Rematch - Revenge - Return (Tái đấu - Báo thù - Sự trở lại).
Đó là hàng chữ xuất hiện trên poster do Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) phát hành ít giờ sau khi kết quả bốc thăm King’s Cup 2019 đưa 2 đại kình địch Thái Lan - Việt Nam gặp nhau ở trận ra quân.
Người Thái tin King’s Cup sẽ là nơi họ đòi lại ngôi vị bá chủ Đông Nam Á. HLV trưởng Sirisak Yodyardthai tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chứng minh ai là đội bóng số một Đông Nam Á”.
Poster cho thấy quyết tâm lớn của người Thái Lan trước thềm King’s Cup. Ảnh: FAT. |
King’s Cup có quyết định ai là Vua?
Nếu thực sự xem King’s Cup là võ đài quyết định ngai vàng Đông Nam Á, người Thái hẳn đã đánh giá quá thấp đội tuyển Việt Nam và chính họ. Giải đấu truyền thống của Thái Lan có giá trị tinh thần lớn, nhưng chưa thể là sân chơi xứng đáng với tầm cỡ Thái Lan và Việt Nam lúc này.
So với 5 giải đấu lớn mà thầy trò HLV Park Hang-seo đã trải qua từ đầu năm 2018 tới nay, King’s Cup là giải đấu kém danh giá nhất. U23 châu Á 2018, ASIAD 18, Asian Cup 2019 và Vòng loại U23 châu Á 2020 đều là các giải châu lục, còn AFF Cup 2018 là giải vô địch toàn Đông Nam Á.
Giải giao hữu này có số đội tham dự ít nhất (4), số trận đấu ít nhất (4 trận), giá trị các trận đấu không cao và đã liên tục bị nhiều đội bóng từ chối.
Thời điểm diễn ra King’ Cup là tháng 6, cách xa loạt trận vòng loại World Cup 2022 vào tháng 9. Khác hẳn M-150 Cup 2017 diễn ra ngay trước vòng chung kết U23 châu Á 2018 hay Cúp tứ hùng U23 tổ chức trước ASIAD 18 chỉ vài ngày, các đội bóng sẽ không thể tham dự King’s Cup với lực lượng mạnh nhất cùng quyết tâm cao nhất. Với các HLV, giải đấu có cái tên rất kêu này có lẽ không hơn gì một sự thử nghiệm.
So với các giải đấu lớn đã qua, King’s Cup chỉ là một đấu trường nhỏ bé với thế hệ Quang Hải. Ảnh: Minh Chiến. |
Thắng bại ở King’s Cup có thể mang tới những giá trị tinh thần lớn. Kể cả khi tuyển Việt Nam bại trận, chuỗi kỳ công của HLV Park Hang-seo vẫn không hề thay đổi. Ưu thế mà Việt Nam đang có trên bản đồ bóng đá Đông Nam Á trong 2 năm qua vẫn không khác đi.
Điều tương tự cũng diễn ra với Thái Lan. “Xứ sở chùa vàng” đã thiết lập quyền lực tuyệt đối ở Đông Nam Á qua 3 danh hiệu vô địch SEA Games, 2 lần đăng quang AFF Cup, đánh bại mọi đối thủ cùng khu vực và vươn tầm châu lục suốt từ 2013 tới 2017. Thua Việt Nam ở King’s Cup không khiến họ đánh mất vị thế ấy.
Đối đầu tại King’s Cup giữa 2 thế lực hàng đầu khu vực là 90 phút đáng chờ đợi. Tuy nhiên, chiến thắng ở đó chỉ là thắng một trận đánh, không phải thắng cả cuộc chiến.
Ai là Vua Đông Nam Á? Đáp án cho câu hỏi ấy phải đến ở tương lai khi tuyển Việt Nam và Thái Lan đối đầu nhiều lần nữa tại những giải đấu chính thức, ở những đấu trường tranh chấp huy chương.
HLV Park Hang-seo còn rất nhiều vấn đề cần xử lý với tuyển Việt Nam trước khi vòng loại World Cup 2022 bắt đầu. Ảnh: Minh Chiến. |
Cả 2 đấu sĩ đều chưa sẵn sàng
Ngay cả khi King’s Cup là đấu trường đủ danh giá thì 2 đấu sĩ Việt Nam, Thái Lan cũng chưa sẵn sàng ra trận.
Người Thái chưa xử lý xong cuộc khủng hoảng ở thượng tầng đội tuyển. Họ đã thất bại trong việc tìm kiếm một HLV trưởng tới từ châu Âu, tiếp tục thất bại với các mục tiêu mới từ Nhật Bản. Sự thiếu kiên nhẫn và định hướng không rõ ràng của FAT đã khiến các HLV ngoại dè dặt trong việc tiếp cận đội tuyển áo xanh. Trên băng ghế chỉ đạo, FAT phải tạm hài lòng với trợ lý Sirisak Yodyardthai - người chưa có bằng Pro, chưa từng dẫn dắt 1 đội bóng đỉnh cao nào trước đấy.
Ở bên kia chiến tuyến, tuyển Việt Nam cũng có vấn đề riêng. Thất bại trong chuyến đi Na Uy khiến HLV Park Hang-seo phải đánh giá lại về khả năng của các cầu thủ Việt kiều. Cộng thêm chậm trễ từ Filip Nguyễn, sự dè dặt của Jason Quang-Vinh Pendant, khả năng tuyển Việt Nam đón những Việt kiều mới ngay tại King’s Cup gần như không còn.
Điều đó nghĩa là HLV Park Hang-seo chưa thể bổ sung nhân sự cho đội bóng. Ông sẽ buộc phải hài lòng với hàng loạt vị trí có vấn đề, phải tiếp tục trọng dụng Đức Chinh - người đang có phong độ rất tệ, với Công Phượng - người phải ngồi dự bị, với Tiến Linh - chưa bình phục chấn thương.
Khi những vấn đề thượng tầng chưa xử lý xong, phong độ của các trụ cột cũng là một rắc rối khác.
Lịch thi đấu vòng mở màn King’s Cup 2019. Đồ họa: Minh Phúc. |
Ở tuyển Việt Nam, ngoại trừ nhóm cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội, phần lớn tuyển thủ đều đang gặp vấn đề. Công Phượng, Xuân Trường dự bị dài hạn ở nước ngoài, Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh chưa hẹn ngày tái xuất, Nguyễn Trọng Hoàng bị cấm thi đấu vì quy định chuyển nhượng, Vũ Văn Thanh, Quế Ngọc Hải chỉ vừa tái xuất. Rất khó để tìm một tuyển thủ Việt Nam có phong độ cao lúc này.
Bên phía Thái Lan, Chanathip Songkrasin mới ghi 1 bàn sau 10 vòng J.League - thành tích nghèo nàn với người có tên trong đội hình tiêu biểu mùa trước. Hàng loạt trụ cột tuyển Thái lao đao theo cuộc khủng hoảng của Muangthong.
Điều đó cũng là dễ hiểu thôi khi tuyển Việt Nam và Thái Lan đều phải thi đấu quá nhiều trong giai đoạn cuối 2018, đầu 2019. Họ đều phải dự AFF Cup, đều tiến xa ở Asian Cup. Họ được nghỉ ngơi rất ít trước khi phải trở lại với mùa giải quốc nội khốc liệt. Đòi họ phải chơi với phong độ cao nhất ngay tại lượt đi là bất khả thi.
Bản thân HLV Park Hang-seo và người đồng cấp Yodyardthai cũng hiểu điều đó. Với họ, mục tiêu quan trọng nhất của cả Việt Nam và Thái Lan sẽ chỉ đến vào cuối năm - thời điểm vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 30 diễn ra.
Vì những lẽ trên, King’s Cup có lẽ chưa phải nơi tìm ra đáp án cho câu hỏi: ai là vua bóng đá Đông Nam Á.