“Xe trong sân bay báo giá 80.000 đồng, ra tới cổng thì liên tục nghe mời chào, xe thì 40.000 đồng, xe thì 50.000 đồng. Đến khi đặt xe trên app thì chỉ có 35.000 đồng. Tôi chẳng biết đâu mà lần”, chị Ngọc Linh (34 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) kể về trải nghiệm đón xe ôm tại sân bay Tân Sơn Nhất trưa 31/12, sau khi đáp chuyến bay từ Hà Nội.
Không riêng nữ hành khách, nhiều người muốn đón xe ôm tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng bối rối giữa "ma trận giá", xe ôm thật - giả.
Bát nháo xe ôm
Loay hoay hơn 20 phút từ khi bước ra khỏi ga đến quốc nội, chị Ngọc Linh vẫn chưa tìm được phương án di chuyển về đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. Trong khi đó, với quãng đường từ sân bay về nhà, chị cũng chỉ mất chừng ấy thời gian nếu tự chạy xe máy.
Khi hỏi giá tại quầy xe ôm trong sân bay, chị Linh được thông báo giá cước 80.000 đồng cho quãng đường hơn 6 km. Nhân viên nhà xe giải thích giá tại đây sẽ cao hơn so với mặt bằng chung do đơn vị phải chi trả phí bến bãi.
“Bù lại, khi đi xe này, chị không phải xách hành lý ra ngoài cổng. Nhà xe cũng đảm bảo an toàn trong suốt hành trình cho hành khách. Khi có vấn đề, khách hàng có thể gọi về đường dây nóng để phản ánh và được hỗ trợ”, nữ nhân viên nhà xe chia sẻ.
Khu vực xe ôm trong sân bay Tân Sơn Nhất vắng khách chiều 31/12. Ảnh: Anh Nhàn. |
Có thông tin rõ ràng, được hỗ trợ đón xe tại chỗ nhưng nữ hành khách vẫn từ chối lời mời trên. Vào giờ cao điểm, hàng chục tài xế vẫn ngồi đợi có cuốc xe.
Tôi đợi trong nhà xe ga quốc nội, tài xế thì đứng ngoài đường Trường Sơn.
Chị Ngọc Linh
Tuy vậy, khi quyết định đặt xe công nghệ với giá rẻ hơn một nửa, chị Linh lại gặp trải nghiệm “dở khóc, dở cười” trong lần đầu thử đón xe ôm tại sân bay.
“Tôi đợi trong nhà xe ga quốc nội, tài xế thì đứng ngoài đường Trường Sơn. Anh này gọi liên tục, tôi mới biết mình phải đi bộ hơn 300 m mới tới chỗ đón, chưa kể phải băng qua làn ôtô ra vào liên tục”, chị Linh cười trừ.
Theo ghi nhận trong 2 ngày 30-31/12, trước sân bay Tân Sơn Nhất, hàng chục tài xế mặc đồng phục của một hãng xe ôm công nghệ đứng đợi khách. Mỗi khi có người đi ngang, họ đều đon đả mời chào. Cùng một khoảng cách di chuyển, các tài xế thường lấy giá cao hơn 10.000-15.000 đồng so với giá xe công nghệ.
“Em kiểm tra giá trên ứng dụng rồi trả thêm ít tiền cà phê thì anh chở ngay, đỡ phải đợi. Xe anh ngay đây, đồng ý thì lên xe đi luôn”, một tài xế mời chào phóng viên.
Khi được hỏi có đang làm việc cho ứng dụng xe công nghệ hay không, nam tài xế này từ chối trả lời và liên tục nhấn mạnh đi xe này sẽ không phải chờ đợi.
Hàng dài tài xế, người dân dừng đỗ chờ người thân tại làn đường di chuyển của xe máy tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Anh Nhàn. |
Tại làn đường di chuyển của xe máy vào sân bay, hành khách bắt gặp hình ảnh hàng dài tài xế xếp hàng. Người chạy xe, người dừng đỗ, người kéo vali tạo ra cảnh lộn xộn ngay lối vào sân bay, dù lực lượng chức năng liên tục điều phối.
Ngoài khu vực sân bay, nhiều tài xế hẹn đón khách ở dọc đường Trường Sơn, đậu xe ở lòng lề đường, bất chấp có biển cấm. Hành khách đã đặt chuyến cũng bất đắc dĩ băng qua dòng xe cộ đông đúc để lên xe. Thỉnh thoảng, có người đang đi bỗng giật mình bởi tiếng còi đinh tai.
"Biết đón xe ôm vất vả thế này, tôi đã đi taxi. Tôi không hiểu vì sao đón xe ôm lại phức tạp như thế", chị Linh thắc mắc.
Tài xế cũng sợ
Không riêng hành khách, các tài xế cũng không mặn mà với việc nhận khách ở sân bay. Chạy xe quanh quận Tân Bình, Phú Nhuận, anh Hoàng Sơn (42 tuổi), tài xế một ứng dụng xe công nghệ tỏ ra e dè bởi ngoài việc phải đợi khách lâu, mất công liên lạc, hướng dẫn khách tới điểm đón, anh còn lo ngại sự phức tạp trước tình trạng an ninh quanh sân bay.
Ngay cả cánh tài xế như tôi cũng sợ, không cẩn thận là bị đe dọa.
Anh Hoàng Sơn
“Nhiều người mặc đồng phục xe công nghệ, nhưng thực chất là ‘xe dù’. Ngay cả cánh tài xế như tôi cũng sợ, không cẩn thận là bị đe dọa”, anh Sơn thở dài.
Lái taxi, anh Thanh Vũ (26 tuổi) nhiều phen khiếp đảm khi chứng kiến cảnh đi lại lộn xộn của hành khách đón xe ôm.
"Mỗi khi barie trạm thu phí mở lên, tôi phải quan sát kỹ, đi chậm vì sợ người dân băng qua đường đột ngột, đặc biệt là vào buổi tối hoặc lúc trời mưa", anh Vũ nói và cho rằng tài xế ôtô nên chú ý vì chỉ cần lơ là một vài giây rất có thể xảy ra tai nạn.
Tài xế phải hỗ trợ hành khách băng qua đường để đi xe. Ảnh: Anh Nhàn. |
Trước tình trạng trên, Công an Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cảnh báo khu vực trước cổng sân bay thường xuyên có các đối tượng giả làm tài xế công nghệ. Những người này không đưa đón khách bằng ứng dụng qua điện thoại mà mời chào, chèo kéo khách vãng lai hoặc tự tải ứng dụng giả để nâng giá cao hơn bình thường, lừa gạt khách hàng.
Công an khuyến cáo người dân không sử dụng dịch vụ của các đối tượng này. Người dân khi sử dụng dịch vụ xe ôm nên kiểm tra kỹ giá cước và tuyến đường cần đi. Lực lượng chức năng cũng đề nghị tài xế xe ôm không dừng, đỗ xe ở lòng lề đường, nên gửi xe đúng nơi quy định để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.