Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters. |
Quyết định cho biết Syria có thể ngay lập tức tiếp tục tham gia các cuộc họp của Liên đoàn Arab, đồng thời kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng do nội chiến ở nước này, bao gồm cả việc người tị nạn chạy sang các nước láng giềng và buôn lậu ma túy trong khu vực, Reuters đưa tin.
Gamal Roshdy, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên đoàn Arab, cho biết quyết định được đưa ra tại một cuộc họp kín của các ngoại trưởng ở Cairo.
Trong khi nhiều quốc gia Arab như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã thúc đẩy việc hàn gắn với Syria và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, những quốc gia khác, bao gồm Qatar, vẫn phản đối việc bình thường hóa hoàn toàn mà không có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.
Một số quốc gia đã muốn đặt điều kiện cho sự trở lại của Syria. Vào tuần trước, ngoại trưởng Jordan khẳng định động thái tái chấp thuận Syria của Liên đoàn Arab sẽ chỉ là khởi đầu của "một quá trình rất dài, khó khăn và đầy thách thức".
Phiên khai mạc cuộc họp của các ngoại trưởng Arab để thảo luận về tình hình Sudan và Syria ngày 7/5. Ảnh: Reuters. |
Quyết định ngày 7/5 nhấn mạnh Jordan, Saudi Arabia, Iraq, Lebanon, Ai Cập và tổng thư ký Liên đoàn Arab sẽ thành lập một nhóm liên lạc cấp bộ trưởng để đàm phán với chính phủ Syria và tìm kiếm các giải pháp "từng bước" cho cuộc khủng hoảng này.
Tư cách thành viên Liên đoàn Arab của Syria đã bị đình chỉ vào năm 2011. Nhiều quốc gia Arab đã rút các phái viên của họ ra khỏi Damascus.
Tổng thống Assad đã bị nhiều quốc gia phương Tây và Arab tẩy chay vì đàn áp mạnh bạo các cuộc biểu tình bằng bạo lực, dẫn đến nội chiến kéo dài nhiều năm khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Gần đây, các quốc gia Arab cố gắng đạt được sự đồng thuận về việc có nên mời ông Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab vào ngày 19/5 tại Riyadh để thảo luận về tốc độ bình thường hóa quan hệ và những điều khoản để Syria được phép quay trở lại tổ chức.
Saudi Arabia từ lâu đã phản đối việc khôi phục quan hệ với chính quyền ông Assad. Tuy nhiên, sau khi nối lại quan hệ với Iran - đồng minh khu vực quan trọng của Syria, nước này tuyên bố cần có một cách tiếp cận mới với Damascus.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...