Vào đến Đại đội 825, tôi nghe đại đội trưởng Nguyễn Văn Yến báo cáo: toàn đơn vị đã chuẩn bị chiến đấu xong. Đại đội bố trí thành hàng dọc theo tuyến đường ôtô, khẩu cách khẩu hơn 100 mét. Từng khẩu pháo để góc bắn 60 độ. Nòng pháo quay về hướng dự kiến máy bay địch sẽ bay vào. Đạn lắp hai băng. Các pháo thủ ngồi trực trên mâm pháo. Khi phát hiện máy bay, khẩu đội trưởng cứ theo phương án mà bắn, không chờ lệnh đại đội trưởng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Tôi gật đầu hài lòng với những điều Yến vừa báo cáo. Cho cậu Bình ở lại sở chỉ huy đại đội - ở đây Bình có mấy chiến sĩ thông tin đồng hương - còn tôi một mình đi xuống Khẩu đội 3.
Thấy tôi đến, khẩu đội trưởng Vận báo cáo:
Khẩu đội 3 đang trực ban sẵn sàng chiến đấu. Từ 18 giờ đến nửa đêm, tôi cùng ba pháo thủ trực chiến: Nửa đêm về sáng, đồng chí Báu, khẩu đội phó, cùng ba pháo thủ khác lên thay. Tôi lần lượt bắt tay từng chiến sĩ, rồi đề nghị với Vận:
- Khẩu đội trưởng cho mình làm pháo thủ số 2 nhé!
- Không được đâu! Trung đoàn phó làm pháo thủ thế nào được ạ!
- Cậu không biết đấy chứ, ngày xưa tớ đã từng làm pháo thủ số 2 bắn đạn thật trúng mục tiêu, trước khi về dự chiến dịch Điện Biên đấy!
- Nhưng em sợ đại đội phê bình. - Không sao, tớ sẽ có cách nói với đại đội. - Thôi được! Đồng chí Bảo bước xuống để trung đoàn phó lên thay! Tôi mượn chiếc mũ sắt chụp lên đầu, rồi ngồi vào ghế pháo thủ, bàn chân phải đặt lên bàn đạp cò. - Thủ trưởng bình tĩnh nhé! Khi nào em hô bắn, thủ trưởng đạp ngay cho em một điểm xạ dài! - Rõ! Tôi đáp.
Hai pháo thủ Bảo và Sơn ở bên cạnh bụm miệng cười. - Điều quan trọng là sau khi bắn xong một điểm xạ, thủ trưởng phải nhảy xuống, chui vào hầm ngay. Không kịp là ăn bom bi đấy! Nó phản ứng tức thì đấy thủ trưởng ạ! Hết bom bi, lại nhảy lên đánh tiếp, chi viện đoàn xe.
Bên ngoài đường, những chiếc xe vận tải của binh trạm đã bắt đầu chạy ra, từng chiếc từng chiếc một, tiếng động cơ rầm rì. Khoảng 30 phút sau, trời đất bỗng sáng trưng lên vì những chiếc đèn dù do máy bay O-2A vừa thả xuống.
- Kiểu này là không có thằng AC-130 rồi! Bọn F sắp đến đấy!
Vận nói với các pháo thủ, mà cũng là nói với tôi. Tôi cầm chặt tay lái tầm, chân nhứ nhứ vào bàn đạp.
Đột nhiên, Vận hét to: “Bắn!”.
Theo phản xạ tự nhiên, tôi đạp mạnh bàn chân phải. Mười viên đạn rời khỏi nòng pháo, vút lên không trung, cùng một lúc với tiếng rít xé tai của chiếc máy bay phản lực Mỹ. Một loạt bom nổ phía bên kia đường.
- Xuống hầm, thủ trưởng ơi!
Sực nhớ lời dặn của Vận lúc nãy, tôi co chân rời mâm pháo, nhưng vì không quen, nên có phần chậm chạp. Các pháo thủ đã xuống hầm hết. Riêng Vận vẫn đứng đó chờ tôi, nhường tôi xuống trước. Khi tôi vừa lọt vào miệng hầm, một bàn tay ấn mạnh vào lưng tôi, đẩy tôi chui lọt vào trong. Vận chưa kịp vào thì một loạt bom bi nổ trùm lên trận địa, chớp giật nhằng nhằng. Tôi thầm nghĩ: nó phản ứng nhanh ghê! Rồi chợt nghĩ đến Vận, tôi vội hỏi:
- Vận ơi! Có việc gì không?
Vận ngồi bệt xuống đất, bàn tay phải nắm chặt cánh tay trái. Một loạt bom bi nữa nổ rền.
- Em bị vào tay. Nhẹ thôi!
Ánh sáng đèn dù từ ngoài hắt vào, giúp cho cậu Sơn, một pháo thủ thấy rõ để tháo cuộn băng và quấn vết thương cho Vận.
- Có đau lắm không? Còn chỗ nào nữa không?
- Không sao đâu thủ trưởng! Chắc viên bi chỉ vào phần mềm thôi! Vận co duỗi cánh tay, từ từ, mặt hơi nhăn.
Nhìn khắp đầu và mặt của Vận một lượt, không thấy vệt máu nào khác, tôi yên tâm, nhưng vẫn cứ áy náy trong lòng:
- Mình chậm chân một chút mà làm khổ cậu.
- Có gì đâu ạ! Sáng mai em sẽ sang trạm phẫu thuật của binh trạm đặt ở hang núi bên kia, nhờ bác sĩ gắp viên bi ra là xong ngay thôi mà!
Suốt đêm hôm đó, máy bay Mỹ còn đến quấy phá thêm ba lần nữa. Vận chỉ huy một đợt, mặc dù tay trái đã bị thương. Hai đợt sau do Báu chỉ huy. Còn tôi, đương nhiên là không được trèo lên mâm pháo nữa.
Đứng quan sát những luồng đạn bắn lên như pháo hoa tung lên trời, tôi xác định các khẩu đội pháo của Đại đội 825 đã chiến đấu tốt, bắn mạnh từng loạt, tích cực chi viện cho đội hình xe đi qua.
Sáng hôm sau, trở về sở chỉ huy cụm tiền phương trung đoàn, tôi được biết ngoài khẩu đội trưởng Vận, đơn vị chúng tôi không ai bị thương. Chỉ có một kính ngắm pháo của Đại đội 813 bị vỡ, đã được nhân viên kỹ thuật thay thế. Hỏi sang binh trạm, các anh cho biết chỉ có một lái xe bị thương và một xe chở đạn bị thủng lốp. Tất cả được giải quyết kịp thời. Đoàn xe vẫn đến đích đúng kế hoạch.
Tôi thầm nghĩ: nếu không ở Trường Sơn, người ta không thể hình dung nổi cuộc chiến đấu ở đây như thế nào. Có những biện pháp chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở trên chiến trường miền Bắc là điều cấm kỵ, thì ở đây lại là điều cho phép. Ví như việc có lúc phải bố trí trận địa thành hàng dọc, pháo cách pháo hàng trăm mét, việc cho pháo thủ vào hầm ẩn nấp sau một loạt bắn là điều không thể có ở Hà Nội, Hải Phòng, ở Quân khu 4.
Nhưng ở đây là đường Trường Sơn, là tuyến vận chuyển chiến lược, mỗi đêm có hàng trăm xe đi qua theo đội hình lớn, đòi hỏi phải linh hoạt. Thắng lợi của đoàn xe an toàn vượt qua các cung, chặng, là mục tiêu số một của bộ đội trên toàn tuyến 559, mà cũng là mục tiêu số một của bộ đội pháo cao xạ chúng tôi.
Bắn mạnh, bắn mãnh liệt để các anh lái xe an lòng khi vượt trọng điểm, để cho những tên phi công Mỹ hoảng hồn ném chệch những chùm bom, để cho đường ta không hỏng, ngầm ta không tắc, xe ta không cháy – hoặc nếu có thì cũng chỉ ở mức thấp nhất. “Máy bay rơi nhiều càng tốt, nhưng không quý bằng những chuyến hàng an toàn đi tới đích phục vụ đắc lực cho cuộc chiến đấu ở miền Nam”. Đó là mệnh lệnh của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đối với bộ đội phòng không trên toàn mặt trận.
Vượt qua ngàn trùng gian khổ, sẵn sàng chấp nhận mọi tổn thất hy sinh, các chiến sĩ pháo cao xạ trên đường Trường Sơn đã thực hiện tốt yêu cầu cơ bản đó.
Riêng tôi, suốt đời tôi nhớ mãi cái đêm xuống làm pháo thủ ở Khẩu đội 3, để cho khẩu đội trưởng Vận vì tôi mà bị một vết thương(1).
(1)Trong một trận chiến đấu sau, ngày 21/3/1972, Khẩu đội 3 bị tổn thất lớn vì một loạt bom bi. Vận, Báu bị thương nặng. Các pháo thủ Phi, Xuân, Bảo anh dũng hy sinh.
Bình luận