Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi bác sĩ cấp cứu thành công cho người bệnh

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, khi y, bác sĩ đưa người bệnh từ cõi chết trở về, chỉ nên dùng cụm từ "cấp cứu thành công", chứ không nên dùng "cứu người".

Hơn một lần tôi phê phán việc dùng từ “cứu người” để mô tả hành động chữa được ca bệnh khó.

Trên mặt báo hay ngay trong câu cửa miệng của các bác sĩ, bệnh nhân và người nhà, họ đều dùng từ “cứu” một cách rất thoải mái.

“Tôi cứu bệnh nhân ấy”, “Anh ấy cứu tôi”, “Bác ấy đã cứu mẹ tôi”, “Tôi đã thoát khỏi nguy kịch nhờ được bác ấy cứu chữa”... Nghe rất nhân văn, bác sĩ cứu người - không ai nghi ngờ gì. Ngành Y là phải cứu người, phải nhân văn, phải làm việc phúc đức. Tuy nhiên, tôi xin đặt ngược lại vấn đề.

Khi nghĩ rằng mình là người “cứu nhân độ thế”, tức vô hình trung, ta đã đặt mình ở vị trí cao hơn người khác. Mình ở thế cao hơn, cứu họ cơ mà.

Nếu còn nhiều nhân viên y tế có tư duy này, thì tôi e khả năng chuyên môn sẽ dừng lại ở đấy, thậm chí sẽ ngày càng thui chột. Tâm lý ban ơn thường rất dễ dẫn đến tự mãn, hách dịch, cửa quyền.

Bac si cap cuu cho benh nhan anh 1

Bác sĩ, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: T.T.

Xin kể một câu chuyện cách đây đã lâu. Đồng nghiệp của tôi phát hiện trường hợp máu tụ dưới màng cứng trong não của một bệnh nhân rất lớn tuổi đã khám ở chỗ một vị giáo sư rất nổi tiếng nhưng bị bỏ sót.

Bệnh nhân được phẫu thuật thành công. Kể từ đó, đồng nghiệp kia kể mãi câu chuyện này với một mặc định “ngầm” là mình có chuyên môn giỏi hơn vị giáo sư nọ.

Và cuộc sống vẫn cứ trôi đi. Với cái tâm lý “tự sướng” ấy, tài năng của đồng nghiệp tôi không bao giờ phát huy được cho đến tận lúc về hưu.

Nhiều lần, tôi ngẫm nghĩ, có gì đó hơi lấn cấn ở đây. Khi một bác sĩ dùng từ “chữa bệnh” chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn “cứu người”. Đặc biệt trong giai đoạn “vàng thau lẫn lộn” hiện nay, nhiều cái sự cứu người lại xuất phát từ lỗi ban đầu của chính “người cứu” gây ra.

Trong đơn vị của mình, tôi đã vài lần đề nghị nhân viên không dùng chữ “cứu bệnh nhân” khi nói và khi viết trong công việc.

Có những trường hợp quả thực chúng tôi đã vô cùng khó khăn để đưa người bệnh vượt qua lưỡi hái tử thần, nhưng khi kể về việc ấy, dùng từ “cấp cứu thành công” sẽ hợp lý và nhẹ nhõm hơn nhiều.

Bởi khi được phân công điều trị, việc chữa khỏi bệnh là nhiệm vụ đương nhiên của các y, bác sĩ, điều dưỡng. Nếu bạn tự hào vì “cứu” được ai đó, có lẽ bạn chưa biết rằng nếu không phải bạn, có khi nhân viên y tế khác còn tìm ra phác đồ điều trị nhanh hơn.

Từ “cứu” chỉ nên sử dụng khi ai đó không được giao nhiệm vụ mà mang người khác từ cõi chết trở về.

Nhưng trong sâu thẳm, dù không nói ra, ai khoác lên mình chiếc áo blouse trắng cũng luôn có niềm tự hào riêng về những ca bệnh khó, hy hữu đã được mình và cộng sự chữa khỏi. Tự hào ấy nhiều khi khiến các bác sĩ, đặc biệt là các thầy thuốc thâm niên, trở nên kiêu căng tự mãn.

Dường như không một bác sĩ nào nghĩ mình kém. Vì như có một quy luật bắc cầu trong ngành Y, đó là nếu ông A không chữa được mà đến ông B lại khỏi thì mặc nhiên ông B giỏi hơn ông A.

Khi bệnh nhân được chữa khỏi, trong đầu vị bác sĩ đương nhiên sẽ nghĩ “mình giỏi hơn” những chuyên gia nổi tiếng đã khám trước đó. Đặc điểm này được dân gian đúc kết thành câu vè “thầy già con hát trẻ”. Đã là thầy thuốc phải có tuổi, đã là ả đào phải thật trẻ trung.

Quả thật, nhiều ca bệnh tưởng như vô cùng phức tạp khiến các bác sĩ trẻ mãi loay hoay với mớ kiến thức nóng hổi. Nhưng chỉ nhờ một câu “phán” của tiền bối, mọi thứ ngay lập tức “sáng như ban ngày”.

[...]

Không thể phủ nhận kinh nghiệm có vai trò vô cùng quan trọng trong khám chữa bệnh. Đã đứng trước hàng nghìn ca bệnh, nhưng với tôi, ca nào cũng như đứng trước vô vàn cánh cửa mà người thầy thuốc phải lần tìm ra chìa khóa để mở ra hướng chẩn đoán và điều trị.

Bác sĩ kinh nghiệm thường có thể mở cánh cửa gần nhất để tìm ra chân lý và giúp tiết kiệm được vô số thời gian, tiền bạc, sức khỏe cho bệnh nhân và xã hội.

Nguyễn Lân Hiếu/ NXB Thế giới và Nhã Nam

SÁCH HAY