Kế hoạch dài 10 trang do Pháp, Đức và Hà Lan dẫn đầu đặt ra định hướng củng cố quan hệ với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, ba trong bốn thành viên của sáng kiến an ninh Bộ Tứ, Reuters đưa tin.
"Khối cho rằng EU cần củng cố trọng tâm chiến lược, hiện diện và hành động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dựa trên thúc đẩy dân chủ, nguyên tắc thượng tôn pháp luật, quyền con người và luật pháp quốc tế", ngoại trưởng các nước EU tuyên bố.
Một quan chức ngoại giao EU mô tả kế hoạch chiến lược mới là "xoay trục", theo Politico.
Sau kế hoạch này, EU sẽ xây dựng chiến lược hành động chi tiết hơn, dự kiến hoàn thành trong tháng 9. Ngoại trưởng các nước EU khẳng định sẽ tìm kiếm hợp tác với "các đối tác cùng chí hướng" nhằm duy trì các nguyên tắc cơ bản ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tàu khu trục FNS Vendemiaire của Pháp tham gia tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông cùng tàu khu trục USS Michael Murphy của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Giới chức ngoại giao EU cho biết các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương muốn khối đóng vai trò tích cực ở khu vực nhằm duy trì môi trường thương mại mở, giảm nguy cơ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.
"EU sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác và hiệp đồng với các nước có chung chí hướng, cũng như các tổ chức có liên quan, trong vấn đề an ninh quốc phòng, bao gồm phản ứng trước các thách thức đối với an ninh quốc tế, trong đó có an ninh hàng hải", tuyên bố của EU cho biết.
Kế hoạch công bố ngày 19/4 đồng nghĩa EU có thể sẽ mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực, thông qua các hoạt động của tàu chiến ở Biển Đông, hoặc xây dựng lực lượng tuần tra cùng các đối tác.
Dù không đề cập chi tiết tới Trung Quốc, ngôn ngữ trong tuyên bố của EU thể hiện sự ủng hộ của khối này dành cho chính sách của Washington xây dựng liên minh quốc tế nhằm kiểm tỏa Bắc Kinh.