Góc nhìn từ trên cao của Pando (khu vực màu xanh lá) tại Rừng Quốc gia Fishlake ở Utah, Mỹ. Ảnh: Lance Oditt. |
Sinh vật lớn nhất trên thế giới hiện nay là khu rừng được tạo thành từ một cây dương lá rung duy nhất mang tên Pando (nghĩa là “Tôi lan rộng” trong tiếng Latinh).
Đây là một quần thể gồm 47.000 thân cây, phủ khắp diện tích 400.000 m2 ở bang Utah, Mỹ. Pando được coi là một sinh vật sống bởi có cùng DNA và mọc lên từ một hệ thống rễ chung.
Sau khoảng 12.000 năm tồn tại trên Trái Đất, cây dương lá rung này dần phát triển thành một sinh vật sống khổng lồ nặng đến 6.000 tấn. Các “cành” của loài thực vật khổng lồ này phát triển tựa như những cái cây cao tới 24 mét.
Tại Cuộc họp lần thứ 184 của Hiệp hội Âm học Mỹ, các chuyên gia đã ghi lại được “tiếng thì thầm” đầy ám ảnh của Pando từ sự rung động của hàng triệu chiếc lá vang vọng qua rễ của nó.
Rừng dương lá rung Pando được tạo thành từ hơn 47.000 bản sao hoặc "thân" cây giống hệt nhau và được kết nối với nhau ở rễ. Ảnh: Jeff Rice. |
“Phát hiện này thật đáng kinh ngạc. Mặc dù nó bắt đầu như một tác phẩm nghệ thuật, chúng tôi nhận thấy tiềm năng ứng dụng khoa học to lớn trong đó”, Lance Oditt, nhà sáng lập dự án “Friends of Pando”, chia sẻ.
Ông giải thích rằng việc gió được chuyển đổi thành các rung động âm thanh và di chuyển qua hệ thống rễ cây có thể tiết lộ hoạt động của hệ thống thủy lực rộng lớn ẩn giấu dưới lòng đất của Pando.
Chuyên gia âm thanh Jeff Rice đã thử đặt một thiết bị định vị thủy âm bên trong hốc ở gốc cây và luồn nó xuống rễ cây.
Sau khi đeo tai nghe, ông Rice đã lập tức lập tức kinh ngạc khi nghe thấy một âm thanh yếu ớt vang lên. Thiết bị sau đó thu được nhiều âm trầm kỳ lạ.
“Tôi nghĩ những gì bạn đang nghe thấy là âm thanh của hàng triệu chiếc lá, làm rung động các thân cây và truyền qua cành cây xuống đất”, chuyên gia giải thích khi ông trình bày bản ghi âm tại Cuộc họp lần thứ 184 của Hiệp hội Âm học Mỹ.
Thiết bị định vị thủy âm cũng thu được tiếng đập khi gõ vào một cành cây ở khoảng cách 30 m. Điều này ủng hộ giả thuyết rằng hệ thống rễ của Pando được kết nối với nhau. Tuy nhiên, vẫn cần thí nghiệm thêm để xác nhận âm thanh không được truyền qua đất.
Hệ thống rễ chia sẻ như trên khá phổ biến ở các cây dương lá rung, nhưng kích thước và niên đại của Pando đã làm cho nó trở nên độc nhất.
"Âm thanh rất hay và thú vị, từ quan điểm thực tế, âm thanh tự nhiên có thể được sử dụng để ghi lại sức khỏe của môi trường. Chúng là một ví dụ về đa dạng sinh học ở địa phương và chúng cung cấp cho ta thông tin về sự thay đổi của môi trường", ông Rice nói.
Đáng tiếc, Pando đang chết dần chết mòn. Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng thời gian tồn tại của Pando có thể không còn dài nữa. Các hoạt động của con người đang tác động rõ rệt đến sự sống của sinh vật lớn nhất Trái Đất.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.