Sau khi TAND TP.HCM đưa ra phán quyết chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng, phía Grab phát đi thông báo sẽ kháng cáo với phán quyết sơ thẩm này.
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, bảo lưu quan điểm doanh nghiệp của mình không vi phạm bất kỳ điều nào trong quá trình thực hiện Đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải. Người đứng đầu Grab tại Việt Nam một lần nữa nhắc lại về việc thiếu cơ sở pháp lý và bằng chứng để chứng minh mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa các thiệt hại nếu có của Vinasun và các hoạt động kinh doanh của Grab.
Ông Jerry Lim đồng thời khẳng định đang chuẩn bị cho một vụ kiện Vinasun và một số bên khác nếu họ không rút lại các cáo buộc nhắm vào Grab mà phía Grab cho rằng là “vô căn cứ nhằm đánh lạc hướng dư luận” trong vụ kiện kéo dài gần 11 tháng qua.
Trong phiên tòa sáng 28/12, HĐXX nhận định Grab vị phạm Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô, Đề án 24, Luật Thương mại,... Bởi Grab chỉ được phép cung ứng dịch vụ kết nối nhưng lại trực tiếp kinh doanh vận tải taxi. Đây là hành vi có lỗi của Grab, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.
Tài xế Vinasun bên ngoài phiên tòa sáng 28/12. Ảnh: Hoài Thanh. |
HĐXX nhận thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab. Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị vốn hóa của Vinasun, tòa nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác.
Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng; bác bỏ yêu cầu đòi Grab 36,3 tỷ đồng khác.
TAND TP.HCM cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần xây dựng lại khung pháp lý về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo ra sự công bằng, bình đẳng đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.