“Mọi thứ đều là thử thách, từ nước, nhiên liệu, thức ăn đến việc di chuyển. Đây là cách huấn luyện khiến chúng tôi đạt đến giới hạn cả về thể chất lẫn tinh thần”, đại úy Weston Iannone, 27 tuổi, cho biết.
Ông dẫn đầu một đơn vị lính Mỹ tham gia cuộc tập trận ở ngoại ô thành phố Fairbanks, Alaska, vào tháng 3. Cuộc diễn tập với hơn 8.000 binh sĩ đã được lên kế hoạch từ lâu, nhằm đáp trả sự gia tăng hiện diện của Nga ở Bắc Cực - nơi Washington và Moscow có chung đường biên giới biển.
Sau khi nhảy dù xuống vùng Alaska lạnh giá, đại úy Weston Iannone và 120 binh sĩ, cả nam và nữ, đã di chuyển qua hàng dặm tuyết dày để đến một sườn núi. Họ rơi vào tình cảnh khắc nghiệt, chưa thể dựng lều trú chân trong khi đoàn cung cấp nhiên liệu, vật dụng thiết yếu để giữ ấm đã bị tụt lại phía sau.
Các binh sĩ đào chiến hào, lập tiền đồn và tiến hành các cuộc diễn tập chiến đấu ở Alaska. Ảnh: New York Times. |
"Giành lại sự thống lĩnh ở Bắc Cực"
Trong nhiều năm, các tuyến đường vận chuyển và nguồn dự trữ năng lượng ở Bắc Cực đã trở thành tâm điểm tranh luận ở nhiều quốc gia. Giờ đây, với nguy cơ thay đổi trật tự địa chính trị sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, sự cạnh tranh về chủ quyền và tài nguyên ở Bắc Cực đang ngày càng gay gắt.
Ở bờ Tây Alaska, Moscow đang đầu tư hàng trăm triệu USD để mở rộng cảng tại Nome, biến nơi này thành một trung tâm phục vụ các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Hải quân đi vào vòng Bắc Cực. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nga cũng dự kiến triển khai thêm 3 tàu phá băng mới, dù đã có hơn 50 tàu đang hoạt động.
Thậm chí, trong tháng 3, một thành viên Quốc hội Nga đã yêu cầu Mỹ trả lại quyền kiểm soát Alaska - khu vực được Washington mua từ Moscow vào năm 1867.
Mỹ tăng cường diễn tập quân sự ở Alaska. Ảnh: New York Times. |
Về phía Mỹ, dù lên án sự phô trương mạnh mẽ về quân sự của Nga ở khu vực này, Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch riêng để tăng cường hiện diện.
Không quân Mỹ đã chuyển hàng chục máy bay chiến đấu F-35 đến Alaska, tuyên bố rằng bang này sẽ sở hữu “máy bay chiến đấu tiên tiến hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới”. Năm 2021, quân đội Mỹ cũng đưa ra chiến lược đầu tiên với mục tiêu "giành lại sự thống lĩnh ở Bắc Cực".
Trong nhiều thế kỷ, vùng biển rộng lớn ở Bắc Cực phần lớn là nơi không có người ở. Nhưng khi băng tan dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiều con đường vận chuyển mới được mở ra. Các quốc gia cũng chú ý đến trữ lượng hydrocacbon và khoáng sản khổng lồ dưới đáy biển Bắc Cực, từ đó gây ra những tranh chấp mới.
Canada và Mỹ chưa bao giờ đạt thỏa thuận về tình trạng của Hành lang Tây Bắc giữa Bắc Đại Tây Dương và biển Beaufort. Trung Quốc cũng đang nỗ lực để tạo dựng chỗ đứng, tuyên bố là một “quốc gia cận Bắc Cực” và hợp tác với Nga để thúc đẩy phát triển “bền vững”, mở rộng việc sử dụng các tuyến đường thương mại ở khu vực này.
Nga cũng đã tỏ rõ ý định kiểm soát cái gọi là "tuyến đường biển Phương Bắc" ở khu vực này, dù vấp phải sự phản đối gay gắt của chính quyền Mỹ.
Không thể mất cảnh giác
“Mọi thứ đang leo thang, do đó, (Mỹ) cần mở rộng quân đội ngay bây giờ”, ông John Handeland, thị trưởng thành phố Nome, phía tây Alaska, nói.
Ông John Handeland, thị trưởng thành phố Nome, phía tây Alaska. Ảnh: New York Times. |
“Có một khoảng thời gian chúng tôi nghĩ rằng mọi thứ đều ổn, đến mức có thể đã mất cảnh giác. Nhưng giờ đây, đó không phải là một ý tưởng khôn ngoan", ông nói thêm.
Trong bối cảnh chiến sự leo thang ở Ukraine, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Dan Sullivan cho rằng Nga khó có thể tấn công Alaska, nhưng sự tăng cường quân sự của Moscow trong khu vực vẫn là một mối lo ngại. Do đó, Mỹ cần “hành động theo phong cách của Moscow”.
“Chúng tôi bắt đầu xây dựng cảng biển, tàu phá băng, phát triển tàu hải quân, và sở hữu hơn 100 máy bay chiến đấu hiện đại ở Bắc Cực”, ông nói.
Alaska đã trở thành một trong những bang được quân sự hóa nhiều nhất ở Mỹ, với hơn 20.000 binh sĩ hoạt động tích cực tại các địa điểm như căn cứ không quân Eielson, pháo đài Wainwright, căn cứ liên hợp Elmendorf-Richardson,...
Ông Troy Bouffard, Giám đốc Trung tâm An ninh Bắc Cực, tại Đại học Alaska Fairbanks, cho biết “sự rạn nứt trong quan hệ Nga - Mỹ do xung đột ở Ukraine có thể dẫn đến một loạt vấn đề khó đoán định trong tương lai”.
Điều đó đồng nghĩa Mỹ phải chuẩn bị cho mọi nguy cơ. Trong một cuộc tập trận riêng ở Alaska gần đây, các đơn vị từ thủy quân lục chiến và lục quân Mỹ đã luyện tập chiến thuật ngăn chặn ô nhiễm hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân trong điều kiện khí hậu lạnh. Các binh sĩ cũng diễn tập kịch bản bảo vệ sân bay bị tấn công bởi lính dù.
Đối với nhiều binh sĩ dưới quyền chỉ huy của đại úy Iannone, nhiệm vụ bảo vệ sân bay đồng nghĩa với thiết lập vị trí ở những khu vực hẻo lánh, và sử dụng phương tiện thô sơ. Một nhóm binh sĩ đã phải chặt cây bằng tay và dùng xe trượt tuyết để vận chuyển hệ thống vũ khí.
Họ dựng một căn lều với chiếc lò sưởi nhỏ, được che chắn bằng những bức tường tuyết. Họ luân phiên trực bên ngoài lều nửa giờ một lần vào ban đêm để giữ ấm.
Owen Prescott, binh sĩ 21 tuổi, đến từ Nam California, cho biết anh đã phải vật lộn để sống sót ở nhiệt độ gần âm 20 độ C.
“Tôi đã quen với việc mặc quần đùi và đi dép xỏ ngón trong suốt cuộc đời mình. Giờ tôi thực sự phải đối phó với cái lạnh”, anh nói.