Quyết định giữ nguyên mức trần tối đa người tị nạn được tiếp nhận mà Nhà Trắng đưa ra ban đầu hôm 16/4 bị phe Dân chủ cấp tiến miêu tả là "hèn nhát", phá vỡ cam kết hồi tháng 2 của chính Tổng thống Joe Biden, theo Washington Post.
Câu hỏi đặt ra là vì sao đã gần 100 ngày kể từ lễ nhậm chức, Tổng thống Biden vẫn có ý giữ lại chính sách nhập cư cũ của người tiền nhiệm Donald Trump, điều khiến ông đứng trước búa rìu dư luận từ chính các đồng minh trong đảng.
Phe Dân chủ nói gì về chính sách của ông Trump?
Cựu Tổng thống Donald Trump và cố vấn Stephen Miller là tác giả chính sách nhập cư cứng rắn nước Mỹ theo đuổi suốt 4 năm qua.
Phe Dân chủ công kích cựu tổng thống, cáo buộc ông Trump và các cộng sự chủ trương khiến người Mỹ phải "sống trong nỗi sợ hãi" trước mối đe dọa mà người nhập cư mang tới cho "kinh tế, văn hóa và đa dạng chủng tộc, thậm chí cả phụ nữ" của nước Mỹ.
"Trong thế giới quan ấy, không có cái gọi là nhập cư hợp pháp. Từ sâu thẳm, (họ coi) tất cả người nhập cư về bản chất đều là bất hợp pháp, và phải bị đối xử như vậy", Washington Post bình luận.
Đối với những người chỉ trích, chính quyền Trump không tin các biện pháp kiểm tra an ninh truyền thống có thể ngăn chặn "sự man rợ" từ cửa khẩu, và rằng cần sử dụng mọi công cụ có thể để ngăn người nước ngoài nhập cư vào Mỹ.
Chính quyền cựu Tổng thống Trump thi hành nhiều chính sách siết chặt nhập cư. Ảnh: New York Times. |
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng những chính sách và phát ngôn của quan chức chính quyền Trump cho thấy thái độ cứng rắn hiếm có với làn sóng người nhập cư.
Ngoài xây dựng bức tường biên giới nhằm ngăn chặn nhập cư trái phép, ông Trump cũng siết chặt mọi con đường nhập cư hợp pháp.
Chính quyền Trump thực thi chính sách này bằng cách tạo ra thủ tục giấy tờ cùng những tiêu chí mà phe Dân chủ cáo buộc là "bất công" để ngăn người nước ngoài nhập cư hợp pháp. Ông Trump cũng giảm hạn ngạch nhập cảnh tối đa với người tị nạn xuống mức 15.000 người/năm, thấp chưa từng có.
Các quan chức của ông Trump nhiều lần tuyên bố cần cắt giảm tiếp nhận người tị nạn bởi số người nhập cư đã quá lớn, vượt quá khả năng xử lý của nhà chức trách Mỹ.
Dù vậy, người tị nạn là nhóm bị kiểm tra lý lịch gắt gao nhất trong các nhóm nhập cư. Họ phải trải qua nhiều vòng rà soát, chờ đợi trong nhiều năm, trước khi được phép tái định cư ở Mỹ.
"Miller và các cộng sự coi ngay cả những người nhập cư sẵn sàng tham gia quá trình rà soát gắt gao nhất giống như những tội phạm buôn ma túy, khủng bố, cưỡng hiếp hay ký sinh trùng", Washington Post bình luận.
Vì sao ông Biden chùn bước?
Khi bước ra tranh cử, ông Biden gửi đi một thông điệp rất khác. Ông Biden khẳng định lời hứa "khôi phục linh hồn nước Mỹ" bao gồm cả "chào đón" những người nhập cư.
Sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Biden công bố những kế hoạch đảo ngược chính sách nhập cư của người tiền nhiệm. Trong số đó là cam kết nâng trần tiếp nhận người tị nạn từ 15.000 lên 62.500.
Động cơ phía sau lời hứa này của ông Biden một phần là vì đạo đức, một phần khác vì ý nghĩa thực tế.
Tổng thống Biden và các cố vấn tin rằng mở ra thêm con đường cho người tị nạn đến Mỹ hợp pháp sẽ thực sự thúc đẩy "luật pháp và trật tự", giảm sức ép lên hệ thống nhập cư của Mỹ.
Báo cáo trước Quốc hội hồi tháng 2, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng "tăng tổng số người tị nạn được tiếp nhận" sẽ giúp "thúc đẩy nhập cư an toàn, trật tự, cũng như ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở biên giới phía nam".
Thế rồi, không một tín hiệu báo trước, Tổng thống Biden chùn chân.
Làn sóng người nhập cư đổ về biên giới phía nam của Mỹ nhiều chưa từng có. Ảnh: Reuters. |
Ông chủ Nhà Trắng trì hoãn ký các văn kiện cần thiết để hiện thực hóa chính sách nhập cư mới, khiến hàng trăm người tị nạn rơi vào tình trạng đi không được, ở không xong. Nhà Trắng không giải thích lý do ông Biden chậm trễ thi hành chính sách mới.
Thông tin rò rỉ từ Nhà Trắng cho thấy Tổng thống Biden lo sợ viễn cảnh tiếp nhận thêm người tị nạn sẽ càng thúc đẩy người nhập cư đổ tới biên giới phía nam.
Đó là chưa kể nỗi lo hệ thống nhập cư và cơ sở hạ tầng của Mỹ sẽ không đủ khả năng bố trí nơi ăn, chốn ở phù hợp cho những người được tiếp nhận. Những ngày qua, chính quyền ông Biden đứng trước sức ép và buộc phải đưa trẻ nhập cư vào các cơ sở quá tải.
Nói cách khác, ông Biden dường như thừa nhận những gì quan chức chính quyền Trump từng nói là có thật, và rằng chính quyền mới không thể ngăn chặn làn sóng người nhập cư trái phép xâm nhập mang lại nguy hiểm cho nước Mỹ.
Việc tổng thống đưa ra quyết định rồi nhanh chóng thay đổi chỉ trong vòng 24 giờ về câu chuyện số người tị nạn tối đa nước Mỹ sẽ tiếp nhận, đã khiến giới chuyên gia chua chát rằng: Ông Biden đã hứa sẽ đảo ngược chính sách của ông Trump về người tị nạn, nhưng nay ông chỉ đang đảo ngược chính mình.
"Thay vì chiến đấu chống lại những bối rối và hoang mang mà Stephen Miller mang lại, ông Biden đã lùi bước", Washington Post chỉ trích.
Trong tuyên bố ban đầu hôm 16/4, khi giải thích cho quyết định của Tổng thống Biden, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thậm chí dùng cùng lý do với các quan chức chính quyền Trump, rằng việc giữ nguyên mức trần số người tị nạn được tiếp nhận là cần thiết bởi tình hình ở biên giới.
Trên Twitter, ông Miller tán thưởng chính quyền mới, thậm chí kêu gọi Tổng thống Biden giảm số người tị nạn được tiếp nhận về 0, và khẳng định quyết định như thế sẽ được ủng hộ rộng rãi.
Nhưng quyết định ban đầu của Nhà Trắng đã ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của phe cấp tiến trong nội bộ đảng Dân chủ. Điều này không phải diễn biến bất ngờ. Các cuộc thăm dò dư luận những năm gần đây cho thấy công chúng Mỹ ngày càng có quan điểm ủng hộ nhập cư.
Chỉ vài giờ sau tuyên bố giữ nguyên mức trần tiếp nhận người tị nạn, Nhà Trắng phải rút lại quyết định ban đầu. Chính quyền Biden thông báo sẽ nâng mức trần tiếp nhận người tị nạn từ tháng 5.
Dù vậy, Nhà Trắng không nói rõ con số này được tăng lên bao nhiêu. Thư ký báo chí Psaki cho biết khó có thể hoàn thành mục tiêu 62.500 người như cam kết ban đầu của ông Biden.
Tới nay, ông Biden vẫn bỏ ngỏ các lựa chon, có lẽ để đề phòng trường hợp công chúng Mỹ thay đổi lập trường về nhập cư.