Hoàng Phương (30 tuổi) nhân viên truyền thông tại Hà Nội đang có khoản vay mua nhà tại Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam - nhà băng 100% vốn nước ngoài. Phương cho biết anh bắt đầu vay ngân hàng từ tháng 2/2022, cũng là cao điểm của lãi suất vay mua nhà.
“Đầu năm 2022, khảo sát thấy lãi vay mua nhà 10,25%/năm cố định trong 3 năm đầu ở ngân hàng này là thấp nhất thị trường nên tôi đã quyết vay. Đến tháng 4 vừa qua, do thấy toàn thị trường cùng giảm lãi suất, tôi đã đàm phán với ngân hàng và được đồng ý giảm lãi xuống còn 6,5%/năm, cố định trong 2 năm tiếp theo. Hết thời hạn ưu đãi, lãi suất sẽ tính thả nổi”, anh Phương chia sẻ.
Lãi vay mua nhà chạm đáy
Phát sinh khoản vay mua nhà tại BIDV từ đầu năm 2020, hết 2 năm ưu đãi lãi suất, khoản vay của anh Tam Sơn (29 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau đó chịu lãi suất thả nổi lên tới 11%/năm, bất chấp giai đoạn 2022 là thời điểm lãi suất huy động của các ngân hàng đang ở vùng thấp nhất lịch sử.
Tuy vậy, sau 2 đợt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay liên tiếp từ ngân hàng, hiện lãi suất khoản vay mua nhà của anh Sơn tại BIDV chỉ ở mức 8,8%/năm.
"Trong khi các ngân hàng khác đang rục rịch tăng lãi suất huy động từ đầu năm đến nay, tôi rất bất ngờ khi khoản vay của mình được giảm lãi suất 2 lần liên tiếp, hiện chỉ ở mức 8,8%/năm", anh Sơn cho hay.
Theo anh Nguyễn Nam (30 tuổi), nhân viên tín dụng một công ty tài chính tại Hà Nội, hiện hầu hết ngân hàng đều đang áp dụng mức lãi suất cho vay bất động sản rất hấp dẫn.
Một khách hàng của anh hồi tháng 5, mới phát sinh khoản vay tại Agribank, lãi suất cố định 2 năm đầu chỉ 7%/năm. Tương tự, khoản vay hồi tháng 6 của một khách hàng khác tại BIDV chỉ có lãi suất 2 năm đầu ở 6,5%/năm.
“Thậm chí, có khách của tôi vay mua nhà tại Vietcombank hồi tháng 5/2022 với lãi suất 9,3%/năm. Tới giữa tháng 4 vừa qua, vị khách hàng này đã được ngân hàng giảm lãi suất xuống chỉ còn 8%/năm”, anh Nam chia sẻ.
Theo người này, hiện tại, các khoản vay mua nhà hết thời gian ưu đãi lãi suất và chịu lãi suất thả nổi tại nhóm ngân hàng quốc doanh cũng đang có mức lãi suất rất "dễ chịu" dưới 9%/năm. Trong khi đó, lãi suất tại một số ngân hàng tư nhân như VIB cũng chỉ vào khoảng 10,5%/năm hay Standard Chartered Việt Nam khoảng trên 9%/năm. Đây đều là mức lãi suất vay thấp hơn nhiều so với 1 năm trước.
Không chỉ lãi vay mua nhà, lãi vay kinh doanh, mua ôtô cũng đang được các ngân hàng giảm mạnh, áp dụng với cả khoản vay hiện hữu.
Đang có khoản vay hiện hữu 7 tỷ đồng với lãi suất thả nổi 9,5%/năm tại ACB, chị Quỳnh Nguyễn (Hà Nội) quyết định tất toán để chuyển sang vay tại BIDV với lãi rẻ hơn ở 6,5%/năm, cố định trong 2 năm.
“Phía BIDV chốt lãi suất ưu đãi rồi tôi đi vay ở nơi khác để tất toán khoản vay tại ACB. Hoàn tất thủ tục, BIDV sẽ đồng ý mở khoản vay mới. Phía BIDV kèm ưu đãi giảm lãi suất vay thêm 1%/năm trong năm đầu tiên, gọi là phí đền bù cho việc tôi phải tự đi vay ở nơi khác để tất toán khoản vay cũ. Tôi thấy cách này rất có lợi, nếu áp dụng trong 2 năm tới sẽ giảm được 6% lãi vay, tương đương giảm hàng trăm triệu tiền lãi”, chị Quỳnh chia sẻ.
Vị khách hàng này cho biết dịch vụ đáo hạn, bỏ tiền cho vay 1-2 ngày không thiếu. Nếu muốn vay để đáo hạn khoản cũ, chi phí rơi vào khoảng 1-1,5% giá trị khoản vay. Chị chấp nhận bỏ vài chục triệu này để tất toán nhanh chóng.
Tương tự, anh Hùng, chủ một xưởng sửa chữa xe máy tại Ngã Tư Sở (Hà Nội), cho biết gói vay kinh doanh cũ của anh tại VIB có lãi suất 10,8%/năm được ký kết cách đây hơn 1 năm. Gần đây đáo hạn vay lại đã giảm xuống còn 8%/năm.
Trong khi đó, tại TPBank, gói vay tiêu dùng mua xe của nhiều khách hàng ký kết từ đầu năm 2023 với lãi suất 12,5%/năm đến nay đã giảm chỉ còn khoảng 11%/năm.
Các khoản vay mua nhà hết thời gian ưu đãi lãi suất cũng đang được các ngân hàng giảm lãi suất. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Khảo sát trong quý II, một loạt ngân hàng vẫn liên tục tung các gói vay mới với lãi suất ưu đãi 5-6,5%/năm, tức tương đương hoặc chỉ cao hơn 1 điểm % so với lãi suất tiết kiệm 12 tháng và áp dụng trong đa dạng ngành nghề, từ xuất nhập khẩu, mua nhà, mua xe, kinh doanh...
Chia sẻ về xu hướng này, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tư nhân lớn tại Hà Nội cho biết tín dụng sau khi bật tăng mạnh trong các tháng 4-6 thì đã có dấu hiệu hạ nhiệt từ đầu tháng 7, do đó để cơ quan quản lý vẫn khuyến khích các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay để tăng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phục hồi như kỳ vọng, mảng cho vay cá nhân đang đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Trong nửa đầu năm nay, nhà băng này đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng lên tới 13%, trong đó tín dụng cho vay cá nhân (chủ yếu là cho vay mua nhà) đã tăng mạnh. "Điều này cũng cho thấy thị trường bất động sản đã ấm trở lại, kỳ vọng từ nay đến cuối năm, thị trường hồi phục tích cực hơn, tăng trưởng tín dụng có thể được cải thiện", vị CEO nói.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất với các khoản vay và tiết kiệm từ đầu năm đến nay vẫn giữ xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96 điểm % so cuối năm 2023, trong khi lãi suất tiền gửi bình quân là 3,59%/năm, giảm 1,08 điểm %.
Lãi suất thấp nhưng ngân hàng vẫn “khó tính”
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chuyên gia tư vấn tài chính và bất động sản độc lập Lê Quốc Kiên đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại rất thấp.
Những nhà đầu tư “ôm” bất động sản mà không bán được đang vướng khoản vay tại ngân hàng đều đã được giảm lãi hoặc đáo hạn thành công ở ngân hàng khác với lãi suất thấp nên việc trả nợ đã dễ thở hơn rất nhiều.
Năm ngoái, mặt bằng lãi suất cho vay đều trên 10%/năm thì hiện tại đã thấp hơn rất nhiều, chỉ dao động 6-8%/năm
Ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia tư vấn tài chính, bất động sản
“Năm ngoái mặt bằng lãi suất cho vay đều trên 10%/năm thì hiện tại đã thấp hơn rất nhiều, chỉ dao động 6-8%/năm”, vị này đánh giá.
Tuy nhiên, sau giai đoạn kinh tế khó khăn, sức khỏe tài chính của những người đi vay đều đã trở nên “yếu ớt”. Lý do này khiến các nhà băng phải cẩn trọng và “khó tính” hơn trong việc cấp tín dụng để tránh rủi ro về nợ xấu khó đòi lại.
“Việc thẩm định năng lực tài chính người đi vay đã khắt khe hơn. Đơn cử trường hợp tài sản là bất động sản trước đây được định giá 10 tỷ đồng, ngân hàng chấp thuận cho vay 70% là 7 tỷ. Nhưng hiện tại định giá sẽ dừng ở 7-8 tỷ đồng để ngân hàng hạ mức cho vay xuống còn 5 tỷ đồng”, ông Kiên lấy ví dụ thực tế.
Không chỉ với năng lực tài chính, thu nhập trả nợ của người đi vay cũng đòi hỏi cao hơn. Thời điểm trước, với khoản vay trị giá 2 tỷ đồng, mỗi tháng người đi vay cần trả 25 triệu đồng và chứng minh thu nhập cần đạt 50 triệu đồng/tháng (gồm trả nợ 25 triệu và 25 triệu còn lại cho chi phí sống).
“Nhưng hiện tại, các ngân hàng cần sự an toàn. Họ sẽ không tính toán thu nhập ở mức 50 triệu để cấp khoản vay mà muốn vay 2 tỷ đồng cần chứng minh thu nhập có thể 60 triệu/tháng hoặc cao hơn. Tăng yêu cầu về mức thu nhập của người đi vay để phòng trừ rủi ro”, ông Kiên chia sẻ thêm.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.