Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện sinh viên ngành Y

Năm 1989, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu thi đỗ Đại học Y Hà Nội và bắt đầu quãng đời sinh viên vừa đói ăn, vừa thiếu ngủ.

[...] Hồi đó, cứ hỏi trường đại học nào nhiều sinh viên đúp nhất thì 100% câu trả lời sẽ là: “Y Hà Nội”.

Tôi bước vào giảng đường với tâm thế sợ đúp nhưng tôi thích học lắm vì được biết nhiều thứ mới lạ. Bây giờ chỉ cần “hỏi Google” vài phút sẽ rõ ngay thế nào là vòng tuần hoàn sinh lý nhưng vào những năm 1995, chuyện đó chỉ sinh viên ngồi trên ghế trường Y mới biết.

Chiều hôm trước học lý thuyết thấy bao điều kỳ lạ trên giảng đường, sáng hôm sau đi lâm sàng chúng hiện lên trước mắt. Sáng đi nghe tim cho bệnh nhân thấy tiếng tim đập rất lạ, chiều về thầy hướng dẫn nguyên lý tiếng thổi tâm thu.

Sinh vien nganh Y anh 1

Sinh viên ngành Y luôn phải trải qua nhiều kỳ thi và đợt thực tập. Ảnh: Thanh Hằng.

Thời của chúng tôi muốn đọc sách tham khảo chẳng phải chuyện dễ, nhiều khi tích được ít tiền cũng không biết mua ở đâu.

Tôi vẫn nhớ hồi ấy tôi mê điện tâm đồ lắm nhưng không có sách tham khảo, phải nhờ cô lao công mở khóa phòng thầy cho vào đọc ké đến khi nào thầy tới thì “chuồn”. Cả tuần mới đọc được hết một cuốn nhưng những kiến thức ấy tôi không thể nào quên.

Tôi không học theo kiểu thuộc lòng mà học theo ý chính. Đó là sở trường của tôi. Thành ra các bài kiểm tra và bài thi tôi không bao giờ được điểm 10 cả, nhưng cũng chưa một lần trượt môn, lúc nào cũng tầm 7, 8 điểm vì trình bày đủ ý.

Sau này đi làm giáo viên chấm bài thi mới hiểu là, những cậu làm bài theo ý là những cậu khôn nhất, vì không thể nào trượt được.

Tuy vậy, thời sinh viên, tôi vẫn có những lúc muốn kiếm tiền và tôi cũng kiếm tiền từ rất sớm. Không như bây giờ, hồi ấy kiếm tiền dễ lắm, tôi chỉ cần làm những việc đơn giản thôi là cũng ra được tiền như là đi buôn thuốc diệt cỏ, diệt sâu bọ… trên đường Trường Chinh.

Tôi cứ mua chỗ này rồi bán chỗ kia lấy tiền chênh lệch làm lãi. Nhưng việc kinh doanh này lại bị thua lỗ nặng, chứ không thì có khi bây giờ tôi đã trở thành doanh nhân.

Việc giúp tôi kiếm được nhiều tiền nhất là đi làm cho một công ty của bạn của cậu tôi hồi năm bốn đại học. Tôi được thuê làm bảo vệ trông kho hàng nhập khẩu.

Có một hôm tôi không thể trông được đành nhờ cậu bạn thân đến trông hộ. Trong kho hàng có điện thoại bàn, thế là cậu ấy như vớ được vàng, bèn nhấc máy gọi điện thoại buôn chuyện với cô người yêu, bởi thời ấy làm gì đã có điện thoại di động.

Có thể là do chuyện trò tâm tình cả đêm, có thể là do quên gác máy mà cuối tháng ấy, hóa đơn điện thoại lên đến cả tiền triệu, vượt quá số lương của tôi. Kết cục, tôi bị đuổi việc.

Thế hệ chúng tôi vào đại học khi đất nước vừa qua thời bao cấp, kinh tế khó khăn, đồng tiền mất giá, ai cũng nghèo, cả lớp cắm đầu vào học vì mục tiêu học bổng, cuối tháng xôn xao hỏi nhau: “Mày được bao nhiêu phần trăm?”.

Học giỏi sẽ được học bổng 100%, kém hơn chút được 75%, rồi 50%, 25%. Nghe có vẻ oai chứ thực ra học bổng 100% được có 21 nghìn, đi ăn căng-tin ba hôm là hết vì phở 5 nghìn một bát.

Đến năm thứ năm, các bạn nữ được thêm một phần học bổng ưu tiên, chúng tôi gọi đó là tiền “đền bù tuổi thanh xuân” vì trong khi sinh viên các trường khác đều đã tốt nghiệp, có việc làm nuôi thân thì chúng tôi vẫn phải học và thi hết kỳ này đến kỳ khác.

Ăn đã thế, ở còn khổ hơn, cả ký túc xá chung nhau một bể nước. Tôi vẫn nhớ cảnh trời nắng chang chang hay mưa tầm tã, cả hội đứng đội nón, xếp hàng chờ tắm giặt hoặc xách nước về nấu ăn. Học để thành bác sĩ chữa bệnh cho người khác nhưng không ít đứa bị ghẻ vì thiếu nước tắm.

Học xong đại học, như bao sinh viên khác, tôi đăng ký thi bác sĩ nội trú. [...] Tôi chọn ngành tim mạch, bởi tim mạch là một ngành rất logic.

Nguyễn Lân Hiếu / NXB Thế giới và Nhã Nam

SÁCH HAY