Moscow hôm 22/4 tuyên bố điều động binh sĩ đang triển khai dọc biên giới Ukraine quay trở lại các căn cứ trước đây, động thái giúp hạ nhiệt căng thẳng, xoa dịu nỗ lo của Kyiv trước nguy cơ xung đột vũ trang trực diện giữa hai bên.
Nhưng thông điệp Moscow để lại cho Kyiv cũng như các đồng minh phương Tây rất rõ ràng, rằng cuộc chơi ở Đông Âu nằm trong quyền định đoạt của Nga, theo Financial Times.
Giới chuyên gia cũng cho rằng các cuộc tập trận vừa qua chỉ nhằm đánh lạc hướng khỏi nền kinh tế Nga đang lao dốc, cũng như kích thích tinh thần ái quốc trước bầu cử, thay vì thật sự khơi ngòi một cuộc xung đột.
Ukraine "toát mồ hôi"
Đối đầu giữa Ukraine và Nga bùng nổ từ năm 2014, sau khi lực lượng ủng hộ hội nhập với EU loại bỏ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych - một chính trị gia thân Moscow.
Nga đáp trả bằng cách sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, động thái bị Liên Hợp Quốc phản đối. Moscow cũng chống lưng cho các lực lượng vũ trang thân Nga phát động cuộc chiến tranh ly khai ở khu vực Donbas - miền Đông Ukraine.
Thỏa thuận hòa bình Minsk được hai nước ký năm 2015 sau đó rơi vào bế tắc bởi Kyiv không muốn trao quy chế tự trị cho các khu vực ly khai ở miền Đông, trong khi Nga quyết không trả lại quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại vùng Donbas.
Những tuần qua, việc Nga ồ ạt triển khai quân tới biên giới đã gửi đi một thông điệp vô cùng rõ ràng tới Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky: Tại Donbas, Nga mới là bên nắm quyền định đoạt.
Lực lượng Nga tại khu vực gần biên giới giáp Ukraine. Ảnh: Getty. |
Tuần qua, Tổng thống Zelensky đề nghị gặp Tổng thống Putin tại khu vực xung đột. Động thái này chính là sự thừa nhận Ukraine không thể hoàn toàn quay lưng với thỏa thuận Minsk, theo ông Michael Kofman, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu chính sách CNA của Mỹ.
"Họ (Nga) muốn ông Zelensky hiểu rằng Kyiv cần thay đổi chính sách. Họ muốn làm Kyiv toát mồ hôi, cho người Ukraine thấy chính xác điều gì có thể xảy ra, rằng Ukraine cuối cùng sẽ phải tự lực cánh sinh, đó là thực tế chính quyền Kyiv phải đối mặt", ông Kofman nói.
Động thái chuyển quân ồ ạt của Moscow cũng cho phương Tây thấy cái giá của "những tuyên bố kém thân thiện và hành động leo thang căng thẳng".
Theo ông Alexander Baunov, chuyên gia tổ chức nghiên cứu chính sách Carnegie Moscow Center, cái giá ở đây là nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột thật sự, điều không quốc gia phương Tây nào mong muốn.
Thông điệp cứng rắn từ Moscow có lẽ đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định hạ nhiệt căng thẳng, dù rằng Nhà Trắng cũng đã công bố lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow, đồng thời cảnh báo sẽ có "hậu quả" nếu chính trị gia đối lập Alexei Navalny - người tuyệt thực trong tù, sau đó đã ngưng - bị nguy hiểm tính mạng.
Vài tuần trước, Tổng thống Biden khiến Moscow nổi giận khi gọi người đồng cấp Putin là "kẻ sát nhân". Nay, ông Biden đã gửi lời mời Tổng thống Putin tham dự một cuộc hội đàm song phương. Điều này cho thấy bất chấp những lệnh trừng phạt đã tung ra, quan hệ với Nga vẫn là một ưu tiên hàng đầu của phương Tây.
Trong khi đó, việc rút quân chỉ một ngày sau khi cảnh báo phương Tây không vượt qua lằn ranh đỏ cho thấy Điện Kremlin hiểu rằng "họ đã leo thang căng thẳng tới mức cần thiết", và đã đến lúc cần hạ nhiệt một chút để xem xét đề nghị của Washington.
"Tổng thống Putin muốn gặp và ghi điểm với ông Biden", chuyên gia Baunov nhận xét.
"Trò lừa chiến lược"
Các cuộc tập trận của Nga vừa qua vượt xa quy mô mọi hoạt động quân sự nước này từng tổ chức dọc biên giới Ukraine kể từ sau khi ký thỏa thuận Minsk.
Trong vài tuần, Nga đã huy động hơn 100.000 quân từ các khu vực phía bắc và phía nam tới biên giới Ukraine, trong đó có những đơn vị xe tăng, máy bay chiến đấu, tàu chiến, thiết bị chiến tranh điện tử, thậm chí xây cả các bệnh viện dã chiến.
Cùng khoảng thời gian đó, ở bên kia biên giới quốc tế, giao tranh nhanh chóng leo thang giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng phiến quân ly khai thân Nga.
Động thái tăng cường lực lượng giúp Moscow có đủ hỏa lực để mở một chiến dịch quân sự quy mô vào Ukraine, trong khi ý định thực sự của Nga lại được giấu kín.
Điều này khiến chính quyền Tổng thống Zelensky mất ăn mất ngủ và phải kêu gọi Nga chấp nhận khôi phục lệnh ngừng bắn ở vùng Donbas.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới thăm vùng chiến sự ở miền Đông Ukraine. Ảnh: AP. |
"Vấn đề của Nga là họ muốn Ukraine thay đổi cách hành xử. Một phần lý do là bởi Ukraine đang được châu Âu và Mỹ hậu thuẫn, đến mức Kyiv tin rằng họ có thể tiếp tục cách hành xử như hiện nay", ông Kofman nhận xét.
Dù đã lui quân, Moscow vẫn có thể nhanh chóng gia tăng áp lực lên Kyiv trong tương lai. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố quân đoàn liên hợp 41 của nước này sẽ để lại toàn bộ khí tài chiến tranh tại căn cứ gần biên giới Ukraine. Lý do mà ông Shoigu đưa ra là để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung với Belarus vào mùa hè.
Những tháng gần đây, Kyiv tìm cách xây dựng một diễn đàn đàm phán có tên Crimea Platform, với mục tiêu tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 8 để thảo luận khả năng đảo ngược việc Nga sáp nhập Crimea.
Hơn 10 quốc gia phương Tây cùng Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã tỏ ra quan tâm và sẵn sàng tham dự cuộc họp.
Oleksiy Arestovych, cố vấn trong chính quyền Tổng thống Zelensky, cho rằng động thái tăng cường binh lực ở biên giới vừa qua chỉ là "trò lừa chiến lược" của Moscow nhằm buộc Kyiv phải nhượng bộ.
"Nga không đủ khả năng phát động một cuộc chiến nhắm vào Ukraine", ông Arestovych đánh giá.
Các cuộc tập trận vừa qua, theo ông Arestovych, chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi nền kinh tế Nga đang lao dốc, cũng như kích thích tinh thần ái quốc trước thềm bầu cử Quốc hội vào tháng 9 - điều có thể giúp Tổng thống Putin cải thiện tỷ lệ ủng hộ.
Thế nhưng, thái độ do dự của các cường quốc phương Tây trước bước đi vừa qua của Moscow có thể sẽ khiến nỗ lực của Tổng thống Zelensky nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông, cũng như đòi lại lãnh thổ Crimea, trở nên mong manh hơn.
"Động thái rút quân củng cố thêm lập luận rằng Tổng thống Putin không thực sự có ý định gây chiến với Ukraine, ông ấy chỉ đang dùng chiến thuật đe dọa binh đao đặc trưng nhằm đạt được lợi ích về ngoại giao", bà Alyona Getmanchuk, Giám đốc tổ chức tư vấn chính sách New Europe Center, nhận định.
Nếu các đồng minh phương Tây của Ukraine né tránh vấn đề Crimea, hay từ chối đơn xin gia nhập NATO của Kyiv, đó sẽ là tín hiệu cho thấy chiến thuật của Nga đã thành công, và Moscow sẵn sàng tái diễn thêm nhiều lần nữa trong tương lai.