Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lập hội đồng xử lý vụ Grab vi phạm luật cạnh tranh khi mua lại Uber

Hội đồng xử lý cạnh tranh được thành lập để điều tra Grab và Uber trong thương vụ hồi năm ngoái. Ngoài ra, còn có 6 doanh nghiệp khác liên quan cũng được đưa vào vụ việc.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Trần Quốc Khánh đã ký quyết định về việc thành lập Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam vào ngày hôm qua, 1/1/2019.

Hội đồng được thành lập sau khi đơn vị này tiếp nhận hồ sơ điều tra từ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương) và căn cứ Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 cùng các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Lap hoi dong xu ly vu Grab vi pham luat canh tranh khi mua lai Uber anh 1
Hội đồng xử lý cạnh tranh vừa được thành lập để điều tra Grab và Uber trong thương vụ hồi năm ngoái.

Theo đó, đối tượng được đưa vào điều tra là Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam. Cả 2 công ty này đều có trụ sở hoạt động tại TP.HCM.

Ngoài ra, theo đại diện Hội đồng Cạnh tranh, 6 doanh nghiệp khác cũng được đưa vào diện xem xét điều tra vì có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ việc.

Chủ tọa phiên điều trần là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu. Các thành viên khác gồm ông Trần Mai Hiến, bà Trịnh Thị Hằng Nga, ông Ngô Hữu Lợi và ông Phạm Văn Khánh...

Thư ký phiên điều trần là hai Phó chánh Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh: bà Trần Thị Mai Hương và ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn.

Bộ Công Thương cũng cho biết thêm hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh này sẽ tiến hành các trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Cạnh tranh.

Giữa tháng 12/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber ở thị trường Đông Nam Á, trong đó có tại Việt Nam và chuyển báo cáo cùng kết luận điều tra toàn bộ vụ việc đến hội đồng cạnh tranh.

Lap hoi dong xu ly vu Grab vi pham luat canh tranh khi mua lai Uber anh 2
Tương quan lượng xe của Uber và Grab trước khi sát nhập tại Việt Nam. Đồ họa: Như Ý.

Căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục Cạnh tranh đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm.

Hai dấu hiệu vi phạm được cơ quan chức năng chỉ ra là “hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh” và “hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh”.

Sau đó, phía Grab cũng có phản hồi về vụ việc, hãng cho rằng không vi phạm luật. Nguyên nhân Grab đưa ra là do cách hiểu, giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và Grab khác nhau về thị trường liên quan.

Cuối tháng 3 năm ngoái, Grab công bố mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á. Đổi lại, Uber được sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab. Một tháng sau, Cục Cạnh tranh phát đi thông báo quyết định tiến hành điều tra hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh năm 2004 của thương vụ này.

Theo Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo trước cho cơ quan cạnh tranh, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Vụ việc điều tra vi phạm cạnh tranh giữa Grab và Uber cũng được thực hiện tại Singapore vì thương vụ sáp nhập của 2 công ty này. Cuối tháng 9, Ủy ban Cạnh tranh và tiêu dùng Singapore đã phạt Grab và Uber tổng cộng 9,1 triệu USD, trong đó, Uber là 4,6 triệu USD và Grab bị phạt hơn 4,5 triệu USD.

Bộ Công Thương: Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết vụ Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh và sẽ gửi hồ sơ đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý.



Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm