Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Công ty TikTok Việt Nam. Ảnh: TikTok. |
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương ngày 4/6, các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm về các phiên livestream doanh thu tới hàng trăm tỷ đồng.
Liên quan vấn đề này, tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Công ty TikTok Việt Nam cho biết tất cả người bán trên các sàn thương mại điện tử được xác nhận bởi cơ quan chức năng đều phải đăng kí mã số thuế, tài khoản ngân hàng gắn với căn cước công dân.
"Chính vì vậy, không có chuyện người bán hàng trốn thuế, hay dùng nhiều tài khoản để chuyển tiền và trốn thuế. Thậm chí, TikTok Shop đã tạm ứng thuế thu nhập cá nhân người bán hàng ở mức 10%", ông Thanh nói.
"Khó thất thoát thuế khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử"
Ông khẳng định việc thu thuế trên các sàn thương mại điện tử chắc chắn hơn nhiều so với việc thu thuế trên nền tảng thương mại điện tử không qua sàn như các hội nhóm, mạng xã hội.
"Kể cả thương mại truyền thống, thất thoát thuế cũng sẽ cao hơn so với sàn thương mại điện tử", lãnh đạo TikTok Việt Nam nhấn mạnh.
Riêng với các phiên livestream doanh thu 100-200 tỷ đồng, lãnh đạo TikTok Việt Nam cho biết trên TikTok Shop với sự hỗ trợ của công nghệ, đã có những phiên livestream có 350.000 người cùng xem vào một thời điểm.
"Trung bình những phiên livestream đó có khoảng 5-20 triệu người xem. Giả sử, một phiên livestream 10 triệu người xem mà chỉ 1% người mua thì đã có 100.000 đơn hàng. Do đó, doanh thu 100-200 tỷ đồng không phải là con số lớn", ông lý giải.
Hơn nữa, ông Thanh cho biết với các phiên livestream này, các nhãn hàng và nền tảng cũng có sự hỗ trợ về traffic, voucher, giá hàng hóa tốt hơn hẳn so với bình thường. Tỷ lệ hoàn thành đơn hàng cũng cao hơn.
Cuối năm 2023, TP.HCM đã mời 100 KOLs, KOCs để livestream bán hàng cùng tiểu thương chợ Bến Thành trên TikTok. Ảnh: Lan Anh. |
Về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử, ông Thanh cho biết các sàn đã có chính sách. Chẳng hạn tại TikTok Shop, không chỉ hàng giả, hàng nhái, mà nếu khách hàng cảm thấy không hài lòng về sản phẩm hay chứng minh được người bán hàng bán sai sản phẩm so với quảng cáo, thì trong vòng 72 giờ, TikTok sẽ xử lý.
"Thông thường, sẽ trả ngay tiền cho người mua 100-200% và sau đó nền tảng sẽ làm việc lại với người bán hàng. Do đó, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm hơn hẳn so với việc mua offline", ông cho biết.
Hiện, TikTok là nền tảng phối hợp giữa thương mại và giải trí. Ở Việt Nam có khoảng 15 tỷ lượt xem các nội dung trên nền tảng này mỗi ngày. Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, TikTok với nền tảng TikTok Shop mới tham gia trong khoảng 2 năm trở lại đây và đến nay, đã có khoảng 3 triệu người bán hàng.
Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Liên quan đến vấn đề xúc tiến thương mại của các địa phương, bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Dương thừa nhận hoạt động liên kết vùng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tại một số địa phương, trong đó có Hải Dương vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
"Vai trò của các bên tham gia liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế; vẫn còn một số hợp tác xã chưa mạnh dạn tham gia tiêu thụ nông sản. Chưa phát huy được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế", bà nói.
Tương tự, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng đánh giá nhiều doanh nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng dù có sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh, rất tiềm năng để đưa ra thị trường quốc tế nhưng còn thụ động trong công tác xúc tiến thương mại.
"Khả năng nắm bắt các thông tin thị trường và các cơ hội kinh doanh, khả năng tiếp thị xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng còn hạn chế", ông nhìn nhận.
Về phía sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết TikTok đóng vai trò trung gian và phối hợp Cục Xúc tiến thương mại xây dựng chương trình tự hào hàng Việt thông qua các khóa đào tạo marketing, tổ chức bán hàng trên sàn thương mại điện tử, kết nối các nhà bán hàng...
Riêng chương trình Tự hào hàng Việt tại Đồng bằng Sông Hồng, TikTok đã tổ chức phiên livestream demo (thử nghiệm) mời các nhà sản xuất hàng Việt phối hợp một KOL/KOC sở hữu hơn 307.000 lượt theo dõi để hỗ trợ bán hàng.
"Chỉ một phiên livestream demo nhưng đã thu hút tới 3,6 triệu lượt tiếp cận, 161.700 lượt xem và 2.700 đơn hàng", ông nói.
Với sự hợp tác của Cục Xúc tiến thương mại, bên cạnh việc đào tạo, TikTok sẽ tổ chức đăng ký để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước 3-6 tháng tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng.
"Thực tế hiện nay, hàng trong nước có tính cạnh tranh không bằng hàng nhập khẩu, do đó nền tảng cũng sẽ hỗ trợ nhiều hơn", ông nói.
Ông Vũ Bá Phú cũng cho biết Cục sẽ thực hành kết nối giao thương thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp của vùng ứng dụng các nền tảng số, đặc biệt là những nền tảng lớn, uy tín, có hiệu ứng kết nối thị trường, đối tác như Alibaba, TikTok... Đồng thời tổ chức, tham gia đa dạng các chương trình hội chợ, triển lãm...
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng việc xúc tiến thương mại, liên kết không chỉ quốc gia, khu vực mà còn cả các địa phương.
"Các địa phương cần nâng cao năng lực sản xuất để tận dụng xuất khẩu theo 16 hiệp định FTA, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tích cực tìm kiếm thị trường mới", ông đề nghị.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ cũng lưu ý đến lĩnh vực thương mại điện tử. Doanh nghiệp Việt cần nâng cao thương hiệu, đào tạo, huấn luyện trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.