Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trung Quốc 'vung tiền' tranh giành ảnh hưởng với Mỹ

Thông qua những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hợp đồng kinh tế có vẻ hấp dẫn, Trung Quốc đang âm thầm xâm nhập, mở rộng ảnh hưởng tại nhiều nước châu Âu.

Trung Quoc mo rong anh huong anh 1

Cuộc so găng tranh giành ảnh hưởng toàn cầu giữa Washington và Bắc Kinh đã lan tới những vùng công nghiệp ít tên tuổi ở châu Âu. Tại đây, Trung Quốc đang âm thầm xâm nhập, thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng do nước này tài trợ cũng như những dự án hợp tác kinh tế béo bở, theo Wall Street Journal.

Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ, trở thành bạn hàng thương mại lớn nhất của châu Âu từ năm 2020, trong bối cảnh lục địa già thèm khát nguồn cung thiết bị y tế từ quốc gia Đông Á.

Hàng hóa từ châu Á đổ tới châu Âu thông qua một hành lang kinh tế mới, gồm những tuyến đường sắt, sân bay, bến cảng do Trung Quốc đầu tư xây dựng - một phần trong sáng kiến Vành đai, Con đường của Bắc Kinh.

Chiến lược xâm nhập châu Âu

Các quan chức phương Tây từ lâu cáo buộc Bắc Kinh sử dụng sáng kiến Vành đai, Con đường để "lừa" những nước đang phát triển vào bẫy nợ của mình. Chính phủ Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc như vậy.

Đại dịch Covid-19 ập đến, khiến Vành đai, Con đường không còn được quá quan tâm. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ sáng kiến này, đặc biệt khi nền kinh tế Trung Quốc đã hồi phục.

Ở châu Âu, Trung Quốc điều chỉnh cách tiếp cận của mình để tránh sự chú ý của các chính phủ trung ương. Nước này âm thầm hợp tác với chính quyền địa phương cũng như thông qua giới doanh nghiệp.

Trung Quoc mo rong anh huong anh 2

Container hàng hóa tại cảng thành phố Duisburg của Đức. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc rót tiền xây dựng nhiều tuyến đường sắt cao tốc, trong khi các công ty lớn như Alibaba đem tới những hợp đồng làm ăn béo bở.

Chiến lược này giúp Bắc Kinh lôi kéo được ngay cả những nước giàu ở châu Âu. Những liên kết kinh tế như vậy khiến một số quốc gia châu Âu ngần ngại khi được Washington yêu cầu tham gia liên minh chống lại Trung Quốc.

Số lượt tàu chở hàng di chuyển giữa Trung Quốc và châu Âu trong năm ngoái vượt 12.400 chuyến, cao hơn 50% so với 2019. Nếu so với 2016, con số này tăng gấp 7 lần.

Theo ước tính của World Bank, hệ thống cơ sở hạ tầng của Vành đai, Con đường có thể giúp giá trị thương mại của những quốc gia nằm trên tuyến đường này tăng 10%.

Bắc Kinh tuyên truyền rằng Liege của Bỉ và Duisburg của Đức là hai thành phố nằm trong hệ thống sáng kiến Vành đai, Con đường. Trong khi đó, chính phủ Đức và Bỉ chưa bao giờ ký kết bất cứ văn kiện nào liên quan tới sáng kiến này.

"Trong những lĩnh vực như cơ sở hạ tầng hay chuỗi cung ứng, truyền thông và chính giới ít quan tâm hơn, và sự cần thiết hội nhập kinh tế là điều dễ được cảm thông", Bruno Macaes, cựu bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Bồ Đào Nha, cho biết.

Quan hệ chính trị giữa châu Âu với Trung Quốc trở nên căng thẳng trong vài tháng gần đây, bất chấp hai bên đạt được một thỏa thuận đầu tư sâu rộng hồi tháng 12/2020.

Dù nhiều nhà sản xuất châu Âu phụ thuộc nặng nề vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc, đặc biệt về ôtô và hàng xa xỉ, EU ngày càng báo động trước thực tế Trung Quốc đang vươn lên chiếm lĩnh thị phần trong những ngành chế tạo và kỹ thuật công nghệ cao.

Thế nhưng, về cơ sở hạ tầng, châu Âu đặc biệt chào đón sự hiện diện cùng những khoản đầu tư của Trung Quốc, ông Macaes nói.

Các tập đoàn tàu biển Trung Quốc sở hữu hoặc có cổ phần tại hàng chục cảng biển tại châu Âu, từ Antwerp (Bỉ), Rotterdam (Hà Lan), Valencia (Tây Ban Nha) cho tới Marseille (Pháp).

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo đối tác châu Âu trước sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Nhưng Washington chưa mang lại một lựa chọn thay thế khả dĩ.

Đến nay, Mỹ mới chỉ khởi động một dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu cùng Nhật Bản và Australia, nhưng quy mô giới hạn hơn nhiều.

Châu Âu hưởng lợi như thế nào?

Duisburg, một trung tâm sản xuất thép ở phía tây của Đức, đón hơn 1/3 các chuyến tàu hàng từ Trung Quốc đến châu Âu. Thương mại với đối tác Trung Quốc cũng tăng 70% trong năm qua.

Một quan chức ở Duisburg nói rằng tập đoàn vận tải Cosco Shipping Holding của Trung Quốc đang đầu tư xây dựng một nhà ga mới, có thể giúp tăng 40% lượt tàu hàng từ Trung Quốc tới thành phố này, lên mức 100 chuyến/tuần.

"Với Duisburg, đó là món quà từ thiên đường", giáo sư Markus Taube từ Đại học Duisburg-Essen đánh giá.

"Chúng tôi đang vận hành tối đa khả năng của các tuyến đường sắt trong mức cho phép", một người phát ngôn tập đoàn quản lý đường sắt Deutsche Bahn AG cho biết. Deutsche Bahn AG vận hành những đoàn tàu giữa 17 nước châu Âu với Trung Quốc, đi qua Ba Lan, Belarus và Kazakhstan.

Trung Quoc mo rong anh huong anh 3

Tàu hàng từ Trung Quốc tới thành phố Liege của Bỉ. Ảnh: Zuma.

Một số nghiên cứu chỉ ra số lượt tàu hỏa di chuyển giữa châu Âu và Trung Quốc có thể lên đến hàng trăm nghìn chuyến mỗi năm vào thập niên 2030.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc tạo ra 23.000 việc làm cho bang North Rhine Westphalia của Đức, nơi có thành phố Duisburg cũng như vùng công nghiệp Ruhr trứ danh.

Ở chiều ngược lại, hơn 1.000 doanh nghiệp tại North Rhine Westphalia đã đầu tư sang Trung Quốc.

Trong khi đó, thành phố Liege của Bỉ cũng hưởng lợi nhờ làm ăn với Trung Quốc.

Hai năm qua, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không tới Liege đã tăng 50%, sau khi gã khổng lồ Alibaba chọn thành phố này làm nơi đặt chi nhánh chính ở châu Âu.

"Hồi năm 2020, cứ sau mỗi tháng là chúng tôi lại lập kỷ lục mới. Và giờ là năm 2021, chúng tôi đạt mức tăng trưởng 20% mỗi năm", Steven Verhasselt, người đứng đầu bộ phận thương mại của sân bay thành phố Liege, cho biết.

Nhờ sự trợ giúp của quan chức Bỉ, sân bay thành phố đã được kết nối với một nhà ga ở địa phương, tạo ra một khu vực hải quan thống nhất.

Mỗi tuần, 6 chuyến tàu chở hàng kết nối Trung Quốc và Liege, tạo ra dịch vụ thương mại điện tử đầu tiên kết nối vùng đồng bằng sông Trường Giang, Trung Á với châu Âu.

Theo kỳ vọng của ông Verhasselt, sau khi Alibaba hoàn tất xây dựng trụ sở tại Liege, cùng sự tham gia của các công ty Trung Quốc khác, khối lượng hàng hóa trung chuyển tại thành phố này có thể tăng gấp đôi.

Điều này được kỳ vọng giúp sân bay thành phố cạnh tranh với các sân bay Charles de Gaulle (Pháp) hay Frankfurt (Đức).

Hai năm qua, hoạt động của sân bay đã tạo ra thêm hơn 1.000 việc làm tại một khu vực vốn có tỷ lệ thất nghiệp cao.

Trong khi đó, dịch vụ bưu điện cùng các doanh nghiệp địa phương cũng trở thành khách hàng quen thuộc của dự án đường sắt do Trung Quốc đầu tư phát triển.

Các chuyến bay, tàu hàng từ Liege trở về Trung Quốc chứa đầy ắp các sản phẩm của châu Âu, từ sữa bột, đồ da, cá hồi cho tới phô mai. Trong quá khứ, những chuyến bay từ châu Âu về Trung Quốc có tỷ lệ bỏ trống đến 80%.

Chọn Mỹ hay Trung Quốc?

Tàu cao tốc mang lại lợi thế quan trọng cho các nhà sản xuất Trung Quốc khi cạnh tranh tại châu Âu.

Các doanh nghiệp Italy cho biết họ đang bị hất cẳng khỏi chuỗi cung ứng công nghiệp tại Đức bởi người Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc có thể vận chuyển các sản phẩm công nghiệp vừa nhanh, vừa rẻ xâm nhập trái tim của châu Âu.

Xuất khẩu từ Trung Quốc sang EU tăng 63% trong tháng 1 và 2 so với năm 2020, trong khi xuất khẩu từ EU sang Trung Quốc tăng 33%.

Nhưng bất chấp lợi ích kinh tế hiển hiện, căng thẳng vẫn luôn tồn tại.

Quan chức Mỹ mới đây cảnh báo nhà chức trách Đức về nguy cơ phía sau hoạt động kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Duisburg.

Trung Quoc mo rong anh huong anh 4

Cảng Piraeus tại Hy Lạp do tập đoàn Cosco của Trung Quốc kiểm soát. Ảnh: Xinhua.

Trong khi đó, ở Bồ Đào Nha, các công ty Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một cảng container. Đại sứ Mỹ cảnh báo Bồ Đào Nha phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh.

Ở Hy Lạp, Trung Quốc đầu tư lớn vào Piraeus, biến thành phố có thời từng hoang vu nay trở thành một trong 4 cảng thương mại sầm uất nhất châu Âu chỉ sau một thập kỷ.

Tập đoàn Cosco của Trung Quốc, hiện kiểm soát cảng này, đã đề xuất kế hoạch xây nhà ga hàng hóa thứ 4 tại cảng Piraeus, hứa hẹn giúp tăng gấp đôi khối lượng hàng hóa vận chuyển.

Hy Lạp hiện vẫn chưa phê duyệt đề xuất của Cosco. Nhà chức trách nước này phàn nàn lợi ích từ cảng Piraeus chủ yếu rơi vào túi công ty Trung Quốc.

Nhưng sau khi Cosco cam kết sẽ xây một khu vui chơi cho trẻ em ở địa phương, thị trưởng Piraeus, ông Ioannis Moralis, đã đổi giọng và chuyển sang ủng hộ dự án mở rộng bến cảng.

Tình báo Mỹ tái khẳng định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất

Báo cáo mới công bố của tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục các hoạt động gián điệp, tấn công mạng và tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu.

Mỹ ấn định ngày xem xét dự luật đối phó Trung Quốc

Dự luật Cạnh tranh chiến lược 2021, xoay quanh các biện pháp đối phó và trừng phạt Trung Quốc, sẽ được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ xem xét trong ngày 21/4.

Mỹ đảo ngược chính sách thời ông Trump, đưa thêm quân đến châu Âu

Kế hoạch đưa thêm quân tới châu Âu được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin công bố trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại biên giới giữa Nga và Ukraine.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm