Mọi người thường đề cập một cách mơ hồ đến “cõi hư không”, nhưng hóa ra, các nhà khoa học đã thực sự tìm ra chính xác điểm đó ở đâu.
Với khoảng cách tới đất liền gần nhất là 2.250 km, Point Nemo, nghĩa là vùng không người trong tiếng Latin là địa điểm xa xôi nhất trên Trái Đất, cách xa nền văn minh con người đến mức những người "sống" gần khu vực này nhất chính là các nhà khoa học trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Point Nemo nằm ở phía nam của Thái Bình Dương. Ảnh: Wikimedia. |
Sở hữu vị trí biệt lập, Point Nemo là nơi lý tưởng để các tàu vũ trụ đâm xuống sau khi kết thúc sứ mệnh. Từ khi được sử dụng năm 1971, Point Nemo trở thành nơi "an nghỉ" của hơn 270 tàu vũ trụ đến từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và một số tổ chức không gian.
"Sa mạc giữa đại dương"
All That's Interesting gọi Point Nemo với cái tên “cực không thể tiếp cận của đại dương” hay tọa độ đại dương xa đất liền nhất. Point Nemo đúng nghĩa là ở giữa hư không, khi được bao quanh bởi hơn 1.600 km đại dương theo mọi hướng.
Những vùng đất gần với Point Nemo nhất cũng là các hòn đảo xa xôi, hiểm trở nhất thế giới. Trong số này có thể kể đến đảo Pitcairn, lãnh thổ hải ngoại của Anh và cũng là vùng đất cuối cùng của đất nước này ở Thái Bình Dương hay đảo Phục Sinh (Chile).
Không có cư dân nào ở gần Point Nemo. Vì thế, các nhà khoa học đã chọn tên gọi cho địa điểm này là “Nemo”, trong tiếng Latin có nghĩa là “không có ai”, lấy cảm hứng từ chiếc tàu ngầm của thuyền trưởng Nemo trong tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới biển của tác giả Jules Verne.
Point Nemo trong tiếng Latin có nghĩa "vùng không người". Đây là điểm vô hình nằm giữa Thái Bình Dương, xung quanh là Australia, Nam Mỹ và New Zealand. Ảnh: The Sun. |
Những người "sống" gần khu vực này nhất chính là các nhà khoa học trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Khi bay qua Point Nemo, khoảng cách từ ISS tới Trái Đất là 360 km, gần hơn nhiều so với bất kỳ hòn đảo nào trên bề mặt hành tinh.
Ngay cả người đầu tiên tính toán vị trí chính xác của Point Nemo cũng chưa từng đến thăm nó.
Cụ thể, người đầu tiên tìm ra vị trí của Point Nemo là Hrvoje Lukatela, kỹ sư trắc địa người Canada gốc Croatia. Ông sử dụng phần mềm để tính tọa độ có khoảng cách lớn nhất từ 3 điểm cách đều nhau, nhờ đó tìm ra vị trí của Point Nemo vào năm 1992 mà không cần đến đến đây.
Theo Live Science , chương trình đã tính toán tọa độ là khoảng cách lớn nhất từ 3 tọa độ đất cách đều nhau. Do đó, rất có thể chưa từng có con người nào đi qua tọa độ chính xác của Point Nemo.
Không chỉ con người, hệ sinh vật biển tại đây cũng rất kém đa dạng. Do tính chất dòng hải lưu, khu vực này khan hiếm sinh vật biển, không có tàu đánh cá vì ít chất dinh dưỡng.
Motu Nui, một trong những đảo có khoảng cách đến Point Nemo gần nhất. Ảnh: Flickr. |
Không có bất kỳ nguồn thức ăn nào, việc duy trì sự sống ở Point Nemo giữa đại dương bao la là điều gần như không thể.
"Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy rằng lượng tế bào ở mặt biển Nam Thái Bình Dương thấp hơn khoảng 1/3 so với vòng hải lưu Đại Tây Dương. Có lẽ đây là vùng đại dương có lượng tế bào trên mặt biển thấp nhất", nhà vi sinh vật đại dương Bernhard Fuchs thuộc Viện hải dương học của Học viện Max Planck, Đức nói sau chuyến đi hồi cuối năm 2015.
Những bí ẩn liên quan đến Point Nemo
Vice mô tả Point Nemo là “khu vực ít hoạt động sinh học nhất của đại dương thế giới”. Thế nhưng, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi vào năm 1997, họ phát hiện ra một trong những âm thanh dưới nước lớn nhất từng được ghi lại gần cực đại dương của nơi này.
Theo đó, một tiếng động lớn phát ra cách Point Nemo khoảng 2.000 km về phía đông. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) không thể nghĩ ra thứ gì đó đủ lớn để tạo ra âm thanh lớn như vậy dưới nước, do đó họ gọi nó là "The Bloop".
Nhà văn HP Lovecraft đã đặt ngôi nhà của con quái vật huyền thoại Cthulhu trong tác phẩm của mình gần với tọa độ của Point Nemo từ năm 1928, 66 năm trước khi Lukatela tính toán vị trí của Nemo. Ảnh: Wikimedia. |
Cơ quan này sau đó kết luận đây chỉ là âm thanh của băng vỡ tại Nam Cực. Tuy nhiên, những người đam mê khoa học viễn tưởng đã nhanh chóng nghĩ ra một lời giải thích khác.
Họ trích dẫn khi nhà văn HP Lovecraft lần đầu tiên giới thiệu với độc giả về con quái vật có xúc tu nổi tiếng của mình trong cuốn Tiếng gọi của Cthulhu, ông đã viết rằng hang ổ của sinh vật này là thành phố R'yleh đã mất tích ở nam Thái Bình Dương.
Điều trùng hợp là tọa độ của R'yleh lại rất gần với tọa độ của Point Nemo một cách đáng kinh ngạc và cũng chính là nơi xuất hiện "The Bloop".
Lovecraft lần đầu tiên viết về con quái vật biển của mình vào năm 1928, 66 năm trước khi Lukatela tính toán vị trí của Nemo. Vì lẽ đó, một số người đã suy đoán rằng "sa mạc giữa đại dương" thực chất là nhà của một loại sinh vật nào đó chưa được khám phá.
Vì không có sự sống nào gần đó, Point Nemo là nơi lý tưởng để các tàu vũ trụ đâm xuống sau khi kết thúc sứ mệnh. Từ khi được sử dụng năm 1971, Point Nemo trở thành nơi "an nghỉ" của hơn 270 tàu vũ trụ đến từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và một số tổ chức không gian.
Trạm vũ trụ quốc tế ISS nhiều khả năng sẽ được đưa xuống Point Nemo vào năm 2024. Ảnh: NBC News. |
Trong vòng 45 năm, từ năm 1971-2016, các cơ quan vũ trụ trên thế giới đã đưa 260 mảnh rác vũ trụ hạ cánh về khu vực này. Với những vật thể lớn như trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc, trở lại Trái Đất năm 2018, các mảnh vỡ có thể trải dài trong vùng biển dài tới 1.600 km.
Công trình lớn nhất từng rơi xuống Point Nemo là Phòng Thí nghiệm Không gian (MIR) của Nga với khối lượng khoảng 120 tấn, rơi xuống vào năm 2001 sau 15 năm hoạt động.
Nhiều tàu vũ trụ khác cũng "an nghỉ" tại Point Nemo như các tàu vận chuyển của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, tàu chở hàng HTV của Nhật Bản và hơn 140 tàu tiếp tế của Nga.