Giám đốc y tế Tây Australia Andrew Robertson kêu gọi người dân tránh xa viên phóng xạ do đặc tính của nó. Ảnh: ABC News. |
Trong nhiều ngày qua, giới chức Australia đã mở một cuộc tìm kiếm bất thường. Vật bị mất là viên nang nhỏ chứa chất phóng xạ có thể gây bỏng hoặc gây bệnh cho bất kỳ ai chạm vào.
Viên nang màu bạc, dài 8 mm, chứa lượng nhỏ chất phóng xạ Cesium-137. Nó bị rơi ra khỏi thiết bị mà công ty Rio Tinto vận chuyển đến Perth bằng xe tải để sửa chữa.
Vấn đề của nhà chức trách là nó có thể nằm ở bất cứ đâu dọc theo đoạn đường cao tốc dài hơn 1.448 km nối giữa khu vực mỏ của Rio Tinto với Perth, thủ phủ bang Tây Australia.
Không chỉ không gian, thời gian cũng là yếu tố làm phức tạp thêm nỗ lực tìm kiếm. Thiết bị rời khỏi mỏ Gudai-Darri của Rio Tinto vào ngày 12/1 nhưng phải mất đến gần 2 tuần, viên phóng xạ mới được phát hiện mất tích vào ngày 25/1.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, "phép màu" đã xảy ra. Viên phóng xạ đã được tìm thấy ở vùng hẻo lánh của Tây Australia. Người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp bang Stephen Dawson cho biết nó được tìm thấy cách Newman khoảng 50 km về phía nam vào ngày 1/2, ABC News đưa tin.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là kết quả phi thường”, ông nói trong cuộc họp báo. "Các đội tìm kiếm đã thực sự phải mò kim đáy biển".
Thành viên của nhóm quản lý sự cố điều phối việc tìm kiếm viên phóng xạ bị mất tích. Ảnh: Reuters. |
Mối lo ngại
Ủy viên Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Khẩn cấp Darren Klemm cho biết viên phóng xạ được tìm thấy cách lề đường 2 m. Ông cho hay một chiếc xe tìm kiếm đang chạy với tốc độ 70 km/h trên đường cao tốc Great Northern Highway thì thiết bị dò tìm phát hiện ra bức xạ.
Một khu vực đã được quây xung quanh viên phóng xạ để đảm bảo an toàn cho công chúng.
Ông Robertson cho biết viên phóng xạ dường như không di chuyển sau khi rơi khỏi chiếc xe tải và thật may là không có ai bị hại. Viên nang sẽ được cất giữ tại một địa điểm an toàn ở Newman qua đêm trước khi được vận chuyển đến cơ sở của Cơ quan Y tế Tây Australia vào ngày 2/2, nơi nó được kiểm tra lại.
Hôm 31/1, Cơ quan An toàn Hạt nhân của Australia cho biết họ đã tham gia cuộc tìm kiếm viên phóng xạ nhỏ bị mất tích với thiết bị phát hiện di động được gắn trên ôtô chuyên dụng, Reuters đưa tin.
Cụ thể, Cơ quan Bảo vệ Bức xạ và An toàn Hạt nhân Australia thông tin họ đã làm việc với giới chức bang để xác định vị trí viên phóng xạ. Cơ quan này cho biết thêm Tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Australia đã gửi các chuyên gia cũng như thiết bị phát hiện tới hỗ trợ.
Viên nang sau đó được tìm thấy bởi một nhóm từ tổ chức này cùng Cơ quan Cứu hỏa và Dịch vụ Khẩn cấp.
Trước đó, việc viên phóng xạ bị thất lạc đã dẫn đến cảnh báo bức xạ trên khắp các khu vực của bang Tây Australia rộng lớn.
Mặc dù Tây Australia có dân cư thưa thớt bên ngoài Perth, nhà chức trách lo ngại viên nang có thể bị kẹt trong lốp của bất kỳ phương tiện nào đi qua đường cao tốc. Nó có khả năng khiến những người ngồi trong xe tiếp xúc với bức xạ tương đương với 10 lần chụp X-quang trong một giờ.
Andrew Robertson, Giám đốc y tế của Tây Australia, cảnh báo việc tiếp xúc có thể gây bỏng phóng xạ hoặc bệnh nặng.
“Mối bận tâm của chúng tôi là ai đó có thể sẽ nhặt nó lên mà không biết nó là gì. Họ nghĩ rằng 'Ồ, đây là một thứ thú vị' và giữ nó lại... mà không biết họ đang thực sự đối mặt với thứ gì”, ông Robertson nói.
Các thành viên trong nhóm quản lý sự cố phối hợp tìm kiếm viên phóng xạ. Ảnh: Reuters. |
Nhà chức trách cho biết họ đã tìm kiếm lần lượt các địa điểm trong danh sách ưu tiên cần tìm, bao gồm nơi chiếc xe tải được chất hàng, đồng thời sử dụng hệ thống định vị toàn cầu để phân tích, xác định nơi nó dừng lại trong hành trình.
Tại những địa điểm đó, các nhóm chuyên gia sử dụng máy đo cầm tay có thể phát hiện mức độ phóng xạ để tìm kiếm viên phóng xạ.
Tuy nhiên, công nghệ cũng có giới hạn. Nigel Marks, nhà khoa học vật liệu tại Đại học Curtin, cho biết những người cầm cảm biến di động chỉ có thể đi bộ với tốc độ nhất định để bắt được tín hiệu.
Do đó, Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Khẩn cấp của Tây Australia, cơ quan phối hợp tìm kiếm với cảnh sát và chuyên gia y tế, đã mang đến các thiết bị chuyên dụng cho phép họ rà soát toàn bộ các đoạn đường cao tốc.
“Chúng tôi không cố gắng tìm viên nang nhỏ bằng mắt thường”, Giám đốc điều hành sự cố Darryl Ray cho biết.
Truy tìm nguyên nhân
Đối với Rio Tinto, việc mất viên nang là một nỗi xấu hổ mới ở Australia, nơi hãng này đang cố gắng xây dựng lại danh tiếng của mình sau vụ phá hủy hai hầm đá cổ có ý nghĩa văn hóa ở Tây Australia vào năm 2020.
“Chúng tôi hiểu rằng điều này rất đáng lo ngại và rất tiếc vì nó đã gây ra báo động cho cộng đồng Tây Australia”, Al Jazeera dẫn lời ông Simon Trott, người đứng đầu bộ phận quặng sắt của công ty.
Viên phóng xạ là một phần của tỷ trọng kế mà Rio Tinto đang sử dụng để đo tỷ trọng quặng sắt tại một nhà máy ở mỏ Gudai-Darri.
Viên phóng xạ bị thất lạc trong quá trình vận chuyển. Ảnh: Reuters. |
Thiết bị được đóng gói vào hộp gỗ vào ngày 10/1, sau đó được gắn chặt vào kệ kê hàng trên xe tải vận chuyển. Ông Trott cho biết một máy đếm Geiger - thiết bị có thể phát hiện bức xạ - đã được sử dụng để xác nhận viên phóng xạ nằm trong hộp trước khi nó rời khỏi mỏ hai ngày sau đó.
Tuy nhiên, khi kiện hàng tới khu vực và được mở ra để kiểm tra vào ngày 25/1, tỷ trọng kế bị gãy, thiếu một trong 4 bu lông và ốc vít của thiết bị cũng biến mất.
Các nhà chức trách nghi ngờ chiếc xe tải trong quá trình vận chuyển đã rung lắc mạnh, khiến viên phóng xạ rơi khỏi hộp chuyên dụng và lọt xuống một lỗ đinh tán bị long ra rồi thất lạc.
“Người ta tin rằng container chứa viên phóng xạ vào thời điểm đó đã bị đổ do rung lắc trong chuyến đi và thật không may, nó kéo theo việc mất một chốt giữ và viên phóng xạ rơi qua lỗ chốt đó”, ông Robertson cho biết.
Chiếc container trên đến Perth vào ngày 16/1, nơi nó được dỡ xuống và cất giữ tại một cơ sở chuyên dụng trước khi được mở vào ngày 25/1.
“Thật đáng lo ngại khi một chất độc hại như vậy có thể đã xâm nhập vào cộng đồng ở đâu đó”, Roger Cook, Phó thủ hiến bang Tây Australia cho biết.
“Đó có thể là bên đường ở vùng hẻo lánh, nơi nó ít gây hại cho công chúng Tây Australia, nhưng nó cũng có thể là ở khu vực đô thị hoặc một số khu xây dựng khác. Điều đó rõ ràng là rất đáng lo ngại”, ông nhấn mạnh.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.