Tại kỳ World Cup đầu tiên tổ chức ở Trung Đông, Morocco là niềm hy vọng cuối cùng của thế giới Arab, theo AP.
Khu vực vốn nhiều rạn nứt này đang tập trung vào kỳ tích của Morocco, khi họ là đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào bán kết một kỳ World Cup. Chiến thắng này được coi là thắng lợi chung của thế giới Arab và “lục địa đen”.
Trước đó, một làn sóng ăn mừng khác cũng diễn ra sau chiến thắng của Saudi Arabia trước Argentina - đội từng 2 lần vô địch World Cup. Người Arab cũng ủng hộ việc Qatar tổ chức World Cup.
David Mednicoff - Trưởng khoa Nghiên cứu Do Thái và Cận Đông, phó giáo sư Nghiên cứu Trung Đông và Chính sách Công tại Đại học UMass Amherst, Mỹ. Ảnh: UMass Amherst. |
“Trong ngắn hạn, World Cup là dịp quan trọng giúp công dân các quốc gia Arab xích lại gần nhau. Bóng đá phổ biến khắp Trung Đông và chúng ta đang chứng kiến người Arab trong khu vực cổ vũ cho nhau”, David Mednicoff - Trưởng khoa Nghiên cứu Do Thái và Cận Đông, phó giáo sư Nghiên cứu Trung Đông và Chính sách Công tại Đại học UMass Amherst, Mỹ - chia sẻ với Zing.
Đồng nhận định, giáo sư Kristian Coates Ulrichsen - học giả về Trung Đông tại Viện Baker thuộc Đại học Rice, Mỹ - cho rằng World Cup 2022 là minh chứng rõ nét cho thấy bóng đá là niềm đam mê chung, đoàn kết thay vì chia rẽ mọi người.
“Cảnh người dân của một quốc gia Arab ủng hộ các đội Arab khác cho thấy tinh thần chủ nghĩa liên Arab vẫn còn rất sống động. Với tất cả rạn nứt chính trị ở Trung Đông, World Cup ở Qatar như lời nhắc nhở rằng ở cấp độ nhân dân, những lợi ích và niềm đam mê chung là liều thuốc giải mạnh mẽ cho căng thẳng chính trị”, ông chia sẻ.
Cơ hội hàn gắn
Theo tiến sĩ Mahfoud Amara, World Cup là cơ hội để nối lại quan hệ hữu nghị giữa nước chủ nhà Qatar với Saudi Arabia và một phần nào đó với các quốc gia vùng Vịnh.
“Sự hàn gắn diễn ra trước cả World Cup, khi các nước hợp tác trong khâu hậu cần, điều tiết người hâm mộ tham dự các trận đấu và những người muốn trải nghiệm các quốc gia hoặc thành phố lân cận (như Dubai, Abu Dhabi hay Saudi Arabia)”, ông nói.
Tiến sĩ Mahfoud Amara, phó giáo sư Khoa học Xã hội & Quản lý Thể thao, Đại học Qatar. Ông là tác giả nhiều về quản lý thể thao trong ở các nước Hồi giáo và từng là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Olmypic, Đại học Loughborough (Anh). Ảnh: Linkedin. |
Qatar và các nước Trung Đông cũng hợp tác về an ninh, chẳng hạn Jordan điều động lực lượng cảnh sát hỗ trợ quản lý đám đông, hay Qatar và Saudi Arabia hợp tác chặt chẽ trong việc kiểm soát dòng người hâm mộ từ Saudi Arabia tới xem World Cup, đặc biệt là sau chiến thắng của nước này trước Argentina.
Tại lễ khai mạc World Cup, Thái tử Mohammed bin Salman cũng cho thấy dấu hiệu hàn gắn giữa Saudi Arabia và nước láng giềng. Ông đeo chiếc khăn quàng cổ màu hạt dẻ của Qatar trong trận đấu của nước chủ nhà với Ecuador. Đây là hành động ủng hộ tình anh em có thể khiến nhiều người sửng sốt, vì chỉ vài năm trước đây, Saudi Arabia dẫn đầu lần tẩy chay Qatar trong khu vực, theo Washington Post.
“Thái tử khó có thể tham gia một trong những sự kiện lớn nhất thế giới diễn ra ở vùng Vịnh mà không lộ diện. Do đó, (hai bên) có thể đã kịp đạt được thỏa thuận trước thời điểm tổ chức World Cup”, ông Simon Chadwick, giáo sư về thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh Skema (Pháp), nói với Zing.
“Điều quan trọng cần nhớ là mối quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia rất bền chặt, do đó, khi các quốc gia có quan hệ tốt, họ sẽ hỗ trợ chặt chẽ lẫn nhau. Ngoài ra, một số người suy đoán động thái của Thái tử MBS ở Qatar có thể là kết quả của việc giải quyết mâu thuẫn vùng Vịnh năm 2021”, ông cho biết thêm.
Vị giáo sư cũng nhận định Qatar cần chính phủ Riyadh chấm dứt xung đột, vì người hâm mộ nước này có tiềm năng trở thành huyết mạch của giải đấu.
Người hâm mộ tuyển Morocco ăn mừng ở Souq Waqif, Doha, Qatar, vào ngày 10/12. Ảnh: Reuters. |
Kỳ World Cup 2022 dường như là tâm điểm của thế giới Arab. Sự kiện này cũng cung cấp nền tảng cho sự đoàn kết chưa từng có trong khu vực, cho phép họ thể hiện các giá trị chung, tạo ra cơ hội kinh tế và cung cấp một phương tiện thể hiện bản sắc mới, tự tin hơn, ông Chadwick nhận định.
Theo vị giáo sư, Qatar đã thiết lập mạng lưới quan hệ riêng, với việc xích gần Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian bị các nước xung quanh kiềm tỏa.
Trong ngắn hạn, World Cup là dịp quan trọng giúp công dân các quốc gia Arab xích lại gần nhau.
David Mednicoff - Trưởng khoa Nghiên cứu Do Thái và Cận Đông, Đại học UMass Amherst, Mỹ
“(Giờ đây), Qatar có thể đóng vai trò trung gian giữa Saudi Arabia và hai quốc gia này, đặc biệt là mở ra một số không gian đối thoại với Iran. Ngoài ra, điều này cũng có thể áp dụng cho quan hệ Iran - UAE, đặc biệt khi xét đến thay đổi quyền lực thời hậu Trump, chiến sự Ukraine và căng thẳng gia tăng giữa châu Âu, Mỹ và Nga”, ông nói.
Đồng tình với quan điểm của giáo sư Chadwick, ông Ulrichsen cũng cho rằng “cảnh tượng thái tử Saudi Arabia quàng khăn Qatar và quốc vương Qatar cầm cờ Saudi Arabia mang tính biểu tượng mạnh mẽ, sau giai đoạn quan hệ hai nước gặp nhiều thách thức”.
“Những hình ảnh này chứng minh rằng ở cấp độ cao nhất, mối quan hệ chính trị giữa hai nước đã được hàn gắn và hiện đi theo hướng tích cực”, ông nhận định.
Vị chuyên gia cho biết thêm những dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia bền chặt trở lại gửi thông điệp mạnh mẽ tới thế giới Arab: Những vấn đề xảy ra với Qatar trong quá khứ và hiện tại được đặt sang một bên.
Tiến sĩ Kristian Coates Ulrichsen, nghiên cứu viên về khu vực Trung Đông tại Viện Baker. Ông tập trung nghiên cứu sự thay đổi của các quốc gia vùng Vịnh trong trật tự toàn cầu, cũng như sự xuất hiện của các thách thức phi quân sự, dài hạn đối với an ninh khu vực. Ảnh: Viện Baker. |
“Điều này cũng có khả năng đảm bảo các quốc gia đang trục trặc quan hệ với Qatar trong những năm gần đây sẽ theo bước Saudi Arabia, và củng cố quan hệ với Doha”, ông nói với Zing.
Trong khi đó, tiến sĩ Amara cho rằng sự đoàn kết quanh Qatar dần tăng khi nước này nhận những lời chỉ trích nhắm vào văn hóa Arab và Hồi giáo - điểm tương đồng với các quốc gia khác ở Trung Đông.
“Công chúng trong khu vực cảm thấy họ nhận lời chỉ trích quá mức so với các nước đăng cai World Cup trước đây, vì Qatar là quốc gia Arab và Hồi giáo đầu tiên đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh”, ông nói.
“Do đó, họ nhận được nhiều sự đồng cảm từ các quốc gia ở Trung Đông, thậm chí là ở Global South”, vị tiến sĩ nói thêm. Theo Cambridge, nhóm quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latin và khu vực đang phát triển của châu Á.
Xung đột không còn bị chính trị hóa
Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù bức tranh lớn trong quan hệ giữa các nước Trung Đông đang hài hòa, những khác biệt chính trị quy mô nhỏ hơn vẫn tồn tại. Gần đây nhất, Tod TV - nền tảng phát sóng trực tiếp tại Qatar, thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông beIN - bất ngờ bị cấm sóng tại Saudi Arabia chỉ một tiếng trước lễ khai mạc hôm 20/11.
Quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia bền chặt trở lại gửi thông điệp mạnh mẽ tới thế giới Arab: Những vấn đề xảy ra với Qatar trong quá khứ và hiện tại được đặt sang một bên
Giáo sư Kristian Coates Ulrichsen - học giả về Trung Đông tại Viện Baker thuộc Đại học Rice, Mỹ
“Việc Saudi Arabia chặn các dịch vụ phát sóng trực tuyến từ Qatar là lời nhắc nhở rằng các vấn đề kinh tế và thương mại vẫn là điểm xung đột tiềm ẩn, ngay cả khi họ gần như không chính trị hóa các vấn đề như vài năm trước”, giáo sư Ulrichsen nhận định.
Về phía phó giáo sư Mednicoff, ông dẫn chứng về quan hệ giữa Saudi Arabia - quốc gia duy trì vị trí dẫn đầu, lãnh đạo khu vực Trung Đông và thế giới Hồi giáo - và Qatar. Ông cho rằng căng thẳng giữa Saudi Arabia và Qatar sẽ không biến mất chỉ vì tình hữu nghị trong bóng đá.
“Hai nước đều khao khát ảnh hưởng khu vực và toàn cầu, nhưng mức độ quan tâm với Iran và các lực lượng chính trị Hồi giáo khác ở Trung Đông khác nhau”, ông nói.
Chuyên gia từ Đại học UMass Amherst lý giải Saudi Arabia coi chính phủ Iran và các nhóm hoạt động Hồi giáo trong thế giới Arab là thách thức lớn với các mục tiêu và bản sắc của nước này. Quan điểm này được UAE đồng tình, trong khi Qatar thì ít hơn.
Thái tử Saudi Arabia tại Qatar. Ảnh: Reuters. |
“Nỗ lực tác động đến quyền lực mềm của Qatar từ Saudi Arabia thông qua lần tẩy chay năm 2019 đã thất bại. Điều này buộc chính phủ Saudi Arabia phải chấp nhận cùng hợp tác với quốc gia láng giềng. Về phần mình, Qatar đã học được sẽ rất hữu ích nếu giảm bớt một chút mức can dự của nước này vào nền chính trị Arab để tránh xung đột trực tiếp”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Mednicoff cho rằng Qatar và Saudi Arabia vẫn giữ những khác biệt cơ bản trong chính sách khu vực.
Ông Simon Chadwick, giáo sư về Thể thao và Kinh tế Địa chính trị tại trường Kinh doanh Skema (Pháp). Ông là nhà nghiên cứu, học giả, nhà tư vấn và diễn giả với hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành thể thao toàn cầu. Ảnh: unofficialpartner.com. |
Vị chuyên gia nói Qatar tự định vị mình là trung gian hòa giải hợp tác với các nhóm có nhiều khác biệt, đặc biệt là ở Trung Đông, chẳng hạn Taliban hoặc Iran. Trong khi đó, Saudi Arabia xem mình là chính phủ Arab và Hồi giáo Sunni hàng đầu ở Trung Đông. Sự khác biệt về lợi ích giúp giải thích mâu thuẫn chính trị giữa Qatar và Saudi Arabia.
“Việc Saudi Arabia tự coi mình là quốc gia thống trị thế giới Arab có xu hướng đặt nước này vào thế đối đầu với các quốc gia theo đuổi mục tiêu khẳng định bản thân, trong đó có Qatar”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông Mednicoff cho rằng Qatar vẫn có quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực và những mối quan hệ này sẽ phát triển.
“Thách thức đối với Qatar - quốc gia thường ủng hộ các phong trào được công chúng Arab ưa chuộng - là làm thế nào để xử lý các mối liên kết ngày càng tăng của UAE, Israel và Saudi Arabia”, phó giáo sư nói, cho biết thêm Qatar chưa sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel trong khi người Palestine vẫn bị gây khó dễ.
“Tuy nhiên, hợp tác kinh tế, công nghệ và an ninh giữa Israel và các nước vùng Vịnh khác ngày càng có tầm quan trọng ở Trung Đông”, ông kết luận.
Quyền lực tối cao của hoàng tử 8X giàu nhất Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn MBS: The Rise to Power of Mohammed bin Salman của tác giả Ben Hubbard, người đứng đầu văn phòng Beirut của New York Times (NYT). Cuốn sách này nói về Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, khắc họa con đường ông vươn lên quyền lực tối cao và cuộc sống của giới giàu có Trung Đông.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.