Tập đoàn Lộc Trời đã trả hết 245 tỷ đồng tiền nợ mua lúa của hơn 900 nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang trong vụ Đông Xuân 2023-2024. Ảnh: LTG. |
Liên quan đến việc CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) nợ tiền mua lúa của hơn 900 nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang, theo báo cáo mới nhất, Lộc Trời đã phối hợp với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu.
Trước đó, báo cáo hồi đầu tháng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết Tập đoàn Lộc Trời nợ 245 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2023-2024.
Theo doanh nghiệp, từ đầu vụ đã triển khai ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và đầu tư vật tư và dịch vụ nông nghiệp (không tính lãi suất) trên diện tích canh tác hơn 50.000 ha tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến giữa tháng 4, Lộc Trời đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng. Chỉ riêng tại An Giang, sản lượng thu mua trên 120.000 tấn lúa, trị giá đạt gần 1.000 tỷ đồng. Tổng số tiền đã trả cho nông dân lên tới trên 2.000 tỷ đồng.
"Do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng, dù đã chủ động thu xếp dòng tiền với các đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa nhưng vẫn có khoảng lệch về thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến bà con nông dân", doanh nghiệp thừa nhận.
Theo Lộc Trời, việc tăng trưởng nhanh trong doanh thu đi kèm với yếu tố bất lợi của ngành hàng lúa gạo như biên độ lợi nhuận rất thấp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất khả kháng là nguyên nhân khiến gia tăng các khoản phải thu, nợ ngắn hạn.
Đồng thời đã tạo ra sự mất cân bằng trong cán cân tài chính, gây nên sự cố về dòng tiền của doanh nghiệp trong thời điểm vừa qua.
Do đó, Lộc Trời đã thực hiện việc tái cấu trúc tài chính, cân đối giữa các nguồn vốn, dòng vốn nhằm ổn định và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cũng cho biết đang hoàn tất những bước cuối cùng trong thỏa thuận vay trị giá 90 triệu USD (tương đương 2.200 tỷ đồng) với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO).
Tính đến ngày 25/4, doanh nghiệp đã xuất gần 88.000 tấn, trị giá trên 57 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) và đang có kế hoạch giao tiếp gần 70.000 tấn trong tháng 5 và tháng 6.
Về hoạt động kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm nay, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh 57% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng hơn 65%, chiếm hơn 3.600 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt 245 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng hơn 28%, với phần lớn là chi phí lãi vay cùng khoản lỗ tỷ giá hối đoái đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn. Kết quả, Lộc Trời lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng so với khoản lỗ 81 tỷ ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản Lộc Trời đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 78% về còn hơn 105 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 43%, đạt hơn 2.800 tỷ đồng.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.