Đại đội 3 chỉ còn lại ba khẩu pháo, với bộ khí tài bị hư hỏng sau một chặng đường dài vượt đỉnh Trường Sơn vừa mới được sửa chữa. Trung đoàn quyết định sử dụng pháo 100 ly có khí tài tham gia đánh AC-130. Từ hôm đó, hiệu quả bảo vệ đoàn xe đã tăng lên rõ rệt. AC-130 đã phải tránh xa khu vực trọng điểm, mỗi khi chúng xuất hiện, những chùm đạn nổ lấp lóe quanh mình chúng. Đội hình xe ta nhiều đêm vượt trọng điểm an toàn.
Nhưng rồi đến một hôm, khi radar của Đại đội 3 phát sóng dò tìm mục tiêu thì một quả đạn tên lửa không đối đất (Shrike) từ máy bay địch phóng xuống nổ ngay cạnh đài. Đài hỏng. Trung đội trưởng Ngọc, đài trưởng Như, cùng ba trắc thủ Điều, Chiến, Thúc đều bị thương. Thế là hết hy vọng vào phương pháp đánh đêm ưu việt nhất: phương pháp đánh bằng phần tử radar.
Ảnh minh hoạ.Nguồn: Ảnh tư liệu. |
Vài phút sau, một loạt bom nữa làm hỏng hoàn toàn hệ thống vận hành của một khẩu pháo. Đại đội 3 được lệnh di chuyển ngay trong đêm. Riêng khẩu pháo bị hỏng bộ phận bánh xe kia đành phải nằm lại. Đó là Khẩu đội 4. Nó chính là khẩu pháo 100 ly “độc thân” giữa rừng Trường Sơn mà tôi đã nói ở phần trên.
Suốt nửa mùa khô năm ấy nó không thay đổi vị trí, chịu trận trước biết bao bom đạn, tham gia đánh AC-130 bằng phương pháp đơn sơ nhất: phương pháp bắn bằng phần tử lắp sẵn.
Cán bộ tham mưu trung đoàn giúp đại đội tính toán, xác định các phần tử bắn: góc hướng, góc tầm, ngòi nổ đầu đạn. Lệnh bắn sẽ được phát đi từ một đài quan sát đặt trên đỉnh núi, gần trọng điểm Xóm Péng. Khi AC-130 đến một điểm nào đó trên vùng trời, người chỉ huy đài quan sát sẽ phát lệnh cho khẩu đội 100 ly bắn.
Ban ngày, đơn vị cho Khẩu đội 4 bắn thử, đêm đến cho bắn thật. Khi AC-130 mò tới, từng viên đạn xé màn đêm bay đi và nổ ngay trên đường bay dự kiến. Những ánh chớp nhỏ lóe lên, khi dưới bụng, khi trên lưng máy bay, khi trước, khi sau, khi gần, khi xa, tuy không trúng, nhưng cũng làm cho những tên phi công hết vía, có lúc phải chuồn thẳng. Có nhiều đêm, binh trạm gọi điện sang biểu dương cao xạ đã tích cực đánh địch bảo vệ đoàn xe.
Không những đánh đêm, Khẩu đội 4 còn tham gia đánh ban ngày máy bay OV-10, tên giặc chỉ điểm lợi hại rất đáng ghét, cứ kêu vo vo và bay lượn suốt ngày trên đầu chúng tôi. Ngụy trang không kín mà nó phát hiện thấy là lập tức: “bụp”, nó phóng đạn khói. Chỉ mấy giây sau, bọn “chó ngao” lao đến liền. Cũng bằng phương pháp lắp sẵn phần tử ấy, khẩu đội 4 đã bao lần làm cho lũ OV-10 hốt hoảng phải bay đi, không dám quay đầu trở lại.
Một hôm, tôi cùng Khoa, đại đội trưởng Đại đội 3, ghé thăm Khẩu đội 4. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy khối lượng thùng đạn và vỏ đạn khổng lồ chất đầy xung quanh hầm pháo. Đại đội trưởng Khoa cho biết anh em đã bắn rất nhiều đạn, hơn nữa vì nằm một chỗ nên số vỏ đạn cứ ùn mãi lên.
Khẩu đội trưởng Phụng cùng mấy pháo thủ - trông có vẻ già dặn vì tuổi quân khá cao - tiếp chúng tôi trong một hầm chữ A. Tôi thay mặt trung đoàn biểu dương thành tích của khẩu đội. Thay mặt khẩu đội, Phụng hứa sẽ cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Trong câu chuyện tâm tình vui vẻ, Phương, pháo thủ lớn tuổi nhất, đưa ra một ý kiến: “Xa nhà lâu rồi! Chỉ mong hết mùa khô này, khi đơn vị ra Bắc nhận vũ khí mới, trung đoàn cho bọn em về phép mấy ngày. Nhớ vợ quá, thủ trưởng ạ!”.
Lời nói chân thành của Phương làm tôi hết sức xúc động. Trong cuộc chiến đấu sinh tử, triền miên với giặc Mỹ, chúng ta đã phải chịu đựng quá nhiều hy sinh, trong đó có hy sinh về tình cảm, hạnh phúc gia đình. Tôi hứa sẽ chuyển lời đề nghị này lên cấp trên.
Có chú gà rừng vừa bẫy được, anh em nấu một nồi cháo gà thết đãi chúng tôi.
***
Từ đó đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ. Những đồng đội của tôi ngày ấy giờ đây ai còn, ai mất? Hy vọng nếu có ai trong số đồng đội cũ của tôi đọc được bài này, hãy cho tôi một dòng tin và địa chỉ.
Bình luận