Việt Nam đã triển khai khám bệnh từ xa từ lâu như một hình thức hội chẩn trực tuyến giữa các chuyên gia và bệnh viện tuyến dưới. Bệnh nhân được hưởng lợi và các học trò sẽ thu được kiến thức nhất định từ người hướng dẫn nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, khi hình thức này được nâng cấp lên thành Telehealth đa trung tâm và công khai, số người hưởng lợi sẽ tăng lên.
Hiểu đơn giản, ca khám bệnh thay vì chỉ gồm một số bác sĩ trong phòng kín trước kia nay có sự tham gia tương tác của nhiều bác sĩ ở nhiều cơ sở y tế, thậm chí có thể được trình chiếu công khai trực tuyến.
Nhờ đó, các thầy thuốc dù được coi là nhiều kinh nghiệm cũng được học từ chính các bác sĩ trẻ.
Sách Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Nhã Nam. |
Chủ nghĩa kinh nghiệm trong y học cũng được hạn chế vì mỗi câu nói của “thầy” đều cần dẫn chứng khoa học cụ thể. Một con số không chính xác sẽ được phát hiện rất nhanh vì các đồng nghiệp trẻ rất thạo dùng Google.
Nghề Y hôm nay được đặt trong bối cảnh mới. Y học thế giới đã sang trang khi đối mặt thách thức lớn nhất mang tính tồn vong của loài người.
Tôi rất mong tư duy của chúng ta cũng như khẩu hiệu của ngành, ngoài thông điệp thương yêu người bệnh, còn nhấn mạnh tính chuyên nghiệp.
Bởi, sự chuyên nghiệp thực sự là hướng đi tất yếu mà y học hiện đại luôn không ngừng bước tới. Nền y học kinh nghiệm mà nhiều người trong chúng ta tự hào đã đến lúc cần bổ sung giá trị mới, để hòa nhập và vươn lên trong thế giới mở.
Trên con đường thay đổi, rào cản lớn nhất đang ở trong chính bản thân mỗi y, bác sĩ. Và rằng ta có đủ dũng khí gỡ bỏ được những định kiến nghề nghiệp mình đã mang nhiều năm hay không.
Nhưng không phải ngành Y hoàn toàn “tẩy chay” từ “cứu người”. Từ này nên dành cho người ở tuyến y tế cơ sở, khi các phương tiện hết sức thô sơ, tình huống bệnh lại nặng, cần cấp cứu tối khẩn.
Nhưng nhờ sự quyết tâm, nhiệt tình cùng với sự thông minh và nhanh trí của mình, các nhân viên y khoa đã giành giật lại sự sống mong manh cho bệnh nhân. Khi đó, họ mới xứng đáng nhận mỹ từ ấy.
Ví như các bác sĩ ở Thái Bình năm 2013. Thai phụ tại huyện Vũ Thư bất ngờ chảy máu dữ dội tại nhà, nghi bị vỡ khối thai ngoài tử cung. Vì không còn thời gian di chuyển, ca mổ hy hữu được các bác sĩ thực thi ngay tại nhà chị.
Hai bàn nước được chồng lên nhau làm bàn mổ. Họ phẫu thuật trong suốt hai giờ, khi thiếu nhiều phương tiện hỗ trợ, không đủ ánh sáng và điều kiện vô trùng, phải huy động người nhà bệnh nhân tiếp máu.
“Chúng tôi phải dùng phương pháp bóp bóng thay cho máy thở, dùng gạc thấm máu trong bụng bệnh nhân rồi vắt ra chậu vì không có máy hút máu”, bác sĩ Lê Hải Dương kể lại. Đó là cứu người.
Các bác sĩ mổ cấp cứu ngay tại nhà cho sản phụ bị vỡ ối thai ngoài tử cung. Ảnh: BSCC. |
Hay như tháng 8/2018, bác sĩ Trần Văn Hùng, 44 tuổi, Trạm Y tế xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An, tuy không cứu người trên bàn mổ, đã dũng cảm lao xuống lũ dữ cứu người trong đêm.
Còn nhiều nhiều lắm những hình ảnh đẹp của nhân viên y tế Việt Nam. Nhưng người thực sự làm được những việc hết sức ý nghĩa đó lại chẳng mấy quan tâm hành động của mình được gọi tên là gì.
Ngoài ra, còn phải kể đến những phát minh, sáng tạo, sự cải tiến ra các phương pháp mới để chữa các bệnh hiểm nghèo hoặc phức tạp... của bao nhiêu nhà y học.
Bao nhiêu con người đang ngày đêm trong phòng kín không thấy mặt trời để cho ra đời một phát hiện mới. Đó là những hành động không chỉ cứu một người mà là muôn người.
Cuối cùng, mỹ từ “cứu người” này còn có thể dành cho mọi người chứ không chỉ riêng nhân viên y tế. Họ là những người có trái tim nhân hậu, sẵn sàng giang tay cứu giúp những ai đang trong khó khăn, gặp tình huống nguy hiểm đến tính mạng.
Tính khoa học và chuyên nghiệp không chỉ đòi hỏi kỹ năng, kiến thức mà cả đạo đức của người thầy thuốc. Sự khiêm tốn và chân thành không làm nên một bác sĩ vĩ đại, nhưng hai nhân tố giản dị ấy lại là điều kiện cần để các bác sĩ có khả năng thực sự cứu người.