Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Toan tính của Saudi Arabia

Thông qua việc hỗ trợ sơ tán người dân của nhiều quốc gia khỏi Sudan và những nỗ lực ngoại giao khác, Saudi Arabia muốn tăng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.

xung dot Sudan anh 1

Khi những người Iran lên máy bay rời Saudi Arabia hôm 29/4, một quan chức quân sự hàng đầu của vương quốc thậm chí còn lên máy bay để chào tạm biệt họ một cách nồng nhiệt. Trước đó, họ đã được lực lượng Saudi Arabia sơ tán khỏi Sudan.

“(Đây là) đất nước của các vị. Các vị luôn được chào đón nồng nhiệt nhất nếu cần bất cứ điều gì ở Saudi Arabia. Iran và Saudi là anh em”, thiếu tướng Ahmed Al-Dabais nói khi nắm tay Đại biện lâm thời Iran tại Saudi Arabia Hassan Zarangar.

65 người Iran được quân đội Saudi Arabia sơ tán khỏi Sudan đã được chào đón tại thành phố Jeddah với những bông hoa. Những hình ảnh đó cũng được phát sóng trên truyền hình cả hai nước.

Theo ông Dabais, người Iran được chào đón thân thiện dựa theo "chỉ thị của giới lãnh đạo, từ nhà vua, từ thái tử".

CNN nhận định những hình ảnh như vậy là không thể tưởng tượng được khi chỉ vài tháng trước đó, Iran và Saudi Arabia là hai kẻ thù trong khu vực. Tuy nhiên, cả hai đã đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao sau gần 7 năm thù địch và hy vọng sớm mở lại đại sứ quán trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.

Saudi Arabia xoay trục

Saudi Arabia đang thực hiện sứ mệnh cải thiện hình ảnh toàn cầu và hàn gắn quan hệ với những kẻ thù cũ. Các nỗ lực ngoại giao kể trên là động thái mới nhất nhằm đặt Riyadh vào vai trò kiến tạo hòa bình.

Giới phân tích nhận định đây là động thái xoay trục khỏi chính sách đối ngoại mang tính đối đầu và can thiệp được Saudi Arabia áp dụng hơn một thập kỷ.

“Có một chính sách đối ngoại mới đang diễn ra ở đây. Saudi Arabia đang tìm cách khẳng định mình ngày càng nhiều hơn trên trường quốc tế thông qua hòa giải và nâng cao vị thế ngoại giao của mình”, Anna Jacobs, nhà phân tích cấp cao về vùng Vịnh tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói.

Theo bà, chính sách đối ngoại mới của Riyadh độc lập hơn và ưu tiên các lợi ích của nước này.

Nỗ lực ngoại giao mới nhất của Saudi Arabia diễn ra ở Sudan, nơi các lực lượng trung thành với hai vị tướng đối địch đang tranh giành quyền kiểm soát. Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong các cuộc giao tranh.

Trong các hình ảnh được phát sóng trên truyền thông Saudi Arabia, lực lượng nước này đang sơ tán hàng nghìn người từ cảng Sudan đến thành phố ven biển Jeddah, một hành trình kéo dài 12 giờ qua biển Đỏ.

Cho đến hôm 1/5, hơn 5.000 người, thuộc 100 quốc tịch, đã vượt qua biển Đỏ trên các tàu chiến hoặc tàu tư nhân do quân đội Saudi Arabia thuê. Cảng Sudan, do quân đội Sudan kiểm soát, trở thành nơi ẩn náu khỏi giao tranh ác liệt ở Khartoum.

“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để xoa dịu cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi đang dẫn đầu nỗ lực này, nhưng chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ và các đối tác khu vực, quốc tế”, Fahad Nazer, phát ngôn viên của Đại sứ quán Saudi Arabia tại Mỹ, tuyên bố.

Với sự giúp đỡ của Mỹ, Saudi Arabia tuần trước cũng làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn ngắn giữa chỉ huy quân đội Sudan Abdel Fattah Al-Burhan và người đứng đầu Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) Mohamed Hamdan Dagalo.

Nước này được cho là đang cùng Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Mỹ và Ai Cập nỗ lực làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn giữa hai chỉ huy.

Chính sách ngoại giao mới này diễn ra khi Saudi Arabia ưu tiên tăng trưởng kinh tế trong nước, và để nỗ lực này thành công đòi hỏi sự ổn định khu vực.

xung dot Sudan anh 2

Trung Quốc làm trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD này đang tìm cách rũ bỏ hình ảnh của một nhà sản xuất dầu bảo thủ, hiếu chiến, hướng tới thể hiện mình một thành viên trong nền kinh tế toàn cầu, trung tâm kinh doanh và du lịch quan trọng của khu vực.

Ngoài Iran, Riyadh đang hàn gắn quan hệ với lực lượng Houthis của Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Syria. Nước này đã đi đầu trong các nỗ lực nhằm đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad trở lại với cộng đồng Arab sau hơn một thập kỷ cắt đứt quan hệ với họ.

Thách thức về uy tín

Tháng trước, các nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas, nhóm chiến binh Palestine, được nhìn thấy thực hiện một cuộc hành hương Hồi giáo ở Mecca. Hai ngày sau, lãnh đạo chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại thành phố Jeddah gần đó.

Hamas và chính quyền Palestine đã bất hòa trong hơn một thập kỷ. Mối quan hệ của Saudi Arabia với Hamas cũng đã căng thẳng trong thập kỷ qua.

Những nỗ lực hòa giải của Riyadh cũng đã vượt ra ngoài Trung Đông. Chẳng hạn, vào năm ngoái, chính phủ nước này tuyên bố đã làm trung gian cho một cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine.

xung dot Sudan anh 3

Một người đàn ông được tặng hoa khi tới Saudi Arabia trên con tàu sơ tán. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Saudi Arabia trong việc cải thiện hình ảnh với tư cách là trung gian hòa giải có thể phải đối mặt với những thách thức về uy tín, do chính sách đối ngoại hiếu chiến kéo dài gần một thập kỷ và một số hình ảnh tiêu cực của họ trên báo chí.

Nước này đang cố gắng rút khỏi Yemen sau khi can thiệp vào cuộc nội chiến ở đây vào năm 2015. Trong cuộc xung đột đó, họ đã huy động một liên minh Arab bao gồm cả lực lượng RSF của Sudan.

Khi được hỏi liệu vương quốc có chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với cuộc xung đột ở Sudan do có mối liên hệ với RSF hay không, ông Nazer khẳng định họ “tham gia với tất cả bên liên quan ở Sudan” và Riyadh đang “cố gắng thúc đẩy một tiến trình chính trị và đối thoại toàn diện nhằm khôi phục hòa bình và ổn định cho Sudan”.

“Thành thật mà nói, chúng tôi không nhìn lại quá khứ”, ông tuyên bố.

Giới phân tích cho rằng bất chấp quá khứ gây tranh cãi, Saudi Arabia vẫn có thể có đủ ảnh hưởng để đưa các bên tranh chấp vào bàn đàm phán. Nhà sản xuất dầu này là nơi có các địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi và là một trong những quốc gia Arab giàu có nhất.

Riyadh đã sử dụng sự giàu có của họ để xây dựng cầu nối với một số kẻ thù cũ, đặc biệt là khi giá dầu tăng vọt trong thời gian ngắn sau xung đột Ukraine.

“Saudi Arabia không giả vờ là một nhà hòa giải công bằng, nhưng tiếng nói của họ có trọng lượng với nhiều bên trong khu vực”, chuyên gia Ali Shihabi, một nhà phân tích về Saudi Arabia, nhận định. Theo ông, nếu có thể, nước này muốn sử dụng ảnh hưởng đó để giảm căng thẳng.

Vấn đề Trung Đông - châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

'Tấm vé vàng' để thoát khỏi Sudan

Một số người Sudan cảm thấy mình may mắn hơn nhiều cá nhân khác, khi có thể lên tàu sơ tán của Saudi Arabia nhờ sinh ra ở quốc gia Trung Đông này và có giấy phép cư trú hợp pháp.

Ông Tập can thiệp trực tiếp cho thỏa thuận Iran - Saudi Arabia

Vụ trưởng Vụ Tây Á - Bắc Phi Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Đích cho biết đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thuyết phục Saudi Arabia và Iran cải thiện quan hệ.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm