể đi đầu ứng phó với khủng hoảng. Nhưng họ cũng đang có những rắc rối riêng.

Keir Starmer - người được bầu làm thủ tướng Anh vào mùa hè này - bị công chúng chỉ trích vì những món quà hai vợ chồng ông đã nhận. Và Anh không thuộc Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni là người theo chủ nghĩa dân túy. Bà có thể xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với ông Trump, hoặc có cách tiếp cận tương đối trung dung với các vấn đề quốc tế và ủng hộ Ukraine, trái ngược với lập trường tổng thống đắc cử Mỹ.

Giới phân tích đồng tình những người phù hợp nhất để lãnh đạo một châu Âu độc lập và mạnh mẽ cần đến từ Berlin hoặc Paris, nhưng chính những nơi này hiện gặp nhiều rắc rối nhất.

“Sự lãnh đạo của Pháp và Đức đang gặp khủng hoảng rõ ràng, khi liên minh Đức sụp đổ còn Pháp gặp chia rẽ chính trị nội bộ. Điều này trở thành trở ngại trên trường quốc tế và châu Âu”, Alexandra de Hoop Scheffer - Chủ tịch tổ chức The German Marshall Fund of the United States - nhận định.

Jörn Fleck - Giám đốc cấp cao Trung tâm châu Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương - cho biết Pháp và Đức đang gánh chịu những cuộc khủng hoảng chính trị do mình “tự gây ra”, ngay khi chiến thắng của ông Trump từ Mỹ làm tăng thêm nhiều bất ổn mới cho tương lai của châu Âu.

Thừa nhận khó khăn, nhưng chưa tìm ra giải pháp

Tuần trước, ông Macron và ông Scholz đã thừa nhận thách thức, nhưng không đưa ra cách giải quyết vấn đề.

Ông Trump “được người dân Mỹ bầu lên, nên ông ấy sẽ bảo vệ lợi ích của người dân Mỹ - một điều tốt và hợp pháp”, ông Macron phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo châu Âu tại Budapest. “Câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta đã sẵn sàng bảo vệ lợi ích của châu Âu?”.

Thế giới có động vật ăn cỏ và động vật ăn thịt, ông nói thêm, và “nếu chúng ta quyết định tiếp tục là động vật ăn cỏ, động vật ăn thịt sẽ chiến thắng”.

Trong khi đó, ông Scholz nhận định thời điểm đầy khó khăn khi liên minh cầm quyền tan vỡ. Thay vì tiếp tục tại vị cho đến cuộc bầu cử vào mùa thu năm 2025, liên minh của ông Scholz có thể phải đối mặt với cử tri từ tháng 3, và ông Scholz có khả năng mất chức thủ tướng.

“Châu Âu phải đoàn kết với nhau hơn bao giờ hết và tiếp tục đầu tư vào an ninh, sức mạnh của chính mình. Tình hình rất nghiêm trọng”, thủ tướng Đức chia sẻ.

donald trump dac cu anh 3

Trung tâm thành phố Erfurt thuộc bang Thuringia của Đức, nơi đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) giành được gần 33% số phiếu trong đợt bầu cử cấp bang năm 2024. Ảnh: New York Times.

Suốt nhiều năm, ông Macron thúc giục châu Âu đoàn kết và độc lập hơn về mặt quân sự, kinh tế và công nghệ. Mong muốn này bắt nguồn từ suy nghĩ muốn giảm bớt ràng buộc với chính quyền Mỹ và sẵn sàng để cạnh tranh với sự thống trị về mặt công nghiệp, thương mại của Trung Quốc.

Hiện tại, ông Macron đang yếu thế hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên, khi không còn nhiều quyền kiểm soát với chính sách trong nước và bị giới hạn nhiệm kỳ - không thể tranh cử vào năm 2027.

Chính phủ Pháp cũng mắc kẹt trong các cuộc tranh luận tại Quốc hội về mức ngân sách cần thiết kiềm chế thâm hụt và nợ đang tăng vọt. Vẫn chưa rõ liệu chính phủ Pháp có thể đảm bảo cắt giảm chi tiêu sâu và tăng thuế như mong muốn vào cuối năm 2024 mà không sụp đổ hay không.

Đức cũng đối mặt với một cuộc tranh luận về ngân sách căng thẳng không kém. Giới lãnh đạo sẽ cần thống nhất để bù đắp thâm hụt và tuân thủ yêu cầu theo Hiến pháp Đức về việc phải cân bằng ngân sách, trừ khi có tình huống khẩn cấp. Chính những mâu thuẫn này, cùng cách chi tiêu ngân sách tài khóa đưa nền kinh tế Đức thoát khỏi suy thoái, đã góp phần thúc đẩy chia rẽ liên minh của ông Scholz.

Bất đồng lớn hơn thậm chí sắp nổ ra. Ông Trump đã thúc đẩy Đức chi nhiều thêm cho quân đội. Điều này đồng nghĩa Berlin phải tăng ngân sách quốc phòng, cần cân nhắc các biện pháp đi vay mới hoặc cắt giảm chi tiêu trong nước. Cử tri có thể không hài lòng với bước đi này và sự phẫn nộ của họ sẽ giúp ích cho các đảng “Nước Đức trên hết”, như đảng cực hữu Alternative for Germany, trong các đợt bỏ phiếu.

Ông Scholz ưu tiên vay nợ và từ chối đánh đổi chi tiêu. Hậu thời kỳ Scholz và đảng Dân chủ Xã hội, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ sẽ là ứng viên sáng giá nhất lãnh đạo chính phủ tiếp theo. Chuyên gia nhận định việc đảng này hoặc một đảng chính thống khác thành lập chính phủ có thể chấm dứt tình trạng tê liệt chính sách, ít nhất là trong một thời gian ngắn.

Những cuốn sách hay về châu Âu

Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Liên minh cầm quyền Đức sụp đổ, chuyện gì xảy ra tiếp theo

Sau nhiều thập kỷ tương đối ổn định, nước Đức đã bước vào kỷ nguyên mới của sự phân cực và những cuộc bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra trong bối cảnh bấp bênh.

Chuyện gì đang xảy ra trên chính trường Đức

Mục tiêu chính trị của 3 đảng liên minh vốn không phù hợp với nhau: SPD, đảng Xanh tin tưởng vào một nhà nước mạnh mẽ và cần rất nhiều tiền cho chính sách xã hội, đảng FDP theo chủ nghĩa tự do kinh tế.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm