Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu kể chuyện học nghề Y

Sau nhiều biến cố và bị ngăn cản, chàng sinh viên ngành Y Nguyễn Lân Hiếu năm nào vẫn quyết định theo đuổi, nghiên cứu chuyên sâu về tim mạch.

Tôi còn nhớ lúc còn là sinh viên, có lần cậu bạn thân bị ngã xe sau khi chở người yêu đi sinh nhật về. Tai nạn rất nặng, đứt dây chằng khớp gối rồi dây thần kinh.

Cậu bạn nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Tối hôm ấy, tôi trực thì thấy cậu ấy khó thở, nhịp tim đập mạnh lên đến khoảng 150-160 lần một phút.

Bác sĩ trực hôm ấy là một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, nhưng lại là bác sĩ mổ tiêu hóa chứ không phải mổ tim. [...] Tôi nghe được tiếng tim của cậu ấy rất mờ, không đập cạnh lồng ngực nữa. Tôi liền bảo với bác sĩ là cẩn thận, có khi cậu ấy bị ép tim. Vị bác sĩ ấy không nghe, vì ai lại đi nghe một ông sinh viên Y6.

Lúc đấy tầm 1-2h sáng, chẳng biết làm thế nào nữa, tôi chạy vội đến nhà giáo sư Tôn Thất Bách để gọi ông. Thầy Bách đến viện, dẫn lưu ra được một lít máu trong tim cậu ấy.

Sau chuyện này, tôi lại hiểu mình hơn một chút, tôi nhận ra mình giỏi về tim mạch.

Chú ruột tôi, đồng thời cũng là thầy giáo của tôi, không khuyến khích tôi theo chuyên ngành tim mạch. Chú bảo đây là một ngành rất nguy hiểm, chỉ cần sai sót một chút thôi là sẽ gây ra rất nhiều hậu quả khôn lường.

Nhưng sau tất cả, tôi vẫn quyết định chọn tim mạch khi thi bác sĩ nội trú, năm 1995.

Bac si Nguyen Lan Hieu anh 1

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu khám bệnh cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Ảnh: FBNV.

Tôi học nội trú ba năm ở Đại học Y Hà Nội. Đến năm 1998, tôi đi học chuyên sâu về tim mạch người lớn theo học bổng du học của Pháp.

Nhưng tình cờ sau đó, tôi biết được một bệnh viện chữa tim mạch cho trẻ em nên đã chọn học tại đó theo chuyên ngành can thiệp tim mạch cho trẻ. Tôi từ bé đã thích trẻ con và tự thấy mình có năng khiếu chơi với chúng.

Đến cưa bạn nào mà nhà có em trai em gái nhỏ tuổi là tôi lấy lòng được hết. Đám trẻ con thường thích tôi trước khi chị nó thích. Tôi đùa chút thôi. Bản chất thực chất của việc lựa chọn làm bác sĩ tim mạch cho trẻ em là một câu chuyện cũng hy hữu.

[...]

Tốt nghiệp bác sĩ chuyên sâu can thiệp tim bẩm sinh ở Pháp, tôi trở về nước với hy vọng được áp dụng những kiến thức can thiệp tim bẩm sinh vào thực tế.

Song quy trình cứng nhắc, đòi hỏi những trang thiết bị đắt đỏ của Pháp như siêu âm qua thực quản, đặt nội khí quản… không thể áp dụng tại Việt Nam thời điểm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Tôi tiếp tục qua Mỹ tìm hướng đi hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước mình.

Năm 2000, tôi về nước và học thêm được phương pháp can thiệp tim bẩm sinh đơn giản để áp dụng hơn. Nhưng khó khăn vẫn chưa hết vì dụng cụ y tế không có, chi phí can thiệp tim bẩm sinh đắt đỏ so với phẫu thuật kinh điển.

Để can thiệp tim, bác sĩ sẽ phải dùng một dụng cụ (gọi là “dù”) của Mỹ, giá khoảng 6.000 USD, đắt gấp ba lần chi phí thực hiện một ca phẫu thuật tim mở thông thường. Tôi hiểu với giá tiền như vậy sẽ rất khó để thuyết phục bệnh nhân áp dụng phương pháp mới.

Nhưng nếu không can thiệp, bác sĩ không thể nâng cao tay nghề, bệnh nhân phải chịu thiệt thòi khi mổ mở. Lúc đó, tôi đánh liều hỏi xin thầy giáo hơn mười chiếc dù để can thiệp miễn phí cho bệnh nhân. Nếu thành công, tôi sẽ có cơ sở đàm phán về chi phí với nhà cung cấp vật tư y tế ở Mỹ.

Ca can thiệp đầu tiên vô cùng căng thẳng vì bao con mắt đồng nghiệp ở bệnh viện nhìn vào tôi, họ mong chờ có, hoài nghi có. Bản thân tôi không cho phép mình thất bại.

[…]

Tôi tự nhủ: “Hoặc là thành công, hoặc không bao giờ làm nữa, nếu đặt xuống mà chiếc dù gãy cánh tức là dự án sụp đổ”.

Giây phút tôi nhìn thấy dụng cụ đã nằm đúng vị trí chứng tỏ ca can thiệp thành công, tim tôi như ngừng một nhịp. Thở phào nhẹ nhõm, tôi bước ra khỏi phòng can thiệp mới biết hai tiếng đã trôi qua.

Tôi nghĩ đó là hai giờ đồng hồ quan trọng nhất cuộc đời mình vì sau đó, đã có hàng trăm chiếc dù mỗi năm được thả vào trái tim khiếm khuyết của người bệnh.

[…]

Là một trong những chuyên gia đầu tiên về can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em tại Việt Nam, điều này không khiến tôi tự hào. Mà điều khiến tôi tự hào nhất đó là: Đến nay, Việt Nam đã là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á, xếp hạng cao ở châu Á về can thiệp tim bẩm sinh.

Nguyễn Lân Hiếu/ NXB Thế giới và Nhã Nam

SÁCH HAY