Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc gặp bất ngờ nơi hang đá Trường Sơn 30 năm trước

Tất cả bừng tỉnh như sau giấc mơ. Nhiều người đứng dậy. Vài cặp ngồi nán thêm một chút. Họ chia tay nhau trong bịn rịn, dùng dằng.

Một luồng gió nhẹ lướt qua, cộng thêm nỗi sợ hãi, khiến tôi rùng mình. Nhưng chính luồng gió ấy đã giúp tôi một tia hy vọng: có gió tức là có đường thông. Tôi lại tiếp tục bò, trườn, trèo lên, tụt xuống với sự gắng sức tối đa.

Ánh sáng đèn pin mờ hẳn, đúng lúc tay tôi vừa chạm phải một vật gì giống con trăn. Giật mình lùi lại, đầu tôi đập vào vách đá, đau điếng. Luống cuống một lúc tôi mới thay được cặp pin. Soi kỹ thì hóa ra đó là một rễ cây to mập, thông từ trên cao xuống, chui sâu vào một kẽ đá. Một phen hết hồn.

Truong Son anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Ảnh tư liệu.

Đến một hang rộng chừng vài mét vuông, ngửa mặt nhìn lên, tôi thấy một lỗ tròn, cao tít, trên đó thấp thoáng mấy vì sao. Thì ra đó là lỗ thông lên “trời”, nhưng quá cao, chẳng giúp ích gì cho tôi cả. Hình như máy bay địch lại đến. Nghe tiếng bom nổ và cảm nhận sự chuyển động của núi, tôi đoán ngoài kia địch đang thả bom đợt hai. Phần tôi trong này, lại tiếp tục chui, một mình mò mẫm trong vắng lặng tột cùng. Trời lạnh mà người tôi ướt đẫm mồ hôi.

Bỗng tôi mơ hồ nghe như có tiếng người nói từ xa xăm vọng lại. Đúng rồi! Tiếng nói xen lẫn tiếng cười, rất nhỏ. Như được tiếp thêm sức mạnh, tôi phấn khởi luồn, lách và giờ đây là theo hướng đi xuống. Tiếng nói cười vọng đến càng sâu càng rõ. Lại có cả tiếng con gái. Lạ thật? Đơn vị tôi làm gì có nữ chiến sĩ? Hay đây không phải là hang hậu cứ của mình? Nhưng thôi! Mọi thắc mắc tạm dẹp sang một bên! Hãy “đi” nữa đi! Đến nơi rồi sẽ biết.

Cuối cùng, sau cơn hiểm nghèo, tôi đã đặt được bàn chân mình xuống nền đất “hang lớn”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ngoài kia, không ai hay biết gì về sự có mặt của tôi tại nơi này.

Đứng trong góc nhìn ra, tôi bắt đầu quan sát: một đám đông chừng ba mươi người, cả nam lẫn nữ đang ngồi quây tròn quanh một đống lửa. Tiếng cười nói râm ran, giọng Bắc pha lẫn giọng Trung. Nhìn kỹ số thanh niên, tôi nhận thấy đúng là anh em mình. Có cả cậu Nam, chiến sĩ thông tin của tôi nữa. Còn các cô gái thì tôi chưa hề biết mặt. Các cô đều mặc trang phục thanh niên xung phong. Để tìm hiểu tình hình, tôi nhẹ nhàng tiến đến gần hơn, lắng nghe những lời đối thoại:

- Quê em ở đâu?

- Em quê Kỳ Anh.

- Ồ! Thế thì em là đồng hương Hà Tĩnh với anh rồi! Anh quê Hương Sơn.

- Còn em quê Can Lộc. - Vậy có gần Ngã ba Đồng Lộc không? - Cũng gần! Chỉ cách chừng dăm cây số thôi! Còn anh? - Quê anh xa lắm! Tít tận Thái Bình cơ! - À! Hình như quê anh có “nhà máy cháo”? Mọi người cười rộ. Tôi tự hỏi: mấy cô thanh niên xung phong này ở đâu mà lại lọt vào đây, vào giờ này? Tại sao các cô, các cậu lại thân thiết với nhau đến thế? Họ ngồi xổm, nam nữ xen nhau. Một số các cô, các cậu tay quàng vai, quàng lưng nhau, một số nghiêng đầu vào nhau như đang tình tự.

- Bây giờ các em đi đâu? - Bọn em đi vào, tăng cường cho Binh trạm 31 phía trong. - Vào đó ác liệt lắm! Các em có ngại không? - Ôi! Chúng em đã từng làm bạn với tuyến đường trên hai năm, ở đoạn Khe Ve - Mụ Giạ đường 12. Bom đạn chúng em chẳng sợ. Khó khăn gian khổ mấy cũng chịu được. Chỉ buồn vì thiếu tình cảm thôi. Cả đại đội chúng em chỉ có một nam là đại đội trưởng. Bộ đội, lái xe đêm đêm hành quân qua, chỉ vui với nhau trong ánh mắt, tiếng cười, sau đó bọn em lại trở về với “con cháu Hai Bà Trưng”.

Không khí quanh bếp lửa hơi chùng xuống.

- Thế lúc nãy nó ném bom ngoài kia, sao các em biết chỗ này mà chạy vào?

- À! Cả bọn chúng em ngồi chung một xe. Loạt bom bi nổ chệch bên kia đường. Nhìn sang bên này thấy cửa hang, bọn em liền hô nhau nhảy xuống, chạy thục mạng vào đây. Nhờ trăng sáng, chúng em bám nhau chạy, vào đủ, không thiếu đứa nào. Hai anh lái xe chắc đang ẩn ở hố cá nhân nào đó cạnh đường.

Cả bọn lại cười vui, như không có chuyện gì xảy ra. Có những bàn tay xòe ra phía trước, hơ lửa. Nhưng cũng có những bàn tay đan nhau, nắm chặt lấy nhau phía sau lưng (không ở trong hoàn cảnh này, có người không tin là chuyện thật).

Bỗng từ ngoài xa vang lên tiếng gọi dài, chắc là của anh lái xe:

- Các cô đâu rô-ô-ồi! Ra xe đi thô-ô-ôi!

Tất cả bừng tỉnh như sau giấc mơ. Nhiều người đứng dậy. Vài cặp ngồi nán thêm một chút. Họ chia tay nhau trong bịn rịn, dùng dằng. Tay trong tay, họ tiến ra cửa hang nói với nhau lời tạm biệt. Những bàn tay vẫy vẫy. [...]

Thú thật trong đời tôi chưa từng chứng kiến một cảnh nào như thế. Từ đầu đến cuối, tôi “mải mê” đứng nhìn, quên mất hẳn những gì nguy hiểm vừa xảy ra với tôi trước đó. Các cô, các cậu ấy đúng hay sai nhỉ? Nhớ lại, lúc đó tôi đã phân vân tự hỏi như vậy, nhưng rồi tình thương và sự cảm thông đã khiến tôi xao lòng, chọn phương án “im lặng”.

Đã từng qua những chặng đường ác liệt của Quân khu 4, đã sống qua những tháng năm đầy bom đạn ở Trường Sơn, tôi thấu hiểu một điều: bên cạnh bộ đội (công binh, lái xe, phòng không, v.v.), lực lượng thanh niên xung phong, nhất là các nữ thanh niên xung phong, đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Trong cuộc chiến khốc liệt, các em đã chịu đựng những thiệt thòi, hy sinh quá lớn về sức khỏe, tuổi thanh xuân, gia đình, tình yêu đôi lứa...

Tôi lùi lại hang sâu, nấp kín, vẫn còn trong tâm trạng vương vấn một cảm xúc bồi hồi khó tả. Chờ anh em chuẩn bị đi ngủ, vờ như không biết chuyện gì, tôi bấm đèn pin, xuất đầu lộ diện trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Trong vòng vây của anh em, tôi kể lại vắn tắt “hành trình” bất đắc dĩ vừa qua của tôi. Cậu Nam cầm tay tôi láu lỉnh nói: “Ở dưới này bọn em cũng lo cho thủ trưởng trên đó lắm”. Tôi tủm tỉm cười thầm và nghĩ vui trong bụng: “Ngồi giữa các cô gái, chắc gì cậu nghĩ đến tôi!”.

***

Câu chuyện mới đó mà đã mấy chục năm. Hình ảnh các em gái thanh niên xung phong với mấy chàng lính trẻ trong hang đá Trường Sơn năm nào luôn đọng mãi trong tôi như một dấu ấn không thể nào quên. Sau 30 năm, hôm nay, nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Binh đoàn Trường Sơn, tôi xin được “tiết lộ” câu chuyện cảm động này với quý độc giả.

Lưu Trọng Lân/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY