Hôm 31/3, một loạt công ty kim hoàn nổi tiếng thế giới, bao gồm thương hiệu Tiffany & Co của Mỹ, nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Thụy Sĩ Chopard, nhà bán lẻ trang sức kim cương Signet, và nhà sản xuất trang sức lớn nhất thế giới Pandora, đã tuyên bố ngừng mua kim cương có xuất xứ Nga.
Đại diện của Pandora cũng cho biết công ty sẽ rời khỏi Hội đồng RJC - một tổ chức quốc tế giám sát hoạt động của các công ty kim hoàn - sau 12 năm là thành viên, vì hội đồng “không đình chỉ tư cách thành viên của công ty Nga và thúc giục các thành viên khác tạm ngừng kinh doanh với nước này”, Guardian đưa tin.
“Tất cả doanh nghiệp phải hành động với trách nhiệm cao nhất trong bất kỳ tương tác hoặc giao dịch kinh doanh nào với Nga và Belarus. Pandora không thể trở thành thành viên của một hội đồng không chia sẻ chung giá trị với chúng tôi”, Giám đốc điều hành Alexander Lacik nói.
Nhiều công ty tẩy chay kim cương của Nga. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, vào giữa tháng 3, Guardian đề cập đến mối lo ngại rằng các công ty khai thác kim cương, một phần thuộc sở hữu của nhà nước Nga, đang tài trợ cho cuộc tấn công vào Ukraine. Họ có thể tránh các lệnh trừng phạt bằng cách xuất khẩu qua Ấn Độ.
Nga sản xuất khoảng 30% lượng kim cương trên thế giới và 98% trong số đó được khai thác bởi Alrosa. Chính quyền Moscow sở hữu 1/3 cổ phần của Alrosa, trong khi đó nước cộng hòa Yakutia thuộc Nga, cũng sở hữu 1/3 cổ phần của tập đoàn này.
Tổng thống Putin từng nói rằng Alrosa “mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách liên bang và ngân sách khu vực”.
Cả Mỹ và Anh đều cấm các công ty kinh doanh trực tiếp với Alrosa. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn dòng kim cương của Nga chảy sang phương Tây. Vì phần lớn kim cương được xuất khẩu sang Ấn Độ dưới dạng kim cương thô. Tại đây, chúng sẽ được cắt và đánh bóng, sau đó nhập khẩu hợp pháp vào Mỹ như một sản phẩm của Ấn Độ, chứ không phải của Nga.
Vì vậy, các quyết định về việc có thực sự tạm dừng kinh doanh kim cương với Alrosa hay không thuộc về các công ty và tổ chức như RJC.
Nhưng ông Brooks-Rubin, một cố vấn chiến lược của RJC, cho biết quyết định tẩy chay Nga rất phức tạp, vì hàng triệu việc làm và sinh kế đang phụ thuộc vào dòng chảy kim cương.
“Nếu 30-40% chuỗi cung ứng bị loại bỏ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá cả và mọi thực thể trong toàn bộ ngành công nghiệp”, ông nói.