Để chuẩn bị quốc tang cho Nữ hoàng Elizabeth II, nhiều cuộc họp đã diễn ra suốt nhiều năm qua giữa các cơ quan liên quan, từ chính phủ đến địa phương, tới các cơ quan quân sự và tôn giáo, cũng như đại diện của 14 quốc gia mà Nữ hoàng cai trị.
Vương quốc Anh sẽ treo cờ rủ trên khắp đất nước. Còn lá cờ của Hoàng gia Anh không bao giờ được hạ xuống vì quân vương không bao giờ chết.
Nhà vua Charles III
Thái tử Charles trở thành vua sau khi Nữ hoàng băng hà. Ông sẽ có vương hiệu là Quốc vương Charles III.
Nhập mô tả cho Vua Charles III phát biểu bên di ảnh của Nữ hoàng Anh Elizabeth II ngày 9/9. Ảnh: Reuters. |
Như vậy, ông sẽ là nguyên thủ quốc gia của Vương quốc Anh và 14 quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung khác, bao gồm Australia và Canada.
Ông cũng sẽ là Nguyên thủ của Khối Thịnh vượng chung gồm 56 thành viên. Việc ông nắm giữ vị trí này không phải do thừa kế, mà là đã được các nhà lãnh đạo Khối Thịnh vượng chung nhất trí tại London năm 2018.
Vua Charles III cũng trở thành Tổng Tư lệnh của Quân đội Anh, cơ quan tư pháp, dịch vụ dân sự và Thống đốc tối cao của Giáo hội Anh. Đồng thời ông sẽ là Fount of Honor, nghĩa là mọi danh hiệu (ví dụ như hiệp sĩ) giờ đây sẽ được trao nhân danh ông.
Tiến hành nghi lễ cổ
Một trong những thủ tục đầu tiên là Hội đồng Đăng cơ sẽ tổ chức một buổi lễ truyền thống tại Cung điện St James.
Phần đầu tiên, họ sẽ chính thức công bố sự ra đi của Nữ hoàng và tuyên bố người kế nhiệm ngai vàng. Đây là cuộc họp kín nhưng có sự tham dự của hàng trăm chức sắc và nhiều thành viên của Cơ mật viện.
Tại ban công cung điện, Garter King of Arms (một quan chức giữ cương vị Vua vũ khí Garter, Hiệu trưởng trường Đại học vũ khí Anh) sẽ đọc Bản Tuyên bố và tiếng đại bác sẽ vang lên khắp thủ đô. Các tuyên bố còn lại sẽ được công bố tại Royal Exchange trong khu tài chính và tại các thủ đô Edinburgh, Cardiff và Belfast. Trong lúc này cờ lại được kéo cao.
Tới phần thứ hai, Quốc vương và các thành viên cấp cao của hoàng gia sẽ tham gia Hội đồng Đăng cơ. Lần đầu tiên trong lịch sử, công chúng sẽ được xem nghi lễ cổ xưa này trực tiếp trên truyền hình.
Hoàng tử William sẽ là người đứng đầu hàng kế vị ngai vàng và được thừa kế tước vị Công tước xứ Cornwall từ cha, cũng như nguồn thu nhập từ đó. Phu nhân Catherine sẽ lấy tước hiệu Nữ công tước xứ Cornwall, thay thế cho bà Camilla. Sau đó, Vua Charles III sẽ tuyên thệ và đọc lời thề trung thành với Nhà thờ Scotland.
Cây phả hệ Hoàng gia Anh. Đồ họa: CNN. |
Trình tự lễ tang
Tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth do chính phủ tài trợ, thông tin chi tiết sẽ được công bố sau. Bà băng hà tại Lâu đài Balmoral, Scotland, vì vậy hoàng gia sẽ thu xếp để đưa bà trở về England.
"Chiến dịch Unicorn" là mật danh cho các kế hoạch dự phòng trong trường hợp Nữ hoàng Elizabeth II băng hà ở Scotland.
Nữ hoàng có thể đã phê duyệt kế hoạch tổ chức tang lễ, nhưng chỉ có quốc vương đương nhiệm mới được ký. Vua Charles III sẽ làm nhiệm vụ đó với Bá tước Marshal.
Rất đông người đã đứng bên ngoài Cung điện Buckingham để tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: AP. |
Vào ngày 9/9, Vua Charles III và Vương phi Camilla trở về London. Những phát súng chào sẽ được bắn tại Hyde Park và Tháp London vào buổi trưa.
Vua Charles III đã có bài phát biểu nhậm chức trên sóng quốc gia vào chiều cùng ngày. Ông cũng có buổi tiếp kiến đầu tiên với Tân Thủ tướng Liz Truss.
Thủ tướng và các bộ trưởng cấp cao sẽ tham dự một buổi lễ tưởng niệm công khai tại Nhà thờ St Paul. Sổ tang sẽ được mở tại Cung điện St James và nhiều địa điểm khác.
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, mật mã "Cầu London đã sập" (London Bridge is down) được thư ký riêng của nữ hoàng thông báo đến các thành viên trong hoàng tộc, nhà ngoại giao nước ngoài và quan chức hàng đầu.
Chính phủ Anh sau đó lập tức kích hoạt "Chiến dịch Cầu London" trong 10 ngày với một loạt sự kiện và nghi lễ cho tang lễ nữ hoàng Anh.
Ngày thứ nhất (10/9): Hội đồng Đăng cơ triệu tập Thái tử Charles để chính thức xưng vương. Lời Tuyên bố sẽ được đọc ra từ ban công tại Cung điện St James ở London.
Ngày thứ hai (11/9): Linh cữu Nữ hoàng dự kiến được vận chuyển từ Balmoral đến Cung điện Holyroodhouse, nơi ở chính thức của bà ở Edinburgh, Scotland. Ở Scotland, công tác chuẩn bị cho tang lễ của Nữ hoàng có tên mã là "Operation Unicorn".
Ngày thứ ba (12/9): Nhà vua sẽ bắt đầu chuyến tham quan Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland, bốn quốc gia thuộc Vương quốc Anh, trong một hoạt động có tên mã là "Spring Tide". Linh cữu Nữ hoàng sẽ được di chuyển qua con đường Royal Mile của Edinburgh từ Holyrood đến Nhà thờ St Giles. Đây là nơi tổ chức lễ cầu nguyện có sự tham gia của các thành viên gia đình hoàng gia.
Ngày thứ tư (13/9): Linh cữu sẽ được chuyển về Cung điện Buckingham ở London bằng ôtô. Công chúng có thể tới cung đường này để bày tỏ lòng thành kính.
Ngày thứ năm (14/9): Tổ chức lễ rước linh cữu qua London, dự kiến có rất đông công chúng tới theo dõi. Mật mã "Operation Feather" sẽ được kích hoạt. Các thành viên cấp cao của gia đình hoàng gia sẽ thực hiện nghi thức truyền thống có tên là Vigil of the Princes - đứng canh quanh quan tài Nữ hoàng.
Ngày thứ sáu, bảy và tám (15-17/9): Linh cữu Nữ hoàng được đặt trên bệ đỡ catafalque trong Cung điện Westminster. Công chúng có thể tới viếng để bày tỏ lòng kính trọng của họ.
Ngày thứ chín (18/9): Tổ chức buổi đón tiếp các chức sắc, nguyên thủ quốc gia đến viếng tang lễ.
Ngày thứ mười (19/9): Quốc tang dự kiến diễn ra ở Tu viện Westminster với lượng công chúng khổng lồ tập trung ở trung tâm London. Các thành viên cấp cao trong gia đình hoàng gia sẽ đi bộ theo sau linh cữu Nữ hoàng cho đến khi linh cứu được đưa lên xe chở pháo. Lúc này, tất cả thực hiện hai phút mặc niệm.
Linh cữu sẽ được đưa tới Lâu đài Windsor, thực hiện các nghi lễ ở Nhà nguyện St George. Sau đó, bà sẽ được an táng riêng trong Nhà nguyện tưởng nhớ Vua George VI, "đoàn tụ" cùng Hoàng thân Philip, Công chúa Margaret, Quốc vương George VI và Vương hậu Elizabeth.