Trưa 30/12, vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội đến TP.HCM, Chu Linh (24 tuổi) lỉnh kỉnh đồ đạc, đứng đợi xe công nghệ tại làn đường D1 của sân bay Tân Sơn Nhất.
Cô muốn đặt chuyến về đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), cách sân bay 5,2 km. Ngay sau khi nhận chuyến xe của Linh, tài xế liền gọi lại cho cô cùng lời nhắn "mong được thông cảm vì thời gian ôtô xếp hàng vào sân bay quá lâu".
"Tôi đặt xe lúc 9h, chưa phải thời gian cao điểm đi lại nhưng cũng phải chờ gần 25 phút thì tài xế mới đến nơi. Thời gian đợi xe còn lâu hơn di chuyển về nhà", cô gái ngao ngán.
Theo ghi nhận của Zing, nhiều hành khách đều chung tình cảnh với Chu Linh khi phải chờ đợi 30-40 phút ở làn đón xe công nghệ ở ga quốc nội. Đặc biệt trong dịp cao điểm đi lại trong Tết Dương lịch, điều này không chỉ gây khó cho hành khách, còn khiến trật tự giao thông trong khu vực bị ảnh hưởng.
Bị hủy chuyến
Chu Linh cho biết đây không phải là lần đầu cô gặp khó khăn khi bắt ôtô tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bởi thời gian đợi xe công nghệ thường khá lâu do các tài xế phải xếp hàng vào làn D1/D2. Nếu muốn nhanh hơn, cô có thể đổi sang taxi, nhưng đi bằng phương tiện này giá đắt hơn, cũng thường bị khách khác tranh mất chỗ.
Thời gian đợi xe còn lâu hơn di chuyển về nhà.
Chu Linh (24 tuổi, quận Phú Nhuận)
Nhà gần sân bay, song mỗi lần Linh đặt chuyến đều rất khó khăn do tài xế thường hủy chuyến. Theo lý giải của các tài xế, thời gian ôtô chờ vào làn xe công nghệ khá lâu, giá cước mỗi chuyến đi về khu vực quanh sân bay không quá cao, chỉ vừa đủ chi phí xăng xe nên họ ngại nhận.
Linh so sánh nếu lựa chọn xe công nghệ, cô mất khoảng 100.000 đồng cho mỗi chuyến, gồm cả 25.000 đồng phí ôtô vào làn công nghệ và phí ra ngoài. Trong khi đó, nếu đi bằng taxi truyền thống, cô mất khoảng 140.000 đồng, gồm 10.000 đồng phí ra ngoài.
Người dân chờ ôtô tại làn đón xe công nghệ của sân bay Tân Sơn Nhất trong trưa 30/12. Ảnh: Anh Nhàn. |
Tương tự, nam hành khách tên Nguyễn Huy (31 tuổi) cũng gặp khó khi bắt xe về quận Bình Tân, cách sân bay khoảng 10 km. Mỗi lần bắt xe công nghệ ở Tân Sơn Nhất, anh Huy phải nhắn riêng hỗ trợ thêm chi phí để tài xế nhận cuốc.
"Tôi hạn chế đặt những chuyến đêm mặc dù phù hợp lịch trình công việc. Bởi đặt xe công nghệ lẫn taxi vào thời điểm này đều rất khó, chưa kể còn chi phí đắt. Tôi thường nhờ người thân ra sân bay đón nếu phải bay lịch trình này", anh Huy nói.
Sau nhiều lần đi xe, anh Huy được các tài xế chỉ một mẹo bắt ôtô nhanh là di chuyển sang ga quốc tế. Bởi tình hình đón khách ở ga quốc tế thường "dễ thở" hơn so với ga quốc nội. Theo ghi nhận của phóng viên, việc đón xe ở ga quốc tế cùng thời điểm cũng nhanh chóng hơn, nhiều xe sẵn sàng đón khách ngay.
Tài xế ngại nhận chuyến
Trưa cùng ngày, nhận cuốc xe chỉ cách ga quốc nội khoảng 10 phút chạy xe, nhưng anh Nguyễn Minh Cường (tài xế một hãng xe công nghệ) phải mất hơn 30 phút mới có thể đón khách.
Chạy một cuốc xe dưới 5 km có khi chỉ lời 20.000 đồng, mà phải chờ lâu nên tôi thường hủy chuyến.
Tài xế Nguyễn Minh Cường
Không phải tắc đường, lý do mà tài xế này gặp phải là chờ đến 20 phút mới có thể vào làn D1 đón khách. Nam tài xế cho biết việc một hành khách chờ đợi 30-40 phút ở làn đón xe công nghệ đã trở thành chuyện thường ngày. Thậm chí, những ngày cao điểm hay lúc trời mưa to, hành khách phải mất hơn một giờ mới có thể lên xe công nghệ rời sân bay.
Do việc di chuyển vào sân bay mất nhiều thời gian, các tài xế không mấy mặn mà với việc đưa/đón khách từ Tân Sơn Nhất tới những khu vực có bán kính dưới 8-10 km, vì việc này không đem lại nhiều lợi nhuận. Trong khi nhận chuyến xa sân bay, tài xế nhận chi phí cao hơn, trong khi thời gian đợi như nhau. Bên cạnh đó, các cửa ngõ vào sân bay thường ùn tắc vào giờ cao điểm, nam tài xế phải nhích từng chút một trong sự sốt ruột của bản thân lẫn khách hàng.
“Khách thường xuyên phàn nàn chờ đợi lâu, nhưng tôi cũng đâu khác gì họ. Chạy một cuốc xe dưới 5 km có khi chỉ lời 20.000 đồng, mà phải chờ lâu nên tôi thường hủy chuyến”, anh Cường trần tình lý do từ chối khách.
Dự kiến trong ngày 30/12, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 112.000 lượt khách, trong đó có hơn 57.000 khách đi và hơn 55.000 khách đến. Ảnh: Duy Hiệu. |
Còn nam tài xế Văn Thanh, mỗi khi nhận cuốc có giá dưới 80.000 đồng thường gợi ý khách di chuyển qua ga quốc tế đón xe để tiết kiệm thời gian.
Tuy vậy, không phải hành khách nào cũng đồng ý vì phải đi bộ quãng đường xa, họ chấp nhận bỏ tiền cao gấp rưỡi để đón taxi. Một số hành khách khách hủy chuyến vì chờ 30 phút xe vẫn chưa tới đón, nhưng khi đặt lại chuyến xe khác phải chờ tới 1 giờ đồng hồ.
"Hành khách mang ít hành lý chịu khó đi bộ qua ga quốc tế sẽ dễ đón xe hơn, nhất là lúc cao điểm hoặc thời tiết xấu", tài xế Thanh chia sẻ.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thống kê có khoảng 7.800 taxi các loại phục vụ hành khách tại Tân Sơn Nhất dịp cao điểm (hãng taxi Mai Linh có 900 xe, ước tính 2.100 lượt/ngày; hãng Vinasun có 1.600 xe, ước tính 3.000 lượt/ngày.)
Trong khi đó, với các hãng xe công nghệ thì Grab đứng đầu với 2.500 xe, dao động 3.800-4.500 lượt/ngày), Be có 800 xe. Ngoài ra, các loại xe hợp đồng như của Avi, Sasco, Sóng Việt… cũng đóng góp khoảng 1.250 phương tiện. Qua thống kê của cảng hàng không, có khoảng 15% lượng khách khi đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sử dụng taxi để di chuyển về nhà.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Nam Tiến, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết sân bay dự kiến phục vụ hơn 112.000 lượt khách, trong đó có hơn 57.000 khách đi và hơn 55.000 khách đến. Riêng tổng lượng khách qua ga quốc tế đạt gần 38.000 lượt, tăng hơn 4.000 lượt khách so với hôm 29/12 và tăng cao nhất so với thời gian sau dịch, bình quân 6.000-12.000 lượt.
Sơ đồ các khu vực dành cho phương tiện giao thông phục vụ hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Google Maps. |
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, mang nhiều câu chuyện xâu chuỗi về mảnh đất Sài Gòn ngày tháng cũ, giúp ta giải mã một số giá trị thuộc về và làm nên căn tính của một thành phố, tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.