Mùa cua đỏ ở đảo Giáng sinh. Ảnh: Xinhua/IPA. |
"Rừng là sân chơi và biển là xứ sở thần tiên của chúng tôi".
Đó là cách Sook Yee Lai nhớ lại thời thơ ấu của mình trên đảo Giáng sinh - vùng đất cách thành phố Perth (Australia) khoảng 3,5 giờ bay về phía tây bắc.
“Chúng tôi có rất nhiều hoạt động như lặn tự do, lặn với ống thở, lướt sóng, thám hiểm hang động và đi bộ xuyên rừng để dạo chơi trên những bãi biển”, Lai nói với CNN.
Được mệnh danh là viên ngọc xa xôi ở Ấn Độ Dương, vẻ đẹp tự nhiên của đảo Giáng sinh đã khiến nhiều người bị thu hút. Dù diện tích tương đối nhỏ, chỉ khoảng 135 km2, hòn đảo này là nơi có những vách đá sừng sững, rừng rậm, rạn san hô phát triển mạnh và hơn 250 loài đặc hữu.
"Đó là một hòn đảo rất đặc biệt", Lai nói. "Ở một nơi nhỏ bé và biệt lập như vậy, chúng tôi vẫn có một cộng đồng sôi động và hài hòa".
Nơi hội tụ các nền văn hóa
Dù đã rời đi vào năm 15 tuổi, Lai vẫn thường xuyên trở lại đảo Giáng sinh để làm việc và thăm gia đình, cũng như bạn bè thời thơ ấu.
"Mỗi lần quay lại, mùi rừng rậm lại xông vào cánh mũi ngay khi tôi bước xuống máy bay. Đó là mùi của quê hương", cô chia sẻ.
Theo cuộc điều tra dân số năm 2021, khoảng 22% trong số 1.700 cư dân trên đảo là người gốc Hoa, 17% người Australia, 16,1% người Malaysia, 12,5% người Anh và 3,8% người Indonesia.
Kết quả là hàng ngày người dân nơi đây thường nghe rất nhiều ngôn ngữ, từ tiếng Anh, tiếng Malaysia, đến tiếng Quan Thoại, Quảng Đông, Mân Nam và Tagalog (từ Philippines),...
Đảo Giáng sinh, Australia. Ảnh: Hiệp hội Du lịch đảo Giáng sinh. |
“Chúng tôi được khuyến khích nói ngôn ngữ của mình khi còn nhỏ và chia sẻ nó với những người khác”, Lai nói thêm.
Sự đa dạng trên đảo Giáng Sinh liên quan trực tiếp đến hoạt động khai thác mỏ thời thuộc địa và Thế chiến II. Một công ty của Anh lần đầu phát hiện ra hòn đảo vào lễ Giáng sinh năm 1643, và ngày lễ này trở thành tên gọi của đảo.
Ngày nay, khoảng 1.300 người, tương đương 80% dân số, đang sống ở Vịnh Flying Fish - địa điểm định cư chính của hòn đảo.
"Vịnh này là trung tâm trên đảo. Mọi người chèo thuyền hoặc bơi ra xa để ngắm nhìn tất cả loài san hô và sinh vật biển tuyệt đẹp. Họ không cần phải đi đâu xa để ngắm nhìn cá heo, rùa hay bạch tuộc", Lai tự hào.
Còn đối với Lauren Taylor, 37 tuổi, cảm giác khi đặt chân đến hòn đảo này hệt như “tình yêu sét đánh”.
Taylor đã cùng chồng chuyển đến làm việc tại trường trung học duy nhất trên đảo. "Ấn tượng đầu tiên của tôi là tôi có thể sống ở đây trong 10 năm tới", cô nói với CNN.
Khi đó, cô đang mang thai đứa con đầu lòng được ba tháng. Hiện vợ chồng cô đã có hai người con, 8 và 9 tuổi. Chúng lớn lên không có công nghệ và được bao bọc bởi thiên nhiên.
“Ở đây không có Internet, trừ khi bạn lắp đặt Wi-Fi tại nhà. Những đứa trẻ của chúng tôi thường trèo cây và chơi đùa bên ngoài”, Taylor giải thích.
Theo chia sẻ của Lai, những người dân trên đảo Giáng Sinh là một cộng đồng gắn bó chặt chẽ, nên mọi người đều yên tâm rằng họ luôn an toàn. “Rất ít người khóa cửa nhà, một số thậm chí còn không rút chìa khóa khi ra khỏi ôtô. Nơi đây rất tự do và an toàn”, cô nói.
Thiên nhiên ngay trước cửa nhà
Khoảng 64% diện tích hòn đảo vẫn được bảo tồn và là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật, từ cua dừa khổng lồ đến chim bồ câu hoàng đế có màu ngọc lục bảo.
"(Chúng tôi) có thể gặp rất nhiều động vật hoang dã", Taylor nói. "Khi ở trên thuyền, chúng tôi nhìn thấy một con rùa, và nhảy xuống nước bơi cùng nó. Một con cá nhám voi sẽ lao tới phía chúng tôi".
Cua đỏ tràn qua đảo. Ảnh: Hiệp hội Du lịch đảo Giáng sinh. |
Cuộc di cư nổi tiếng của loài cua đỏ, bắt đầu vào khoảng tháng 11 hàng năm, cũng là điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của đảo Giáng sinh. Trong thời gian này, ước tính khoảng 40-50 triệu con cua đỏ di chuyển từ đại dương đến rừng mưa nhiệt đới sẽ đi ngang qua đảo, bò trên đường, ôtô và phủ kín các bãi biển, theo ABC.
David Mulheron, vận động viên lặn tự do của Australia, là một trong số những người tìm kiếm cuộc sống mới ở đảo Giáng sinh. Anh chuyển đến hòn đảo này từ cuối năm 2019.
"Rạn san hô ở đây là một trong những rạn san hô đẹp nhất mà tôi từng lặn", anh nói. "Tôi may mắn bơi cùng cá nhám voi, cá đuối, rùa, cá heo và hàng trăm loài cá nhiệt đới đầy màu sắc”.
Song cuộc sống ở hòn đảo này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
"Khó khăn lớn nhất là chi phí đi lại. Người dân phải chi trả rất nhiều khi bay vào đất liền", Amanda Clarke nói với CNN.
Hãng Virgin Australia chỉ cung cấp hai chuyến bay mỗi tuần giữa đảo Giáng sinh và thành phố Perth. Những chuyến bay này thường xuyên bị hoãn hoặc hủy do thời tiết. Giá vé cũng đắt đỏ, khoảng 1.200-1.400 USD khứ hồi, Clarke than thở.
Việc mua sắm quần áo, tã lót và thực phẩm cũng là một vấn đề.
"Đối với những dịp đặc biệt như sinh nhật và Giáng sinh, (chúng tôi) cần lên kế hoạch trước ba tháng để chắc chắn những món quà sẽ đến kịp”, Talor chia sẻ.
Vào cuối tháng 12, khi lễ Giáng sinh cận kề, hòn đảo trùng tên này có thể đón những ngày nắng đẹp hay mưa lớn. Nhiệt độ trên đảo quanh năm dao động trong khoảng 22-28 độ C, theo Australian Traveler.
“Vào những ngày nghỉ này, chúng tôi sẽ dành thời gian trên thuyền, bơi cùng những con cá nhám voi”, Taylor kể. Cô cũng thường dành lễ Giáng sinh trên bãi biển cùng gia đình và tham gia buổi lễ cho trẻ mồ côi trên đảo.
Hòn đảo này cũng đón nhiều dịp lễ quan trọng khác, chẳng hạn Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu hay lễ Vu Lan vì có đông đảo cộng đồng người hoa.
"Tất cả chúng tôi sống hòa thuận với nhau, tổ chức các lễ kỷ niệm (văn hóa) của nhau, đám cưới và sinh nhật của cả đảo. Nếu ai đó bị bệnh, cả đảo sẽ cùng giúp đỡ các", Clarke nói. "Mọi người đều có cảm giác mất mát khi ai đó qua đời hoặc một gia đình rời đi”.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.