Những năm chập chững bước vào nghề, những cái mất đã làm tôi suýt bỏ sang làm trình dược viên. Với một bác sĩ trẻ mới ra trường, áp lực công việc khủng khiếp và đồng lương còm cõi so với bạn đồng lứa sẽ làm nản lòng bất cứ ai.
Rồi khó khăn nhất trong giai đoạn này là quan hệ với đồng nghiệp và bệnh nhân - những bài học xương máu không một trường lớp nào dạy dỗ. “Ma cũ bắt nạt ma mới”, “chủ nghĩa kinh nghiệm” luôn là một phần của nghề.
[…]
Sau giai đoạn chập chững “đầu đời” bác sĩ, cái được sẽ ập tới bạn theo nhiều cách khác nhau. Khi bạn đã có chút tiếng tăm trong chuyên khoa mà mình theo đuổi hay được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo nho nhỏ như phó phòng chẳng hạn, lúc này mọi chân trời đều rộng mở.
Bạn có được mọi thứ, sự tôn trọng của lớp đàn em và bạn bè, sự yêu quý của bệnh nhân và người nhà họ. Những bài báo ngợi ca và những bổng lộc từ đâu rơi xuống khiến bạn thật hạnh phúc.
Nhưng cũng chính vào giai đoạn này, ta phải trả giá nhiều nhất bởi những nỗi buồn mà nghề y mang đến. Những ca tai biến do sự bất cẩn hoặc ngoài sự hiểu biết (mà ta tưởng là ghê gớm lắm) của mình hóa ra thật nhỏ nhoi so với kiến thức trong “đại dương” y khoa.
Cái mất ấy khó mà tả hết vì nó có thể gặm nhấm, đeo đuổi bạn đến cuối cuộc đời. Nếu suôn sẻ vượt qua giai đoạn này, bạn đã chính thức trở thành một bác sĩ chuyên nghiệp.
Sau hơn 20 năm hành nghề với bao thăng trầm, bạn sẽ không còn phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề.
Nhưng, những nỗi buồn lại ngày càng hiện hữu. Chúng ta sẽ ít lo hơn về cơm áo gạo tiền, vậy mà những chuyện tưởng chừng rất nhỏ lại làm trái tim già nua rung động.
Nghe tin đồng nghiệp bị đánh hay bác sĩ “nhập kho”, ta cũng có thể mất ngủ suốt cả tuần. Sai sót nếu có, dù rất nhỏ cũng không thể được chấp nhận. Bạn chính thức trở thành một ông già khó tính, tóc bạc trắng hai mai.
Nghề y lúc này sẽ trở thành máu thịt của bạn như cơm ăn nước uống hàng ngày, không phút nào dù trong câu chuyện trên bàn nhậu hay trong rạp chiếu phim, những lời nói, suy nghĩ của bạn đều liên quan đến y học.
Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều gia đình, tất cả các thành viên đều làm trong ngành y, kể cả dâu lẫn rể. Vì nếu không cùng ngành, ta khó mà nuốt nổi những “máu lẫn me” của câu chuyện trong mỗi bữa ăn chiều.
Vậy nên, bây giờ hay nhiều năm nữa, khi có ai hỏi ngành y cho tôi được nhiều hay khiến tôi mất nhiều hơn, tôi vẫn sẽ trả lời: Cái mất, cái hy sinh nhiều hơn cái được. Nhưng nếu làm lại, tôi vẫn chọn nghề bác sĩ mà chẳng cắt nghĩa nổi vì sao.
Cũng có nhiều người tò mò hỏi tôi liệu có phải tôi lựa chọn theo nghề y là vì định hướng của bố mẹ và gia đình. Việc tôi quyết định làm bác sĩ hoàn toàn là do chính bản thân tôi tự quyết định. Bố mẹ chưa bao giờ ép tôi phải trở thành người này hay người nọ, giáo sư hay tiến sĩ.
Ngày bé tôi rất thích đá bóng và thường đi đá bóng ở sân trường Dược. Tôi còn thích theo bà ngoại vẽ tranh, ước mơ được làm họa sĩ, tôi còn theo cả bác Nguyễn Lân Tuất đi học nhạc.
Nhưng đến năm lớp 11, khi chứng kiến bà ngoại ra đi trong những cơn đau đớn do bệnh ung thư, tôi nhận ra mình muốn làm gì và muốn trở thành người như thế nào sau này.
[…] Chứng kiến cảnh bà cứ cắn răng chịu đựng những cơn đau, tôi quyết tâm làm sao chọn nghề nào mà giảm đau được cho xã hội. Và tôi chọn thi vào Đại học Y Hà Nội, bà ủng hộ quyết định này và khuyên tôi “Làm nghề y ấy, là lúc nào cũng phải nghĩ đến người bệnh”.